
Phát biểu tại sự kiện “An ninh mạng trong giai đoạn mới - Hợp lực bảo vệ không gian số” diễn ra ngày 11/4, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05 (Bộ Công an), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhận định, năm 2025 mở ra bối cảnh mới với những cơ hội và thách thức đan xen, đặc biệt khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

“Bộ máy thay đổi. Các đơn vị hành chính thay đổi. Cơ chế quản lý, vận hành đất nước cũng có rất nhiều thay đổi. Tất cả nhắm hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Đây là thời điểm có nhiều cơ hội lẫn thách thức đan xen. Nghị quyết 57 là kim chỉ nam cho hoạt động của toàn hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của hiệp hội”, Trung tướng Nguyễn Minh Chính nhấn mạnh.
Hợp nhất Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng
Theo Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Phó Cục trưởng A05, sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), đơn vị đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT để tiếp nhận các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng và các thủ tục hành chính, dịch vụ công. Mục tiêu là đảm bảo sự thông suốt, liên tục, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, Cục A05 đã tiến hành rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng và an toàn thông tin để đề xuất sửa đổi, hợp nhất, tạo hành lang thông thoáng, không gian phát triển cho các tổ chức, doanh nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
“Theo thống kê, dự kiến có 54 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an ninh mạng và an toàn thông tin cần điều chỉnh, bổ sung, hợp nhất, bao gồm: 10 luật, 16 nghị định của Chính phủ; 1 quyết định của Thủ tướng và 27 Thông tư của Bộ trưởng. Số lượng văn bản cần sửa rất nhiều, chúng tôi xác định sẽ tập trung trước vào những văn bản quan trọng”, ông Nguyễn Bá Sơn chia sẻ.
Theo Phó Cục trưởng A05, Bộ Công an đã đề xuất hợp nhất, hoàn thiện quy định pháp luật về an ninh mạng trên cơ sở hợp nhất Luật An ninh mạng 2018 và Luật An toàn thông tin mạng 2015 thành Luật An ninh mạng năm 2025.

Đề xuất hợp nhất 2 luật là nhằm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới của Bộ Công an về an ninh mạng. Luật An ninh mạng năm 2025 dự kiến sẽ áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2025.
Bên cạnh đó, hiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2025.
Đối với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định, Thông tư liên quan, ông Nguyễn Bá Sơn cho hay: A05 đã xác định xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng 2025 theo trình tự rút gọn sau khi ban hành Luật và hợp nhất.
Cùng với đó, sẽ hợp nhất các nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính thành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân theo trình tự rút gọn.
“Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ hoàn thiện hệ thống quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an ninh mạng theo hướng hợp nhất, công nhận các tiêu chuẩn đã có về an toàn thông tin mạng, đổi tên các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phù hợp với quy định về chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Thượng tá Nguyễn Bá Sơn cho biết thêm.
Nền tảng đào tạo an ninh mạng nCademy bắt đầu vận hành từ tháng 5
Tại sự kiện, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng thông tin về nền tảng đào tạo và cấp chứng nhận an ninh mạng nCademy, được xây dựng với mục tiêu tạo một cộng đồng học tập, nâng cao nhận thức và nghiên cứu chuyên sâu về an ninh mạng.

“Chúng tôi kỳ vọng nền tảng nCademy sẽ góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự an ninh mạng của đất nước. Hệ thống chứng nhận của nền tảng sẽ góp phần chuẩn hóa năng lực, hướng tới được sử dụng rộng rãi, tương đương với các chứng chỉ quốc tế phổ biến hiện nay tại Việt Nam”, ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ.
Dự kiến, nền tảng nCademy sẽ chạy thử nghiệm quy mô nhỏ trong vòng 3 tuần tại địa chỉ nCademy.vn, trước khi hoạt động chính thức từ ngày 6/5 tới.
Sau khi đi vào vận hành chính thức, nền tảng nCademy sẽ cung cấp các khóa học trực tuyến, từ cơ bản đến nâng cao, hỗ trợ đa nền tảng, gồm ứng dụng web và ứng dụng trên di động. Học liệu được xây dựng đa dạng, tài liệu hướng dẫn nghiên cứu, thực hành với các nội dung minh hoạ trực quan sinh động (hình ảnh, video).
Đặc biệt, nCademy tập trung vào đào tạo thực hành thông qua các phòng thí nghiệm an ninh mạng ảo, có thể mô phỏng nhiều hệ thống thực tế từ hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống điều khiển công nghiệp đến các hệ thống với các thiết bị IoT như camera, nhà thông minh.
Nền tảng cũng được ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp cá nhân hóa lộ trình học tập, đề xuất khóa học phù hợp, hỗ trợ đánh giá kết quả học và xác nhận trình độ kỹ năng an ninh mạng. Các chứng nhận an ninh mạng sẽ được cung cấp dưới dạng bản in hoặc bản điện tử có ký số.
Ưu điểm của nCademy là được đầu tư, triển khai, vận hành tập trung, khắc phục sự không đồng đều về hạ tầng công nghệ và nguồn lực của các cơ quan, tổ chức. Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ đào tạo chất lượng cao cho người học, ai cũng có thể tham gia mà không bị giới hạn bởi địa lý.
Không chỉ hướng tới các nhân sự chuyên trách về an ninh mạng, nền tảng cung cấp cả các khoá học phổ cập, nâng cao, cập nhật nhận thức, kỹ năng an ninh mạng cho người dùng phổ thông.
Chất lượng các khoá học được kiểm định, giám sát bởi hội đồng chuyên môn đến từ Viện nghiên cứu An ninh mạng (CRI) thuộc Hiệp hội An ninh mạng quốc gia và Viện công nghệ thông tin, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
“Dự án nCademy không sử dụng ngân sách nhà nước, kinh phí phát triển được huy động từ nguồn vận động tài trợ xã hội. Các khóa học mang tính tuyên truyền, phổ cập kiến thức sẽ được cung cấp miễn phí. Còn những khóa học đòi hỏi môi trường thực hành và có giảng viên hướng dẫn sẽ thu phí người học để duy trì hạ tầng và phát triển nội dung”, ông Vũ Ngọc Sơn thông tin thêm.