Trưởng thành từ những phim ngắn đoạt giải thưởng quốc tế (Bạn cùng phòng, Hạt cam và con mèo vàng không tuổi), đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt cho rằng việc tham gia các liên hoan phim quốc tế mang đến nhiều cơ hội cũng như trải nghiệm cho các nhà làm phim độc lập: “Trước hết thì liên hoan phim là một cơ hội chúng ta được chia sẻ bộ phim của mình với nhiều khán giả. Đó là sự kiện mà những người yêu phim, những người làm phim cùng nhau tôn vinh những sản phẩm của những người làm phim, rất đa dạng, đến từ nhiều quốc tịch, từ nhiều vùng nhiều vùng miền khác nhau. Đôi khi chúng ta gặp những nhà làm phim có nhiều kinh nghiệm hơn mình, đôi khi chúng ta cũng được chia sẻ với những nhà làm phim thế hệ trẻ hơn. Đó là một trải nghiệm giúp chúng ta vừa kết nối vừa giao lưu với khán giả, những khán giả mộ điệu, họ rất trân trọng những tác phẩm ở liên hoan phim".
Nhiều nhà làm phim cũng cho rằng, liên hoan phim là nơi hội tụ những người làm trong ngành công nghiệp điện ảnh hay những người làm việc trong thị trường mua bán các sản phẩm, những bộ phim hoàn thiện. Họ đến để tìm kiếm bộ phim tốt, những bộ phim phù hợp với kênh phát hành của họ. Liên hoan phim có thể kết nối các nhà làm phim với những nhà phát hành phù hợp, giúp các nhà làm phim thu lợi và có cơ hội tái đầu tư.
Quyết định đưa đứa con tinh thần “Những đứa trẻ trong sương” quay ròng rã trong 4 năm đi dự Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam (IDFA) - liên hoan phim tài liệu có quy mô lớn nhất hiện nay, đạo diễn Hà Lệ Diễm đã xuất sắc chiến thắng giải "Đạo diễn xuất sắc nhất" hạng mục "Tranh giải quốc tế".
Từ đây, bộ phim của Hà Lệ Diễm đã được nhiều khán giả quốc tế biết đến và được chiếu tại nhiều quốc gia, những cơ hội vàng mà Lệ Diễm chưa từng nghĩ đến: “IDFA hỗ trợ em rất nhiều từ khi phim còn trong giai đoạn sản xuất và cả khâu hậu kỳ. Ở đây, ngay cả phim nhỏ, nhà làm phim nhỏ cũng được đối xử rất tốt và khi nhìn thấy lịch chiếu phim của em còn 6 buổi chiếu phim, thậm chí có 3 buổi chiếu trong những rạp to nhất ở IDFA và suất chiếu đến 1.500 đến 2.000 khán giả. Sau đó phim còn được chiếu một buổi cho các nhà tài trợ của IDFA, với hơn 300 người. Bây giờ thì sau 3 năm, phim đã chiếu ở hơn 200 liên hoan phim, rất nhiều giải thưởng và phát hành ở những đài công, rạp chiếu phim lớn ở Mỹ, Pháp rồi Đài Loan và Singapore...”.
Đánh giá cao các nhà làm phim Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim châu Á tại Rome, ông Antonio Termenini cho biết, trong 10 năm gần đây, nhiều bộ phim Việt Nam có chất lượng tốt, nội dung hấp dẫn. Đáng lưu ý, hiện nay các bộ phim đang có xu hướng được đồng sản xuất cùng các nước khác trong khu vực. Có thể kể đến như bộ phim "Mưa trên cánh bướm" của đạo diễn Dương Diệu Linh kết hợp với một nhà sản xuất người Singapore, đã đoạt được giải tại Liên hoan phim Venice". Qua đó, có thể thấy, Việt Nam đã thành công với mô hình đồng sản xuất phim này và điện ảnh Việt đang là một "điểm sáng" khi có rất nhiều bộ phim tuyệt vời được quốc tế đánh giá cao.
Ông Antonio Termenini cũng cho rằng, việc tổ chức các liên hoan phim quốc tế sẽ giúp các nhà làm phim Việt Nam phát triển hơn nữa: “Theo tôi, Việt Nam gần đây có thêm nhiều liên hoan phim quốc tế, đấy điều rất đáng khích lệ. Một điều rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh một số nước như Thái Lan, Indonesia thì các liên hoan phim gần đây đang có dấu hiệu đi xuống vì nhiều lý do. Thế nên sự ra đời của Liên hoan phim quốc tế Tp Hồ Chí Minh năm ngoái hay là Liên hoan phim Châu Á tại Đà Nẵng là một điều rất đáng khích lệ, là sân chơi quan trọng. Đối với tôi, chất lượng sẽ luôn quan trọng hơn số lượng".
Theo nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, tại Việt Nam, khoảng hơn chục năm trước đây, mới chỉ có những giải thưởng, liên hoan phim trong nước như: Giải thưởng Cánh diều Vàng, Bông sen Vàng… Đến năm 2010, Việt Nam mới tổ chức liên hoan phim quốc tế đầu tiên là Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, sau đó, đến năm 2023 là tổ chức Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng và đầu năm 2024 là tổ chức Liên hoan phim quốc tế thành phố Hồ Chí Minh.
Nếu so với thế giới, Việt Nam tổ chức và phát triển liên hoan phim quốc tế rất chậm. Nhưng rõ ràng, điện ảnh Việt Nam đang có những bước phát triển mới và cần tổ chức các liên hoan phim quốc tế nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển cho các nhà làm phim: “Việc tổ chức các liên hoan phim quốc tế rất quan trọng, bởi đây là nơi để những nhà làm phim độc lập, nhà làm phim nghệ thuật có cơ hội phát triển, qua đó nâng vị thế cho các nhà làm phim. Đồng thời, tại các liên hoan phim quốc tế còn có nhiều workshop, các chương trình tài trợ cho các nhà làm phim, đây chính là cơ hội để các nhà làm phim trẻ tìm nguồn kinh phí cho các dự án phim của mình".
Việc các nhà làm phim và các bộ phim tham dự các liên hoan phim là một cơ hội đưa hình ảnh Việt Nam đi ra thế giới. Hơn bất cứ bộ môn nghệ thuật nào, điện ảnh là cầu nối đưa văn hóa Việt ra thế giới một cách nhanh và hiệu quả nhất. Liên hoan phim là một cơ hội để các đạo diễn trẻ giới thiệu, tiếp xúc và học hỏi các nền điện ảnh tiên tiến.