Nên có chế độ nhà công vụ, chế độ hỗ trợ công chức khi đi làm xa

PV/VOV.VN | 10/04/2025, 15:30

VOVLIVE - Khi sáp nhập tỉnh, sẽ có 1 số người nếu làm việc ở cấp tỉnh sẽ phải đi làm xa, vì vậy cũng cần nhanh chóng tính toán cụ thể để có thể có chế độ nhà công vụ, chế độ hỗ trợ công chức khi đi làm xa.

Chủ trương bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã và cấp tỉnh đang được tiến hành hết sức khẩn trương. Quá trình sắp xếp và tinh gọn cũng đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, đợt sắp xếp lần này, chúng ta sẽ thu gọn lại từ 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm xuống còn 34 đơn vị và hơn 10.000 đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm xuống còn khoảng 5000 đơn vị. Như vậy, với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, người dân sẽ gặp những thuận lợi, khó khăn gì?. Trao đổi với phóng viên VOV.VN, TS Vũ Trung Kiên – Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực 2 cho rằng: Tới đây, chúng ta sẽ có một cấp xã đủ mạnh. Những khó khăn trước mắt sẽ là động lực để thúc đẩy cả hệ thống phải chuyển động. Ông Kiên cũng đề xuất, vì khoảng cách địa lý khá xa nên có thể nghĩ đến chế độ nhà công vụ, chế độ hỗ trợ công chức khi đi làm xa.

Chúng ta sẽ có một cấp xã đủ mạnh

PV: Ông hình dung thế nào về chính quyền địa phương 2 cấp?

TS Vũ Trung Kiên: nhiều quốc gia trên thế giới đã tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và lần này Việt Nam đang hướng tới. Một chính quyền địa phương 2 cấp tới đây là sẽ không còn cấp huyện nữa, sẽ không còn 1 cấp chính quyền vốn đã gắn bó thân quen với nhiều người. Chính quyền địa phương 2 cấp là chính quyền mà người dân giải quyết công việc từ cấp xã và có nhiều nội dung sẽ được giải quyết ở cấp tỉnh. Rõ ràng với chính quyền địa phương 2 cấp thì cấp xã không chỉ cấp gần dân nhất mà còn là cấp sẽ được trao thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mới và như vậy chúng ta sẽ có một cấp xã đủ mạnh với cơ cấu tổ chức hợp lý, với đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp hơn…

PV: Chúng ta chủ trương bỏ cấp huyện và tiếp tục bỏ hơn một nửa đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập tỉnh, người dân băn khoăn rằng, khoảng cách từ nhà đến xã và từ xã đến tỉnh sẽ xa hơn và họ có thể gặp những khó khăn nhất định? Ông nghĩ sao về băn khoăn này?

TS Vũ Trung Kiên: Khi chúng ta sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện theo dự kiến sẽ có một số nhiệm vụ của cấp huyện được chuyển lên cấp tỉnh, một số nhiệm vụ theo định hướng sẽ chuyển xuống cấp xã. Như vậy, người dân có những việc sẽ đến xã giải quyết và có những việc sẽ lên tỉnh giải quyết. Khi sáp nhập tỉnh, rõ ràng tỉnh sẽ rộng hơn vì vậy nhiều người dân khi có việc giải quyết trên tỉnh đi lại sẽ xa hơn.

Cũng vậy, với cấp huyện hiện hành, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy hầu như tất cả các trụ sử cơ quan cấp huyện đều luôn được chọn ở các vị trí trung tâm, thuận tiện và chắc chắn đã có tính toán cả những yếu tố đảm bảo an ninh quốc phòng. Khi chúng ta sáp nhập từ trên 10 nghìn xã xuống còn khoảng 5 nghìn xã như dự kiến, có nghĩa là giảm khoảng 50%, như vậy rõ ràng các xã cũng sẽ rộng hơn. Khi xã rộng hơn, được giao nhiều chức năng, nhiệm vụ hơn nhưng các trụ sở có thể trong ngắn hạn chưa kịp thời xây dựng, sửa sang nên có thể khi 2 hoặc 3 xã sáp nhập làm một thì sẽ chọn 1 trụ sở của 1 xã cũ hiện có.

Như vậy, có thể những người dân ở các xã sáp nhập nhưng không đặt trụ sở đi lại sẽ xa hơn. Như vậy, băn khoăn của người dân cũng là điều dễ hiểu. Song, chúng ta đều thấy hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng kết nối hiện đại, đồng bộ, việc đi lại sẽ càng ngày càng thuận tiện hơn. Hơn nữa, chúng ta đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện chính phủ số, giải quyết các thủ tục của người dân trên môi trường mạng v.v…Vậy nên chúng tôi nghĩ rằng, địa giới, khoảng cách địa lý có thể xa nhưng giao thông, khoa học sẽ làm cho các khoảng cách này được rút ngắn lại.

Khó khăn là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy cả hệ thống phải chuyển động

PV: Như vậy, yêu cầu về chuyển đổi số, đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cần phải đẩy nhanh hơn nữa?

TS Vũ Trung Kiên:  Đúng vậy! Có những công việc liên quan đến cấp tỉnh mà một tỉnh mới sáp nhập có tỉnh lỵ cách chỗ người dân rất xa, chẳng hạn nếu Bình Phước nhập với Đồng Nai mà tỉnh lỵ đặt ở Biên Hoà, một người dân ở 1 xã thuộc huyện Bù Đốp hiện nay để đi tới tỉnh giải quyết công việc có lẽ phải đi từ 3, 4 giờ sáng.

Cũng vậy, nếu Bà Rịa Vũng Tàu nhập với TP. Hồ Chí Minh, dự kiến trụ sở đặt tại quận 1 thì một người dân ở 1 xã thuộc huyện Xuyên Mộc hiện nay lên để giải quyết công việc cũng phải đi từ rất sớm. Như vậy, có thể thấy đây là những khó khăn nhưng chính những khó khăn này mới là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tất cả hệ thống phải chuyển động, thay đổi. Trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã như hiện nay, vấn đề chuyển đổi số, đơn giản hoá thủ tục, quy trình đối với việc giải quyết các thủ tục hành chính là vấn đề cấp bách. Nếu không đẩy nhanh việc này, mọi việc sẽ chậm trễ, ì ạch và chúng ta sẽ rất khó phát triển.

PV: Theo thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà, sau khi giải thể cấp huyện, chính quyền địa phương cấp xã ngoài việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình hiện nay, sẽ đảm nhận thêm các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện?. Vậy theo ông, năng lực đáp ứng yêu cầu này của chính quyền cấp xã thế nào?

TS Vũ Trung Kiên: Đa số cán bộ, công chức cấp xã hiện nay đã được đào tạo khá cơ bản, tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, những công việc mà hiện thời cấp xã được giao giải quyết là những công việc cũng không quá khó khăn, phức tạp. Khi sáp nhập, có một số nhiệm vụ của cấp huyện được giao về cho cấp xã nên đội ngũ hiện nay chắc chắn sẽ có những bỡ ngỡ lúc ban đầu.

Tất nhiên, sau khi bỏ cấp huyện và sáp nhập cấp tỉnh sẽ có 1 số cán bộ, công chức ở cấp tỉnh, cấp huyện được điều động về cấp xã công tác. Chúng tôi cho rằng, điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề vẫn là đào tạo, bồi dưỡng lại cho đội ngũ này về những nội dung mà họ sẽ đảm nhiệm. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cho rằng, bồi dưỡng nên đi thẳng vào những vấn đề cụ thể, đó là chuyên môn, nghiêp vụ, kỹ năng có liên quan đến nhiệm vụ mà cán bộ, công chức sẽ đảm nhiệm.

Nên có chế độ nhà công vụ, chế độ hỗ trợ công chức khi đi làm xa

PV: Khi chính quyền cấp xã được trao nhiều quyền hạn hơn thì tổ chức bộ máy và chế độ công chức, công vụ sẽ phải đổi mới ra sao để bảo đảm đáp ứng được yêu cầu mới, thưa ông?

TS Vũ Trung Kiên: Đương nhiên được trao nhiều quyền hạn hơn thì sẽ có thêm nhiều tổ chức, đơn vị trực thuộc hơn, đã thêm tổ chức, đơn vị thì phải tăng thêm số lượng về biên chế, đó là điều dễ hiểu. Tất nhiên, số lượng về biên chế sẽ giảm dần song song với việc chuyển đổi số, đơn giản hoá các thủ tục hành chính.

Chế độ công chức, công vụ đương nhiên cũng sẽ phải thay đổi theo hướng hỗ trợ tối đa cho cán bộ, công chức. Chẳng hạn như ngoài các chính sách về tiền lương, nhà công vụ hoặc nhà ở xã hội thì cần tính đến các yếu tố khác như phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo môi trường thuận lợi để công chức sáng tạo, giảm tối đa các cuộc họp không cần thiết, thay đổi phương cách thực hiện thi đua khen thưởng hiện nay mà đánh giá khen thưởng căn cứ vào nhưng kết quả công việc nổi trội, cụ thể, rõ ràng, đánh giá thông qua phản hồi của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp v.v…

Khi sáp nhập tỉnh, sẽ có 1 số người nếu làm việc ở cấp tỉnh sẽ phải đi làm xa, vì vậy cũng cần nhanh chóng tính toán cụ thể để có thể có chế độ nhà công vụ, chế độ hỗ trợ công chức khi đi làm xa. Chẳng hạn, nếu một người ở Bà Rịa-Vũng Tàu, cụ thể là TP Bà Rịa về quận 1 công tác khi giả sử tỉnh này nhập với TP Hồ Chí Minh thì 1 ngày riêng tiền phí cầu đường đã mất khoảng 300 nghìn, tiền xăng xe khoảng 3, 4 trăm nghìn đó là chưa tính cácc chi phí khác. Nhà nước cần có tính toán cụ thể về điều này để có các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Không phân biệt công chức cấp xã với cấp tỉnh: Đột phá về cải cách hành chính

PV: Trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) mới nhất nhấn mạnh việc thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã, không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh, bảo đảm đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ. Theo ông hiểu, nội dung này có gì khác so với luật hiện hành?

TS Vũ Trung Kiên: Khác chứ, khác rất xa và quy định trong dự thảo Luật lần này là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, vừa hợp lý, vừa hợp tình và chúng tôi nghĩ chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình cao.

Thực ra câu chuyện liên thông trong công tác cán bộ, Đảng đã đề cập đến trong nhiều văn bản, thế nhưng quá trình thực hiện việc liên thông này có lúc đã chưa được thực hiện thông suốt mà cụ thể là quy định có sự khác nhau giữa công chức cấp xã và công chức khác trong hệ thống chính trị.

Để trở thành một công chức cấp xã, người đó phải trải qua một kỳ thi nghiêm ngặt và không khác gì cơ chế đối với công chức từ cấp huyện trở lên. Quy trình công tác cán bộ đối với cấp xã cũng tương tự như cấp huyện trở lên, thế nhưng trong thực tế lại có cách đối xử khác nhau. Chẳng hạn một công chức cấp xã nếu được điều động lên công chức cấp huyện cũng phải trải qua một hội đồng sát hạch về một số tiêu chuẩn, điều kiện nào đó cũng rất nhiêu khê, thậm chí như một kỳ thi. Có lẽ vì quy định này nên trong thực tế, dù không nói ra những vẫn có sự phân biệt công chức cấp xã và công chức cấp huyện, cấp tỉnh. Trong thực tế công chức cấp nào thì cũng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước thông qua hoạt động công vụ, thế nhưng theo quy định cũ, công chức cấp xã không được bổ nhiệm và giao giữ một ngạch công chức, họ sẽ được xếp lương theo ngạch ứng với trình độ đào tạo, điều này vô hình trung đã tạo ra tâm lý băn khoăn của đội ngũ công chức cấp xã.

Dự thảo luật quy định sẽ thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ T.Ư đến cấp xã, không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh nếu được thông qua chắc chắn sẽ là một đột phá về cải cách hành chính, đó là đơn giản hoá các quy trình quản lý và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra bỏ quy định không phân biệt này sẽ giúp việc điều động, luận chuyển cán bộ, công chức giữa cấp tỉnh với cấp xã và ngược lại dễ dàng, thuận lợi hơn…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 11
VOVLIVE - Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hội nghị Trung ương 11: Thời điểm lịch sử - quyết sách đột phá
VOVLIVE - Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 sẽ thảo luận hàng loạt chủ trương lớn mang tính đột phá, bởi như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp