“Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” hay "cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng" là những câu thành ngữ quen thuộc nói lên tầm quan trọng của ngày Nguyên tiêu - 15 tháng 1 Âm lịch.
Vào ngày này, ngoài việc đi lễ chùa, các gia đình còn chuẩn bị mâm lễ cúng rằm tháng Giêng để bày tỏ lòng thành kính, tri ân thần linh, tổ tiên phù hộ cho gia đình được bình an, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng nhìn chung không khác nhiều so với mâm cỗ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng 2024 đầy đủ gồm những gì?
Tùy vào phong tục từng nơi cũng như điều kiện kinh tế, thời gian của từng gia đình mà mâm lễ mỗi nhà mỗi khác, nhưng tất cả đều thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và tấm lòng thành kính, tri ân Phật, thánh, tổ tiên.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng có thể là cỗ chay hoặc mặn, hoặc cả hai - gồm cỗ mặn cúng gia tiên và cỗ chay để cúng thần linh.
Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng
Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng dâng lên gia tiên thường có 4 bát, 6 đĩa. Thông thường, 4 bát gồm canh măng, canh bóng, bát miến và mọc; 6 đĩa gồm thịt gà hoặc lợn luộc, giò/chả, nem, món xào, dưa hành, xôi hoặc bánh chưng.
Ngoài ra, mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng phải bao hàm đầy đủ các vị: Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh, tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi có thể đến trong năm mới.
Ngoài các món mặn, gia đình còn cần chuẩn bị các lễ vật: Hương, hoa, đèn nến, vàng mã, trầu cau, rượu.
Mâm cỗ chay cúng rằm tháng Giêng
Mâm cỗ chay cúng thần linh phải có 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành - màu đỏ (hành Hỏa), màu xanh (hành Mộc), màu vàng (hành Thổ), màu đen (hành thủy), màu trắng (hành kim) - và đủ 10 món, gồm các món ăn từ tứ phương - sông, núi, biển, đồng bằng.
Đặc biệt, trong mâm cỗ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.
Nhiều gia đình không muốn sát sinh trong ngày rằm tháng Giêng nên thường chọn mâm cỗ chay để dâng lên bàn thờ Phật và gia tiên, mong trong năm gia đình bình an, gặp nhiều may mắn. Tuy nhiên, gia chủ lưu ý, nên làm đồ thuần chay, không dùng đồ chay giả mặn để đảm bảo sự tôn nghiêm của lễ cúng và sự thành kính đối với thần linh, chư Phật, tổ tiên.
Có nên cúng trước rằm tháng Giêng?
Lễ cúng rằm tháng Giêng thường được các gia đình tiến hành vào giờ Ngọ (tức là từ 11h đến 13h) ngày chính ngày rằm - 15/1 Âm lịch. Phần lớn các gia đình vẫn thường cúng vào ngày này, tuy nhiên, một số gia đình bận rộn có thể sắp xếp cúng trước rằm, từ ngày 13, 14 Âm lịch, thậm chí có gia đình cúng từ ngày 11, 12 Âm lịch.
Năm nay, Tết Nguyên tiêu rơi vào ngày cuối tuần - thứ Bảy ngày 24/2/2024 Dương lịch, vì thế các gia đình hoàn toàn có đủ điều kiện về thời gian để chuẩn bị lễ cúng rằm tháng Giêng thật chu đáo và đúng ngày.
Năm Giáp Thìn 2024, gia chủ có thể cúng ngày rằm tháng Giêng vào các giờ đẹp sau:
Nếu cúng ngày 14/1 Âm lịch, gia chủ có thể chọn các giờ tốt:
- Giờ Thìn (7h – 9h)
- Giờ Ngọ (11h – 13h)
- Giờ Mùi (13h – 15h)
Nếu cúng vào đúng ngày rằm 15/1 Âm lịch, gia chủ có thể chọn các giờ tốt:
- Giờ Thìn (7h – 9h)
- Giờ Tỵ (9h – 11h)
- Giờ Thân (15h – 17h)
- Giờ Dậu (17h – 19h)