Ký ức của các cựu binh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Ngọc Xuân - Anh Nhi/ VOV-TP.HCM | 19/04/2025, 08:50

Vào những ngày này của 50 năm về trước, với khí thế bão táp cách mạng, quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975. Nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những chiến sĩ cách mạng đã tham gia những trận đánh lịch sử này với niềm tự hào.

Chiến đấu không sợ hy sinh

Đã 50 năm trôi qua nhưng hình ảnh về trận đánh cuối cùng tại cầu Tân Cảng (nay là cầu Sài Gòn) vẫn còn in đậm trong tâm trí của cựu binh năm xưa – ông Đinh Giảng Hiếu, hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến thành phố Thủ Đức, TP.HCM – một trong những người trực tiếp tham gia trận đánh.

Lúc ấy, đơn vị của ông là Tiểu đoàn 4, đứng chân tại Thủ Đức được giao nhiệm vụ chiều ngày 27/4 tiến công cầu Tân Cảng.

Với mục tiêu đó, cấp trên yêu cầu, sau khi nổ súng khoảng 3 giờ sáng, làm sao giữ được cầu tới 8 giờ sáng ngày 28/4. Nhưng thực tế đến ngày 30/4, bộ đội chủ lực mới tiến vào được khu vực Thủ Đức.

Chiến đấu trong vòng vây của địch, tới 8 giờ sáng ngày 28/4, địch bắt đầu phản công dữ dội bằng hải, lục, không quân, tàu chiến từ Tân Cảng bắn vào trận địa, pháo binh ở Thành Tuy Hạ - Cát Lái bắn vào và từng đoàn trực thăng bắn đạn chùm (hỏa tiễn) xuống trận địa.

Ông Hiếu nhớ lại: tới 8 giờ sáng ngày 28/4, bộ đội ta chưa vào tới nơi, anh em vẫn quyết tâm giữ cầu, đánh bật nhiều đợt xung phong của địa phương quân của tiểu khu Gia Định.

Đến 2 giờ chiều 28/4, chúng dùng Tiểu đoàn 12, Lữ đoàn 3 tiến công từ hướng đường Trần Não, Cầu Đen đánh thọc sườn, chia cắt đội hình Tiểu đoàn 4. Đến xế chiều, đạn dược còn rất ít, anh em phải “dè xẻn” từng viên đạn, nhiều chiến sĩ bị thương vong.

"Đêm đó, được lệnh rút toàn bộ Tiểu đoàn để bảo toàn lực lượng nhưng chúng tôi đã trong vòng vây của địch rồi, bây giờ muốn rút cũng không được. Do đó Trung đội chúng tôi được lệnh là đánh chặn địch, để cho đại bộ phận Tiểu đoàn rút ra được an toàn. Lúc đó khoảng 19h tối, Trung đội của chúng tôi phải tạt vào chùa Kỳ Quang, và quyết tâm tử thủ. Chi bộ đã ra nghị quyết tất cả đều chiến đấu đến hơi thở cuối cùng" - ông Hiếu cho biết.

 Những ngày cuối cùng của chiến dịch, mặc dù địch bị phá vỡ từng mảng lớn, nhưng chúng vẫn cố co cụm và hô hào “tử thủ” để ngăn chặn làm giảm bước tiến công của quân ta. Ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn, căn cứ Đồng Dù được quân đội Việt Nam Cộng hòa ví như “cánh cửa thép” mà ta phải đập tan để thọc sâu vào nội đô Sài Gòn.

Trước sức mạnh tiến công thần tốc của quân giải phóng, đêm 28/4, Bộ Tư lệnh Chiến dịch ra lệnh cho các cánh quân đồng loạt tiến công vào sáng 29/4. Thực hiện mệnh lệnh tổng tiến công, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng tiến công phía Tây Bắc Sài Gòn. Mục tiêu then chốt lúc đó là đập tan tuyến phòng thủ của địch ở căn cứ Đồng Dù (Củ Chi).

Ông Trần Minh Chính, cựu chiến binh TP.HCM nhớ lại: thời kỳ đó ông là sinh viên đại học, học hết năm nhất của Đại học Bách khoa, ông nhập ngũ ngày 26/8/1970 và từ đó theo Sư đoàn 320, chinh chiến Quảng Trị rồi vào Tây Nguyên và từ Tây Nguyên đánh Buôn Mê Thuột, xong rồi xuống giải phóng Sài Gòn.

Ngày 19/4/1975, ông được kết nạp Đảng ở ngay rừng Củ Chi rồi vào chiến đấu trận cuối cùng là trận Đồng Dù - Củ Chi. Sư đoàn của ông đã giải phóng Đồng Dù - Củ Chi ngày 29/4. Sau đó một số mũi vào Sài Gòn, còn lại thì ở căn cứ.

Chỉ trong 5 giờ chiến đấu, quân ta đã đập tan toàn bộ Sư đoàn 25 của quân đội Việt Nam Cộng hòa ở căn cứ Đồng Dù. “Cánh cửa thép” án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn đã bị phá toang vào ngày 29/4, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng tiến thẳng về nội đô, kết hợp các cánh quân đánh chiếm các mục tiêu chiến lược. Đến 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của chính quyền Việt Nam Cộng hòa buộc phải đầu hàng, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Trân trọng giá trị hòa bình

Chiến sự trong thời kỳ ác liệt đó, không thể quên những chiến công của đại đội nữ pháo binh vang danh. Mỗi trận đánh của đội nữ pháo binh là một dấu ấn không thể phai mờ. Kẻ địch với đầy đủ vũ khí hiện đại cũng phải khiếp sợ đội quân Việt Cộng “toàn là con gái”.

Bà Lê Thị Tái, ngụ TP. Thủ Đức, từng tham gia chiến đấu ở Đại đội nữ pháo binh (C83) cho biết đơn vị toàn nữ, nhưng đánh trận không thua kém gì nam giới, các chị em ai cũng nêu cao tinh thần quyết tâm đánh giặc.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của bà ở tỉnh Cà Mau. Tuy là nữ nhưng các chị em vẫn mặc quần đùi vác pháo, cối pháo để tham gia đánh trận.

"Lúc 11h30 ngày 30/4, các cô có mặt tại thị xã Cà Mau, nhân dân ra rất đông để coi Việt Cộng là nữ, mặc đồ đen. Đi chiến đấu trước quân thù mình không sợ chết. Chúng tôi đã đổ xương máu để giành lại độc lập, tự do cho đất nước, nên rất mong là thế hệ trẻ sau này cố gắng gìn giữ và đem hết trí tuệ để xây dựng đất nước mình ngày càng to đẹp hơn" - bà Tái bày tỏ.

Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng bà Cao Vũ Liên, sinh năm 1944, từng công tác ở Bộ Tư lệnh miền, cũng rất tự hào được góp sức trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bà Liên cho hay lúc đó cảm xúc của bà và đồng đội rất phấn khởi, theo dõi tin tức thường xuyên từng giờ, từng phút các trận chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta.

"Đánh giặc cực khổ gian lao, khi mà nói sắp hòa bình rồi là mừng lắm chứ ngày xưa đi chiến đấu không biết lúc nào được về. Sau khi các trận đánh giải phóng các tỉnh, các nơi dồn dập tin báo chiến thắng rất là vui, mọi gian khổ đều tan biến. Hòa bình lập lại, tất cả đều phấn khởi. Từ sau giải phóng đến nay, bà con mình sinh sống ổn định, không còn chiến tranh, không còn bị giặc cướp bóc nữa" - bà Liên chia sẻ.

50 năm trôi qua, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong năm xưa dù tuổi cao sức yếu song vẫn vẹn nguyên lòng nhiệt huyết, tiếp tục đóng góp cho quê hương, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động ở địa phương, chăm lo cho gia đình chính sách, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ…

“Khi đón đoàn xe tăng vào thành phố, chúng tôi biết mình đã sống, được trở về với gia đình. Nhưng chúng tôi cũng ngậm ngùi, nhớ những đồng đội của mình đã vĩnh viễn ra đi” – ông Đinh Giảng Hiếu, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến thành phố Thủ Đức, TP.HCM nghẹn ngào rơi nước mắt khi nhắc đến đồng chí, đồng đội đã ngã xuống.

Đối với những cựu binh như ông Hiếu, giờ đây điều mong mỏi lớn nhất đó là thế hệ thanh niên phải trân trọng, giữ gìn, chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"50 năm qua, kể từ ngày đầu tiên lực lượng của chúng ta tiến vào sào huyệt của chính quyền Sài Gòn, kết thúc 30 năm chiến tranh, biết bao đồng bào đã đổ xương máu. Chúng tôi rất biết ơn những bà mẹ đã đưa tiễn con mình và không bao giờ gặp lại... Niềm tự hào của nhân dân TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung là tạo ra được một thắng lợi vĩ đại mà bây giờ cả thế giới đều phải nhìn nhận, cũng như là kết quả xây dựng và phát triển kinh tế ngày nay" - ông Hiếu nói.

50 năm hòa bình, các cựu binh năm xưa đều tự hào, mừng vui khi được chứng kiến những đổi thay mọi mặt về kinh tế- xã hội của đất nước nói chung, của Sài Gòn – TP.HCM nói riêng. Được đóng góp một phần công sức cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước, là điều vinh dự, tự hào nhất của họ trong cuộc đời. 

Bài liên quan
Cuộc chiến trường kỳ và khát vọng thống nhất: Đôi bờ giới tuyến
Sau 9 năm gian khổ kháng chiến chống thực dân Pháp, dân tộc Việt Nam mong muốn được sống trong hòa bình, thống nhất, thế nhưng Mỹ lại muốn biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Với ý chí và khát vọng thống nhất đất nước, nhân dân 2 miền Nam - Bắc đã vùng lên, chống lại ách thống trị hà khắc của Mỹ - ngụy.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hùng tráng cảnh hàng ngàn chiến sĩ tổng hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Hàng ngàn chiến sĩ đã có mặt ở Trung tâm TP.HCM để tham gia buổi tổng hợp luyện các khối diễu binh 30/4.
  • Ký ức của các cựu binh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
    Vào những ngày này của 50 năm về trước, với khí thế bão táp cách mạng, quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975. Nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những chiến sĩ cách mạng đã tham gia những trận đánh lịch sử này với niềm tự hào.
  • Cuộc chiến trường kỳ và khát vọng thống nhất: Đôi bờ giới tuyến
    Sau 9 năm gian khổ kháng chiến chống thực dân Pháp, dân tộc Việt Nam mong muốn được sống trong hòa bình, thống nhất, thế nhưng Mỹ lại muốn biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Với ý chí và khát vọng thống nhất đất nước, nhân dân 2 miền Nam - Bắc đã vùng lên, chống lại ách thống trị hà khắc của Mỹ - ngụy.
  • Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Giám đốc điều hành Warburg Pincus
    VOVLIVE - Ngày 18/4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp ông Jeffrey Perlman, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Warburg Pincus, kiêm đồng Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp