Nếu như người miền Nam thường kiêng ăn thịt vịt vào những ngày đầu tháng, ngày Tết Đoan Ngọ vì quan niệm đây là món ăn kém may mắn thì người miền Trung lại suy nghĩ khác. Vào ngày 5/5 Âm lịch, vịt luộc hay vịt quay là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm của nhiều hộ gia đình ở những địa phương này.
Người miền Trung cho rằng, từ sau ngày 5/5, vịt bắt đầu vào mùa. Đây là thời gian thịt vịt chắc, ngọt và béo nhất, rất thích hợp để chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Ngoài ra, theo Đông y, thịt vịt có tính mát, ngọt, có tác dụng tăng thêm năng lực, bồi bổ cơ thể cho người lao lực, lao tâm nhiều. Vì vậy, ăn thịt vịt vào những ngày nóng bức như ngày Tết Đoan Ngọ có thể giúp cơ thể cân bằng nhiệt, bồi bổ sức khỏe,...
Thông thường, thịt vịt sẽ được đem đi luộc hoặc quay, mỗi kiểu chế biến lại ngon theo một cách riêng. Trong khi vịt luộc giữ lại trọn vẹn vị ngọt, mềm của thì vịt quay lại hấp dẫn cả về màu sắc bắt mắt lẫn hương vị đậm đà, đặc biệt là lớp da giòn ai ăn cũng mê.
Ngoài đĩa thịt vịt, nhiều gia đình còn kỳ công chuẩn bị thêm một phần gỏi chua ngọt để ăn kèm. Rau trộn gỏi thường là bắp cải, đu đủ bào sợi, thêm một ít rau răm và hành tây để làm dậy nên hương vị. Món này được chấm với nước mắm gừng sánh sệt, đủ vị chua - cay - mặn - ngọt rất kích thích vị giác.
Ngoài 2 cách chế biến trên, các gia đình cũng có thể tham khảo thêm món vịt nấu chao, vịt nướng, vịt om sấu,... để thay đổi theo từng mùa Tết Đoan Ngọ cho đỡ nhàm chán.