Tàu khu trục dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Preble của Mỹ, được trang bị vũ khí laser Helios tiên tiến, đang trên đường tới căn cứ hải quân Yokosuka của Nhật Bản ở phía nam Tokyo.
Hải quân Mỹ cho biết, USS Preble rời căn cứ hải quân ở San Diego hôm 22/9 và dự kiến thực hiện các cuộc thử nghiệm hệ thống Helios - loại tia laser năng lượng cao tích hợp bộ gây lóa quang học và giám sát - trong chuyến đi băng qua Thái Bình Dương.
"Sự hiện diện của USS Preble khẳng định cam kết hỗ trợ của Mỹ với việc bảo vệ Nhật Bản, tăng cường an ninh quốc gia và cải thiện khả năng bảo vệ các lợi ích chiến lược của Mỹ", hải quân Mỹ cho biết thêm. "USS Preble sẽ trực tiếp hỗ trợ Hướng dẫn Chiến lược Quốc phòng nhằm bố trí các đơn vị mạnh nhất đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Việc triển khai trùng với thời điểm công bố Kế hoạch điều hướng 2024, tầm nhìn của hải quân Mỹ về những thách thức tương lai, do Đô đốc Lisa Franchetti đứng đầu các hoạt động hải quân, ban hành.
Báo cáo dài 30 trang xác định Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất" đối với lợi ích của Mỹ và lần đầu tiên nêu rõ hải quân Mỹ phải sẵn sàng cho "khả năng xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc vào năm 2027".
“Trung Quốc mang tới mối đe dọa đa miền và đa trục phức tạp. Hải quân, Lực lượng Tên lửa, Lực lượng Hàng không Vũ trụ, Không quân và Lực lượng Không gian mạng của Trung Quốc đang hợp nhất thành một hệ sinh thái chiến đấu tích hợp, được thiết kế đặc biệt để đánh bại chúng ta với sự hỗ trợ từ một nền công nghiệp khổng lồ”, báo cáo nêu rõ.
Báo cáo cho biết thêm: "Nền tảng công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đang ở giai đoạn thời chiến, bao gồm năng lực đóng tàu lớn nhất thế giới".
USS Preble tàu duy nhất trong 73 tàu khu trục cùng loại của Mỹ được trang bị hệ thống laser Helios, loại vũ khí do Lockheed Martin phát triển và được thiết kế để đánh chặn các mối đe dọa trên không, chẳng hạn như máy bay không người lái (UAV), tên lửa và thậm chí cả tàu thuyền nhỏ.
Helios được đưa vào hoạt động năm 2002 và trang bị trên USS Preble vào năm 2021.
Helios có thể bắn tia laser năng lượng cao 60kW vào mục tiêu với tốc độ ánh sáng để làm nóng chảy hoặc quá nhiệt mục tiêu, khiến nó bị hỏng hoặc phát nổ.
Điểm mạnh của vũ khí laser là tốc độ tấn công và độ chính xác cao. Bên cạnh đó, loại vũ khí này hoạt động bằng điện, giúp chúng trở thành giải pháp thay thế rẻ hơn so với tên lửa hoặc đạn pháo truyền thống trong việc tiêu diệt mục tiêu, một yếu tố quan trọng khi chiến thuật tấn công bằng máy bay không người lái ngày càng phổ biến trong chiến tranh hiện đại.
Nhà sản xuất Lockheed Martin được cho là đang phát triển một phiên bản laser mạnh mẽ hơn với công suất 120kW, có khả năng tiêu diệt tên lửa hành trình chống hạm.
Phó giáo sư Ryo Hinata-Yamaguchi tại Viện Chiến lược Quốc tế, Đại học Quốc tế Tokyo, nhận định: "Rõ ràng Mỹ đang ưu tiên mạnh mẽ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đảm bảo rằng lực lượng của họ có những khí tài tốt nhất trong khu vực để ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Nói một cách đơn giản, Mỹ muốn hệ thống vũ khí tốt nhất của mình có mặt ngay tuyến đầu”.
Lý do thứ hai, Mỹ muốn nhấn mạnh cam kết của Washington đối với an ninh khu vực. Trước USS Preble, nhiều tàu chiến tiên tiến khác của Mỹ cũng được triển khai đến khu vực, mới nhất là tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Vermont cập cảng Busan (Hàn Quốc) ngày 24/9.
Dù USS Preble đã được trang bị Helios nhưng hệ thống này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm trên biển.
Hải quân Mỹ có 12 tàu chiến được triển khai tới Yokosuka ở Nhật Bản, căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ bên ngoài lãnh thổ Mỹ và là trụ sở của Hạm đội 7. Tàu sân bay lớp Nimitz USS George Washington dự kiến sẽ được triển khai tới Yokosuka vào giữa tháng 11.