Tác dụng của khoai sọ đối với sức khỏe
Bài viết của BS Hoàng Xuân Đại trên Báo Sức khỏe & Đời sống chỉ ra những tác dụng của khoai sọ.
Tốt cho tim mạch: Bên trong khoai sọ chứa một số khoáng chất quan trọng như kẽm, magiê, đồng, sắt, mangan và kali. Kali là thành phần quan trọng của tế bào và chất dịch cơ thể giúp điều chỉnh nhịp tim.
Ổn định huyết áp: Với những người có huyết áp cao, kali chứa trong khoai sọ có thể giúp ổn định và giảm huyết áp.
Giúp nhuận tràng, chống táo bón: Do rất giàu chất xơ và các hạt tinh bột nên khoai sọ có tác dụng tích cực đối với hệ tiêu hóa. Những người bị táo bón thường xuyên có thể dẫn đến bệnh trĩ, do đó để giúp điều trị táo bón, nhuận tràng hơn, chúng ta có thể sử dụng khoai sọ hàng ngày.
Khoai sọ là một trong những nguồn cung cấp chất xơ tốt nhất trong chế độ ăn uống , khoảng 100g củ khoai sọ cung cấp cho 4,1g hoặc 11% nhu cầu chất xơ hàng ngày. Cùng với chất xơ, carbohydrate phức sẽ làm chậm tiêu hóa và chất xơ trong chúng cũng giúp tăng dần lượng đường trong máu.
Tăng cường hệ miễn dịch: Củ khoai sọ chứa rất nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa khác có lợi cho việc giữ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bằng cách loại bỏ các gốc tự do, cơ thể sẽ tỉnh táo và chống lại nhiều loại bệnh nguy hiểm.
Khoai sọ tác dụng trị táo bón, nhuận tràng, chống suy nhược cơ thể, chống tiêu khát và hỗ trợ viêm thận.
Hỗ trợ trị viêm thận: Không chỉ giàu chất xơ, trong khoai sọ còn chứa cả vitamin và phốt pho tạo điều kiện tốt chữa những người bị viêm thận nên có thể dùng khoai sọ trong thực đơn hàng ngày như nấu với rau muống, canh thịt… nhưng nêm gia vị nhạt hơn so với những người bình thường.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng khoai sọ nấu với gạo thành cháo, có thể cho thêm một chút đường sẽ có tác dụng phòng cũng như hỗ trợ điều trị bệnh viêm thận mãn tính.
Ngăn ngừa suy nhược cơ thể: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu năng lượng từ gluxit được đưa vào mỗi ngày nên chiếm 60 - 70% tổng năng lượng. Trong khi đó, khoai sọ chứa nhiều gluxit giúp cung cấp nhiều năng lượng, góp phần nuôi dưỡng tế bào thần kinh và chống suy nhược cơ thể. Nhất là với người mới ốm dậy, người bị gầy, có dấu hiệu suy nhược cơ thể thì nên dùng canh khoai sọ móng giò hay khoai sọ nấu thịt sẽ giúp cơ thể mau chóng phục hồi.
Những người không nên ăn khoai sọ
Tuy mang lại nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn được khoai sọ. Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec đã chỉ những người không nên ăn khoai sọ:
- Người bị đờm được khuyên không nên ăn khoai sọ vì loại thực phẩm này có thể làm tăng lượng đờm trong cơ thể, cản trở quá trình khôi phục sức khỏe.
- Bệnh nhân mắc các bệnh dị ứng như nổi mề đay, hen suyễn, chàm hay viêm mũi dị ứng không nên ăn khoai sọ vì nó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh.
- Hạn chế hoặc không nên cho trẻ ăn khoai sọ bởi hệ tiêu hóa của trẻ yếu, tiêu hóa khoai khá chậm.
- Người bệnh gout không nên ăn khoai sọ vì trong loại khoai này có hàm lượng lớn calci oxalat sẽ làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh gout.
Ngoài ra khi ăn khoai sọ cần lưu ý những điều đưới đây:
- Khi sơ chế khoai, nên vứt bỏ phần bị hỏng và mọc mầm để tránh nguy cơ ngộ độc.
- Không gọt vỏ khoai sọ quá dày vì sẽ làm mất đi một lượng lớn protein.
- Khoai sọ có chất gây ngứa nên những người có làn da nhạy cảm nên đeo găng tay khi gọt khoai, tránh nguy cơ bị kích ứng da.
- Khi sơ chế khoai, bạn nên ngâm kỹ và nấu chín nhằm làm giảm bớt hàm lượng calci oxalat trong khoai.