Trung Quốc và Mỹ dường như đang chạy đua để thiết lập múi giờ trên Mặt trăng. Bên chiến thắng sẽ viết nên trang sử mới trong lĩnh vực thám hiểm không gian, đồng thời thiết lập tiêu chuẩn mới cho các sứ mệnh lên Mặt trăng trong tương lai.
Mỹ và các đối tác không gian của mình đang cố gắng thiết lập một múi giờ đặc biệt cho Mặt trăng. Trong khi đó, các đối thủ Trung Quốc và Nga vẫn nằm ngoài sáng kiến do Washington dẫn đầu, khiến Bắc Kinh cũng phải cố gắng thiết lập hệ thống định vị và tính giờ Mặt trăng của riêng mình.
Hiệp định Artemis do Mỹ dẫn đầu
Dưới sự chỉ đạo của Nhà Trắng, NASA đang dẫn đầu việc tạo ra chuẩn giờ mới, được gọi là Giờ Phối hợp Mặt trăng (LTC), để hỗ trợ cho việc thám hiểm an toàn và bền vững khi ngày càng nhiều quốc gia và công ty tư nhân lên kế hoạch thực hiện các sứ mệnh Mặt trăng.
Hệ thống thời gian đề xuất này sẽ được các nước ký kết Hiệp định Artemis do Mỹ dẫn đầu áp dụng và dự định sẽ trở thành “tiêu chuẩn quốc tế”, theo bản ghi nhớ của Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng ban hành vào tháng 4.
Văn phòng này nêu rõ: “Nhận biết thời gian trong các môi trường hoạt động xa xôi là điều cốt lõi cho khám phá khoa học, phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế - những yếu tố tạo nên vai trò lãnh đạo của Mỹ trong không gian”.
Namrata Goswami, nhà nghiên cứu chính sách không gian tại Đại học Bang Arizona, cho biết chỉ thị của Nhà Trắng đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều hoạt động trên Mặt Trăng, bao gồm các sứ mệnh có phi hành đoàn và không có phi hành đoàn. Điều này đòi hỏi một múi giờ chung để cải thiện khả năng phối hợp giữa các quốc gia ký kết Artemis.
Hiện có 43 quốc gia ký kết Hiệp định Artemis, nhưng không bao gồm hai cường quốc không gian Trung Quốc và Nga. Thay vào đó, Bắc Kinh và Moskva đang dẫn đầu một nỗ lực song song gọi là Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế, với mục tiêu xây dựng một căn cứ thường trực tại cực nam của Mặt trăng vào năm 2035.
Trung Quốc có lối đi riêng
Trung Quốc có kế hoạch riêng để thiết lập hệ thống định vị và đo thời gian cho Mặt trăng. Goswami lưu ý rằng Trung Quốc đã công bố kế hoạch thiết lập múi giờ cũng như phát triển năng lực liên lạc và internet phối hợp trên Mặt trăng vào năm 2028.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đề xuất nhiều lộ trình khác nhau để phát triển một chòm sao vệ tinh tương tự BeiDou cho Mặt trăng, đóng vai trò quan trọng trong việc định vị, dẫn đường và đo thời gian trong không gian giữa Trái Đất và quỹ đạo Mặt trăng.
Vào tháng 6, Viện Kỹ thuật Hệ thống Tàu vũ trụ Bắc Kinh đã đề xuất phóng một mạng lưới 21 vệ tinh xung quanh Mặt trăng để cung cấp định vị thời gian thực và có độ chính xác cao nhằm hỗ trợ tham vọng khám phá Mặt trăng của Trung Quốc.
Theo bài báo đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc, các vệ tinh này có thiết kế bền vững và tiết kiệm chi phí, sẽ được triển khai theo ba giai đoạn và trên bốn loại quỹ đạo khác nhau.
Mặt trăng hiện không có hệ thống thời gian thống nhất, mỗi sứ mệnh sử dụng một thang thời gian riêng được liên kết với Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC) của Trái đất. Dù phương pháp này hoạt động hiệu quả với các sứ mệnh độc lập, nhưng có thể gặp vấn đề khi nhiều tàu vũ trụ cần hợp tác với nhau.
Đồng hồ trên Trái đất và Mặt trăng cũng chạy ở tốc độ khác nhau do trường hấp dẫn khác nhau. Theo NASA, đồng hồ nguyên tử trên bề mặt Mặt trăng dự kiến chạy nhanh hơn 56 micro giây (56 phần triệu giây) mỗi ngày so với đồng hồ trên Trái đất.
Mặc dù khác biệt có vẻ nhỏ, nhưng việc xác định thời gian chính xác là rất quan trọng để đồng bộ hóa các sứ mệnh không gian.
Ngoài ra, đồng hồ chạy ở tốc độ khác nhau trên bề mặt Mặt trăng so với quỹ đạo Mặt trăng, và việc thiết lập giờ Mặt trăng cũng phải tính đến tính thực tế đối với các phi hành gia. Tất cả những yếu tố này khiến việc trả lời câu hỏi "Hiện đang mấy giờ trên Mặt trăng?" là một thách thức nan giải.
Theo NASA, Giờ Phối hợp Mặt trăng LTC sẽ được xác định bởi một giá trị trung bình có trọng số của các đồng hồ nguyên tử đặt trên Mặt trăng, tương tự như cách các nhà khoa học tính toán Giờ Phối hợp Quốc tế UTC trên Trái Đất.
Cơ quan này cho biết thêm: "Nasa và các đối tác đang nghiên cứu mô hình toán học nào phù hợp nhất để thiết lập thời gian chuẩn trên Mặt trăng".
Goswami lưu ý rằng vẫn chưa rõ liệu các múi giờ trên Mặt trăng dành cho chương trình Artemis và các đối tác của Trạm Nghiên cứu Mặt trăng quốc tế có giống nhau hay không.
Việc thiết lập các tiêu chuẩn thời gian không chỉ là một bước quan trọng cho sự phối hợp thực tế mà còn là biểu tượng của quyền lực và ảnh hưởng chính trị.
Việc áp dụng Giờ chuẩn Greenwich làm chuẩn toàn cầu là một ví dụ điển hình. Quyết định năm 1884 về việc chọn kinh tuyến gốc đi qua Đài Thiên văn Hoàng gia tại Greenwich (London, Anh) không chỉ vì sự tiện lợi mà còn phản ánh sự thống trị của Anh trong lĩnh vực hàng hải, thương mại và khoa học vào thời điểm đó.