Giữa tháng 1/2023, chị Nguyễn Lan Chinh, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội muốn tìm mua một miếng đất ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội. Sau khi trao đổi với chủ nhà, chị Chinh muốn tìm hiểu mảnh đất có nằm trong quy hoạch làm đường vành đai 3.5 nhưng không thể tìm kiếm được thông tin về quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất của quận Hà Đông và phường Dương Nội trên cổng thông tin của quận.
Nếu không có thông tin, chị Chinh có thể “mất trắng” nếu mua phải mảnh đất nằm trong quy hoạch: “Khi mà thông tin không rõ ràng thì mua giá bấp bênh, không đúng chuẩn như giá thực tại , có thể mua giá khác nhau và có thể là lô đất đó, tính pháp lý không có gì căn cứ cả, dễ bị sai lệch. Rất là khó, ở trên trang điện tử không chính thống, mà của các quận, huyện, trực thuộc trung ương không có, rất khó nhận định”.
Tương tự, chị Hoàng Thu Hồng gặp không ít khó khăn khi tìm mua một mảnh đất trên địa bàn xã An Khánh, huyện Hoài Đức vì không thể tìm thấy Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 trên cổng thông tin của UBND huyện Hoài Đức vào thời điểm 7/2/2023.
“Nếu không có thông tin nhiều lúc phải nhờ ngân hàng chứ người dân không biết được. Sổ nhiều khi không biết sổ thật, sổ giả nên nhiều khi không biết thông tin phải đi check theo phương án của mình là ra ngân hàng check. Về hành chính nếu bạn nào quen với địa chính địa phương có thể tiếp cận được, chứ mình người dân khó có thể tiếp cận được”, chị Hồng nói.
Kết quả rà soát việc công khai thông tin đất đai trên cổng thông tin năm 2022 công bố mới đây, do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) thực hiện từ tháng 10/2022 đến tháng 02/2023 cho thấy, chỉ có trên 55% các huyện thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và chỉ có gần 5% công bố đúng hạn. Có 345/705 huyện, tương đương 49% thực hiện công bố công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, trong đó có 30,4% đơn vị công khai kịp thời, trong vòng 15 ngày từ ngày quyết định được phê duyệt.
Đối với công khai bảng giá đất cấp tỉnh, 41 trong 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã đăng tải công khai bảng giá đất trên cổng thông tin điện tử của địa phương, tăng 22,2% so với kết quả rà soát năm 2021.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất trên cổng thông tin điện tử của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện dù đã có cải thiện nhưng tương đối chậm.
Phân tích về nguyên nhân của tình trạng này, bà Hoàng Thị Vân Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, Tổng cục đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: “Nhận thức về việc công khai thông tin đất đai tại một số địa phương có nơi có lúc chưa tốt. Mặc dù có quy định rồi, nhưng chế tài xử lý chưa cao, quy trình xử lý dài và nếu có làm chưa tốt cũng chưa có ai xử lý, chậm xử lý. Các quy định hiện hành chưa đầy đủ về công khai thông tin”.
Theo GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam, sở hữu đất đai ở Việt Nam là sở hữu Nhà nước, sở hữu toàn dân . Nếu cung cấp thông tin về đất đai đầy đủ sẽ khỏa lấp khoảng trống giữa sở hữu đất đai tư nhân và sở hữu đất đai Nhà nước
“Ăn nhau ở việc người dân phải biết được thông tin về quy hoạch đất, giá đất như thế nào, sử dụng một cách hiệu quả, đừng để cho những người nắm bắt thông tin nó đầu cơ, tích trữ. Làm sao phải biết được và cơ quan cung cấp làm sao phải đến được người dân và người dân cũng ý thức được tầm quan trọng của vấn đề giá đất, thông tin quy hoạch đất, kế hoạch sử dụng đất. Cái đó rất cần thiết”, GS.TS Nguyễn Đăng Dung cho biết.
Thiếu minh bạch trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỷ lệ thuận với số vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai. Bởi vậy, theo các chuyên gia, để thúc đẩy công khai thông tin đất đai, từ kết quả nghiên cứu, các cơ quan nhà nước cần tiến hành rà soát các quy định hiện hành, hoàn thiện về mặt kỹ thuật và hướng dẫn công bố công khai thông tin; đồng bộ hóa các quy định của pháp luật và chính sách liên quan tới công khai thông tin đất đai giữa Luật Tiếp cận thông tin và Luật Đất đai.
Về phía các địa phương cũng cần chủ động thực hiện công bố thông tin về đất đai trên cả môi trường trực tuyến và trực tiếp để người dân dễ tiếp cận./.