Mùa thu Tháng Tám năm 1945 và khí thế cách mạng sôi sục của toàn dân tộc ta lúc bấy giờ đã đem đến cho giới trí thức, đặc biệt là các nhà thơ, nhà văn một luồng không khí sáng tạo mới. Nhiều tác phẩm văn học- nghệ thuật được các nghệ sĩ sáng tác trong thời điểm đó sống mãi với thời gian và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong lòng người.
Ngày 7/9/1945, lần đầu tiên thính giả cả nước được nghe nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên. Đó là nhạc của bài hát"Diệt Phát-xít",được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi sáng tác đúng vào những ngày mùa thu lịch sử cách đây 75 năm.
Tháng Tám năm 1945, không khí cách mạng của nhân dân cùng lên giành chính quyền tại Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong cả nước vô cùng khẩn trương. Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã quyết định: Phát động Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Ngay trong đêm hôm đó, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Chỉ trong 15 ngày, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc tới Nam đã vùng lên tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi. Không khí đặc biệt của những ngày mùa thu lịch sử đó đã thôi thúc các văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm mang hơi thở nóng hổi của thời đại.
Nói về hoàn cảnh sáng tác bài hát "Diệt phát xít", nhà văn Nguyễn Đình Thi chia sẻ: "Lúc bấy giờ tôi họp Hội nghị văn hóa cứu quốc, để viết báo cáo cho Đại hội Tân Trào. Đêm hôm ấy đi về đi xe đạp, đi từ Dục Tú về qua cầu sông Cái, gió lộng. Tự nhiên nghĩ đến đất nước, tự nhiên trong đầu văng vẳng câu "Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam"... Thế là câu đầu xuất hiện trong bài "Diệt Phát-xít" là mấy câu ấy. Tôi viết rất nhanh bài "Diệt Phát-xít". Viết xong thì tôi chép tay cho một người bạn, chứ không in ở đâu cả. Thế rồi bài hát cứ truyền miệng từ người nọ sang người kia, dần dần lan ra. Nó là bài hát khởi nghĩa của HN".
Tại Thủ đô Hà Nội, từ sáng sớm ngày 19 tháng 8 năm 1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Khoảng 10 giờ rưỡi, diễn ra cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng. Đại diện Việt Minh tuyên bố: Tổng khởi nghĩa! Và theo lời kể của nhạc sĩ Xuân Oanh, bài hát“Mười chín Tháng Tám” được sáng tác ngay trong lúc ông cùng nhân dân đi biểu tình, nên trong âm hưởng bài hát có bước đi của quần chúng và có tiếng reo vui của quần chúng.
Nhạc sĩ Xuân Oanh kể: "Trước đó đã có ý thức về không khí của ngày khởi nghĩa sẽ đến, nên trong lòng có ý nảy ra ý viết một bài hát về cách mạng, nhưng cụ thể nó là cái gì thì chưa có được. Mãi đến hôm trước 19/8, nghe lệnh Mặt trận Việt Minh là biểu tình để khởi nghĩa giành chính quyền. Tôi là cán bộ của mặt trận Việt Minh cùng với quần chúng đi biểu tình. Thì không khí ấy nảy ra, tạo ra ý nghĩ về một giai điệu, không khí ngày 19/8.
Thế cho nên tôi có thể nói bài hát ra đời trong lúc đi biểu tình, vừa đi, vừa viết, viết được câu nào thì hát câu đó. Hát được câu nào thì quần chúng hát theo, xong lại viết câu sau, cứ thế, cứ thế, tiếp tục, viết cho đến lúc quần chúng kéo đến Nhà hát Lớn thì bài hát cũng hoàn thành. Cho nên có thể nói bài hát ra đời trong không khí biểu tình, từ không khí biểu tình mà nó đẻ ra bài hát đó, đúng ngày 19/8.
Vì thế cho nên có thể cảm thấy trong giai điệu và trong hành khúc đó của quần chúng nó có bước đi của quần chúng và có tiếng reo của quần chúng. Quần chúng được giải phóng, quần chúng đứng lên giành chính quyền. Lời bài hát rất đơn giản “Toàn dân VN đứng đều lên góp sức một ngày”. Giai điệu nó đơn giản thế. Sang giai đoạn “Mười chín tháng Tám” thì nó mô tả vừa là ngày lịch sử, vừa là bước chân của quần chúng".
Các bài hát“Diệt Phát-xít”và“Mười chín Tháng Tám”đã, đang và sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta, in sâu vào tâm khảm mỗi người dân đất Việt và còn mãi vang vọng theo mỗi bước đi lên của đất nước./.