Kiểm định khí thải xe máy: Cần lộ trình xã hội hóa và tránh phiền gây phiền hà

Nhất Hoàng, Huy Hoàng, Diễm Thú/VOV Giao thông | 04/01/2025, 10:07

VOVLIVE - Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành thông tư 47, quy định trình tự, thủ tục kiểm định khí thải với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất trên 5 năm có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Chủ trương này là cần thiết nhất là trong bối cảnh xe mô tô, xe gắn máy cá nhân sử dụng nhiên liệu hoá thạch tăng cao gây áp lực lên hạ tầng giao thông lẫn ô nhiễm môi trường. 

Cụ thể, thông tư 47/2024 của Bộ GTVT có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định, xe mô tô, xe máy dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải. Đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất trên 5 năm đến 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 24 tháng, hương tiện trên 12 năm, chu kỳ kiểm định định kỳ là 12 tháng.

Trường hợp xe mô tô, xe gắn máy trong cơ sở dữ liệu không có thông tin về ngày xuất xưởng thì tính từ ngày 31/12 của năm sản xuất xe.

Giấy chứng nhận kiểm định khí thải sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp. Cơ sở đăng kiểm sẽ đối chiếu thông tin xe trên phần mềm quản lý với chứng nhận đăng ký, nếu xe không trùng khớp sẽ bị từ chối, nếu đạt tiêu chuẩn, xe sẽ được kiểm định và cấp chứng nhận điện tử được tích hợp dữ liệu với tài khoản định danh điện tử của chủ xe. Dù chủ trương này được người dân ủng hộ nhưng cũng có băn khoăn: “Kiểm tra khí thải định kỳ đó là điều cần thiết. Tuy nhiên, dân lao động còn rất là nhiều, cái phương tiện họ sử dụng hầu hết là bằng xe máy. Do đó chúng ta cần có lộ trình và làm từ từ".

Theo, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy, việc kiểm định khí thải đối với xe máy là rất cần thiết, vì hiện nay lượng khí thải độc do các phương tiện giao thông chiếm 1 tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, theo tiến sỹ Thủy, việc triển khai vấn đề này cũng sẽ là 1 thách thức không hề nhỏ vì xe máy là phương tiện rất phổ biến tại Việt Nam, trong đó hơn 1 nửa số xe có niên hạn trên 10 năm, điều này đặt ra thách thức lớn khi triển khai kiểm định khí thải: “Riêng Hà Nội và TP.HCM là gần 20 triệu xe, cho nên mật độ xe máy rất đông và hạ tầng của mình cũng rất phù hợp với xe máy. Cho nên việc kiểm định xe máy cũng rất khó khăn, nhất là khâu tổ chức, rồi mạng lưới như thế nào? Rồi làm như thế nào cho kịp thời, không nhiêu khê, không gây khó khăn cho người dân, không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Và cái chi phí ở mức độ như thế nào, thì theo tôi cũng cần tính toán kỹ".

Đồng quan điểm, TS Phan Lê Bình (Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản) cho rằng, việc kiểm định khí thải xe máy là chủ trương đúng và rất cấp thiết để thực hiện. Để thực hiện, nên tính dịch vụ kiểm định khí thải mô tô, xe máy là hoạt động phi lợi nhuận vì lợi ích chung cho xã hội, không phải kinh doanh. Chi phí kiểm định nên tính đủ chi phí trang thiết bị, nhân công, giá thuê nhà xưởng, điện nước để có mức phí hòa vốn cho cơ sở kiểm định.

Dịch vụ kiểm định khí thải mô tô, xe máy được các cơ sở kinh doanh bảo dưỡng, sửa chữa xe máy thực hiện kết hợp sẽ tương hỗ nhau. Hoạt động này nên được xã hội hóa. Ngoài ra, tiến sỹ Bình cũng đề xuất việc kiểm định khí thải xe máy cũng cần có lộ trình phù hợp để không gây áp lực quá lớn cho người dân.

“Lộ trình cụ thể tôi nghĩ là cần xem xét, cân nhắc một cách khéo léo và phù hợp, ví dụ là có thể tách lộ trình ra. Có thể tách một cách đơn giản và cơ học như sau, ví dụ những xe màu đỏ thì trong năm 2025 và thời hạn quá 5 năm thì phải thực hiện kiểm định.

Đến năm 2026 là những xe màu xanh lá cây, đến năm 2027 là những xe màu xanh dương chẳng hạn. Nếu mà chúng ta làm lộ trình như vậy thì nó sẽ giãn cái tiến độ số lượng xe mà phải thực hiện trong một thời gian nhất định đến kiểm định khí thải. Nhờ đó thì nó sẽ bớt tạo áp lực cho cuộc sống của người dân hơn”, TS Phan Lê Bình cho biết.

Một vấn đề đặt ra nữa là hạ tầng kiểm định. Số lượng trạm kiểm định khí thải có đáp ứng được không? Các trạm kiểm định phải làm việc đầy đủ thiết bị và đặc biệt nữa là phải làm thế nào để cho công tác đăng kiểm không có các hiện tượng tiêu cực. Vấn đề thứ hai là phải chi phí kiểm định thì cũng giá cả hợp lý và phải có cái cơ chế hỗ trợ tài chính đối với những người dân thu nhập thấp.

Theo chuyên gia giao thông – Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, về lâu dài, cần có một bước tiến trong việc quản lý xe máy, đó là quản lý xe cũ. Kiểm định khí thải xe máy chúng ta có thể là bắt đầu đi vào quản lý xe cũ, xây dựng một chính sách để thu hồi, tái chế xe cũ, giảm thiểu số lượng xe không đạt tiêu chuẩn và có những sách ưu đãi để người dân đổi xe cũ lấy xe mới.

“Bây giờ chúng ta đang chuyển đổi số vì vậy, đây là dịp để chúng ta áp dụng công nghệ mới. Trước hết để xây dựng cơ sở dữ liệu xe máy. Chúng ta có thể áp dụng các công nghệ hiện đại để giám sát chất lượng không khí và cơ sở dữ liệu. Tóm lại, việc kiểm soát khí thải mô tô, xe máy là một trong những điều khó khăn, nó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, của người dân. Tuy nhiên, nếu với những giải pháp phù hợp, chúng ta hoàn toàn đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường và đạt được điều Chính phủ cam kết tại COP 26 là Netzero”.

Tại TP.HCM, Sở GTVT thành phố đã bắt đầu thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về việc thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, gắn máy đến người dân. Đồng thời, làm việc với 19 cơ sở đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn để đề nghị rà soát, đầu tư bổ sung trang thiết bị kiểm định khí thải lẫn nhân sự thực hiện công việc này. TPHCM cũng làm việc với Hiệp hội các nhà sản xuất xe gắn máy Việt Nam, các hãng sản xuất lớn đề nghị đưa hệ thống bảo dưỡng, sửa chữa xe máy của các đại lý phân phối xe vào thực hiện kiểm định.

Ông Trần Võ Anh Minh (Phó trưởng Phòng Quản lý Kỹ thuật phương tiện giao thông và ứng dụng khoa học công nghệ Sở GTVT TP. HCM) thông tin: “Sở GTVT phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam để tổ chức các lớp nghiệp vụ đăng kiểm và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên hạng 3 cho các nhân viên cơ sở này để đáp ứng yêu cầu trở thành một cơ sở kiểm định khí thải theo đúng quy định pháp luật. Thứ 3, sau khi thiết lập được mạng lưới các cơ sở kiểm định khí thải, Sở GTVT sẽ thực hiện công khai danh sách các cơ sở kiểm định, các cơ sở đăng kiểm được cấp phép để người dân tra cứu và lựa chọn địa điểm thực hiện”.

Với 1 quốc gia mà xe gắn máy là phương tiện đi lại điển hình, là cần câu cơm của hàng chục triệu người dân như Việt Nam thì việc kiểm định khí thải đối với xe gắn máy đáng ra phải làm từ nhiều năm trước. Thế nhưng đến khi Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 được thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025 thì chủ trương này mới được hiện thực hoá cụ thể.

Phải mất nhiều năm đánh giá, nghiên cứu, cùng vô số hội thảo, hội nghị để tiếp thu ý kiến, và hằng hà sa số các cuộc thảo luận, tranh cãi ở những quán trà đá vỉa hè về việc có nên kiểm định khí thải xe máy hay không và nên giao cho ai làm việc này? Dù những ý kiến đó đến từ các chuyên gia đầu ngành, các đơn vị quản lý chuyên môn hay từ những người lao động bình thường nhất thì cũng không thể phủ nhận rằng đây là việc cần làm, nên làm và phải làm.

Nếu liệt kê ra các thành phần có trong khí thải của xe gắn máy cũng như những hậu quả khủng khiếp của các hợp chất này gây ra cho con người, tôi tin không ít người sẽ phải giật mình. Đó là carbon monocide (CO), sulfure diocide (SO2), oxit nitric (Nox), hỗn hợp các chất hữu cơ độc hại (VOC) hay bụi lơ lửng (TSP)…đây đều là những tác nhân trực tiếp gây tổn hại sức khoẻ con người nhẹ thì nhức đầu, xây xẩm, run rẩy, nặng hơn là khó thở, đổ mồ hôi, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, ung thư, bất tỉnh hoặc… không bao giờ tỉnh.

Thống kê mới nhất của trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức cùng tổ chức Dekra cho thấy tại TPHCM mỗi năm có từ 2000-3000 người giảm tuổi thọ hoặc tử vong vì bụi mịn từ khí thải hoạt động giao thông, trong đó phần nhiều là từ xe gắn máy. Con số này cao gấp nhiều lần so với số lượng người tử vong vì tai nạn giao thông và đủ sức khiến chúng ta phải hành động nếu không muốn mọi thứ trở nên quá muộn.

Giảm phát thải giao thông là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong chiến lược Net to Zero mà Chính phủ ta đã cam kết với cộng đồng thế giới. Dĩ nhiên đây là 1 kế hoạch tổng thể bao gồm nhiều giải pháp khác nhau, song tôi tin rằng việc khẩn trương tổ chức kiểm định khí thải đối với xe gắn máy ngay từ bây giờ sẽ là một bước đi mang tính quyết định trong cả ngắn và dài hạn. Quyết tâm chính trị đã rõ, cơ sở pháp lý đã có, thời cơ cũng đã chín muồi, nếu không phải bây giờ thì bao giờ?

Bài liên quan
Từ 1/1/2025, giấy phép lái xe quá hạn 1 ngày sẽ phải thi lại
VOVLIVE - Bộ Giao thông vận tải mới ban hành thông tư quy định về giấy phép lái xe. Từ ngày 1/1/2025, chỉ cần quá hạn 1 ngày, tài xế cũng phải thi lại lý thuyết.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ
Thủ tướng chỉ đạo, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, song không để chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp