Nâng cấp sản phẩm du lịch gắn với vùng chè đặc sản Thái Nguyên

Hải Nam/VOV.VN | 06/12/2024, 08:30

Du lịch cộng đồng là một trong các dòng sản phẩm du lịch chính tại Thái Nguyên. Bên cạnh Không gian văn hóa trà và vùng chè đặc sản Tân Cương, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, một số mô hình du lịch cộng đồng đã được hình thành gắn với các vùng chè nổi tiếng.

Hoạt động du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên đã từng bước được đầu tư, khai thác, qua đó thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài các điểm đến nổi bật như Không gian văn hóa Trà và vùng chè đặc sản Tân Cương (thành phố Thái Nguyên); Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (thành phố Thái Nguyên); Làng Văn hóa du lịch Bản Quyên (huyện Định Hóa)... một số mô hình du lịch cộng đồng đang được hình thành, như ở xã La Bằng (huyện Đại Từ), xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai), xã Tức Tranh (huyện Phú Lương), xã Phú Đình (huyện Định Hóa)…

Theo ông Lê Ngọc Linh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Thái Nguyên, thương hiệu trà Thái Nguyên và các đồi chè đã gắn chặt với ngành du lịch địa phương, trong 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo thì có nhiều sản phẩm gắn với phát triển văn hóa trà. "Phát triển du lịch gắn với vùng chè nằm trong quy hoạch du lịch chung của tỉnh Thái Nguyên cũng như đề án của các địa phương có vùng chè, như vùng chè Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Tân Cương - thành phố Thái Nguyên... Trong đó Tân Cương và La Bằng có sản lượng chè và diện tích vùng trồng lớn nhất, cây chè không chỉ là giống cây làm giàu cho người dân mà còn gắn với phát triển du lịch".

Nhiều năm đón khách du lịch về vùng chè Tân Cương, ông Bùi Trọng Đại - Giám đốc Hợp tác xã Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên vừa đầu tư mở rộng không gian và sản phẩm phục vụ khách: "Du khách biết về vùng chè Tân Cương và đến đây ngày càng đông hơn, có những lúc nhiều đoàn hàng chục du khách cùng lúc khiến gia đình cũng lúng túng. Vì vậy chúng tôi đã mở rộng không gian đón tiếp, xây thêm nhà nghỉ cộng đồng, phòng nghỉ khép kín để tăng thêm sức chứa, phục vụ khách có nhu cầu ăn uống, nghỉ đêm... Du khách rất thích được trực tiếp hái chè, tìm hiểu, tham gia quy trình sản xuất, đóng gói trà và trải nghiệm văn hóa bản địa".

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Thái Nguyên phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên cũng tích cực kết nối với nhiều tỉnh, thành trên cả nước để quảng bá du lịch cộng đồng gắn với vùng chè như một sản phẩm du lịch đặc trưng tại Thái Nguyên - tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước. Cây chè và sản phẩm trà gắn bó với đất và người Thái Nguyên từ lâu đời; nghệ thuật thưởng trà đã trở thành nét văn hóa rất riêng của người Thái Nguyên. Mới đây, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã ra mắt cuốn sách “Ai đem giăng sáng giãi trên đồi chè” là ấn phẩm quảng bá vùng đất, con người, văn hóa Thái Nguyên, góp phần truyền cảm hứng cho du khách đến với xứ Trà.

Hoàn thiện hơn tour du lịch vùng chè

Các mô hình du lịch cộng đồng gắn với vùng chè tại Thái Nguyên đã được hình thành, tuy nhiên nhiều nơi sản phẩm còn trùng lặp, đơn điệu và chưa tạo ấn tượng trong lòng du khách. Vừa qua Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Thái Nguyên đón các đoàn doanh nghiệp, truyền thông đến khảo sát sản phẩm để từng bước hoàn thiện các tour, tuyến du lịch vùng chè.

Sau chuyến khảo sát, ông Trần Bá Phúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Thái Bình cho rằng các vùng chè ở Thái Nguyên cần tạo thêm điểm nhấn, trải nghiệm cho khách du lịch: "Khi đi du lịch, du khách thường mong muốn tìm hiểu văn hóa bản địa, nét đặc trưng của vùng đất đó. Vì vậy các vùng chè ngoài giới thiệu trà ngon, còn cần thêm không gian thưởng trà, trà nương, câu chuyện, mùi hương… để tạo điểm nhấn. Du khách không chỉ uống trà mà phải được thưởng trà, trà ngon nhưng thiếu màu sắc riêng như trà cụ, trà nương hay không gian thưởng trà chưa đủ điểm chạm cảm xúc để du khách nhớ mãi về địa danh đó".

Ông Dương Hồng Tuấn - chuyên gia du lịch của HanoTours cho biết nếu tour du lịch chỉ có lên đồi chè chụp ảnh, rồi ngồi uống trà đơn thuần thì du khách sẽ nhàm chán: "Mỗi điểm đến trong vùng chè phải có câu chuyện và trải nghiệm riêng, tránh đi vào lối mòn khiến trùng lặp sản phẩm. Có thể tạo ra một tour trải nghiệm các vùng trà với sự khác biệt về hương vị và lịch sử nghề chè tại đó, sau đó đến cuối chương trình sẽ có các trò chơi, thử thách về nhận diện hương vị trà của từng vùng... Ngoài ra, lưu trú homestay thì du khách sẽ muốn giao lưu với gia chủ, đôi khi chính người chủ nhà sẽ khiến du khách nhớ mãi với những câu chuyện, lòng hiếu khách hoặc đơn giản là bộ trang phục truyền thống, thay vì chỉ đơn thuần mời khách uống trà". 

Các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành cũng đề nghị ngành du lịch Thái Nguyên sáng tạo thêm món ẩm thực hay sản phẩm quà tặng gắn với cây chè để tăng giá trị kinh tế, cũng tạo thêm ấn tượng cho du khách. Có thể là món ăn từ lá chè, cây cảnh (bonsai) từ cây chè hay các sản phẩm lưu niệm khác, ngoài các hộp chè hiện nay. Tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, bà Trần Nữ Ngọc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết tới đây tỉnh Thái Nguyên sẽ công bố 100 món ăn tiêu biểu về trà Thái Nguyên, dùng vật liệu từ cây chè Thái Nguyên, ví dụ tôm hùm sốt trà xanh May Plaza, tan biến hương trà (kết hợp đậu phụ Nhật), panna cotta trà xanh, cá kho trà xanh...

Bài liên quan
Bộ GTVT tìm nguồn vốn mở rộng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe
VOVLIVE - Bộ GTVT sẽ tìm kiếm, huy động nguồn vốn hợp pháp để sớm triển khai đầu tư nâng cấp đoạn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên từ 4 lên 6 làn xe.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: Bắc Ninh cần tiếp tục chăm lo công tác xây dựng Đảng
VOVLIVE - Theo Tổng Bí thư, thời gian tới Bắc Ninh tiếp tục tập trung chăm lo công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo, để chủ trương nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp