Ở cái tuổi mà người ta thường nói "nghỉ ngơi là chính", những người lớn tuổi ở khu phố Dịch Vọng Hậu vẫn đều đặn hàng tuần, chăm chỉ đến lớp đúng giờ với tinh thần hào hứng để học cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Họ không học AI để trở thành lập trình viên giỏi hay chuyên gia công nghệ, mà đơn giản là vì họ không muốn bị lạc hậu, muốn tìm hiểu những thông tin bổ ích về sức khỏe, đời sống thông qua “không gian mạng”.

“Tôi tham gia khóa đầu tiên, đến nay là khóa thứ năm. Bây giờ thì tôi sử dụng được nhiều thứ lắm. Zalo, Facebook bây giờ là thành thạo. Thứ hai là TikTok. Mình tự quay video, ghép nhạc rồi đưa lên TikTok. Không như tuổi trẻ, tuổi già chúng tôi đưa lên những ký ức của ngày xưa. Tôi đi bộ đội từ năm 59 đến 71, và những ký ức về ngày 30/4 này ào về. Chỉ trong 30 phút đã có hơn một trăm người xem.”
“Bác thấy thật sự là bổ ích. Bác có thể hỏi Gemini là tôi cần phải tập thể dục để bồi dưỡng cho sức khỏe như thế nào, uống viên thuốc này để chữa những bệnh gì?”
Học viên của lớp học đặc biệt do thầy Đinh Ngọc Sơn khởi xướng hầu hết là những người cao tuổi, đã về hưu, độ tuổi từ 65 đến 85 tuổi. Các học viên lớn tuổi chăm chú luyện tập từng thao tác, làm quen với các ứng dụng công nghệ để không bị bỏ lại phía sau trong làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Niềm vui hiện rõ trên từng gương mặt khi lần đầu biết sử dụng Facebook, TikTok, Chat GPT,...

Lớp học đặc biệt mang tên “Chuyển đổi số và AI” là tâm huyết của thầy Đinh Ngọc Sơn – Bí thư Chi bộ, nguyên Phó Trưởng khoa Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chia sẻ về động lực để mở lớp học, thầy Sơn chia sẻ: “Chủ trương của Đảng và Chính phủ là chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt, Tổng Bí thư có nói là “không để ai ở lại phía sau trong cuộc cách mạng chuyển đổi số này” thì tôi thấy các bạn trẻ tiếp cận rất nhanh nhưng mà người ở lại sau chính là các bác cao tuổi. Vì vậy khi nhận vai trò là Bí thư chi bộ khu dân cư ở đây, tôi nghĩ luôn đến hay là lập một dự án nhỏ để giúp cho các bác cao tuổi tiếp cận với chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo và khi chúng tôi thông báo lên thì các bác rất ủng hộ”.
Dự án ban đầu gặp nhiều khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, tất cả đều bắt đầu từ con số 0. Nhưng với sự quyết tâm lan tỏa tri thức, thầy Đinh Ngọc Sơn đã chọn cách bắt đầu từ chính ngôi nhà của mình.
“Tôi lấy phòng học của gia đình để làm lớp học, lấy đèn chiếu, nước non gia đình ra để phục vụ, lấy bản thân mình làm giáo trình, giáo án và giảng dạy để phục vụ cho người cao tuổi và từ đấy thì giảm rất nhiều những chi phí để tổ chức”- thầy Sơn nói.

Thấu hiểu những khó khăn và tâm lý e ngại của người lớn tuổi khi tiếp cận công nghệ, thầy Đinh Ngọc Sơn đã xây dựng giáo án với phương pháp giảng dạy đơn giản, dễ thực hành và gắn bó với đời sống hằng ngày. Bằng sự tinh tế và sáng tạo, thầy Sơn khéo léo lồng ghép công nghệ số vào các hoạt động thực tiễn – như tổ chức cuộc thi ảnh trong khu dân cư để các học viên có cơ hội chia sẻ và lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ. Học viên là người lớn tuổi được hướng dẫn cách chụp ảnh bằng điện thoại thông minh và gửi ảnh dự thi, vừa rèn luyện kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ, vừa tạo nên một sân chơi đầy ý nghĩa. Nhờ đó, công nghệ không còn là điều xa lạ, mà trở nên gần gũi, thiết thực với chính cuộc sống thường nhật của mỗi người.
“Tôi dùng phương pháp rất đơn giản. Một là phải làm cho các bác thích về mặt tinh thần đã. Thứ hai, khi học là phải làm được ngay. Các bác đi học rất nghiêm túc. Hôm nay tôi tổ chức tiếp một buổi hướng dẫn về ảnh để tham gia cuộc thi ảnh thì các bác rất nhiệt tình, bây giờ các bác vẫn miệt mài để thực hành các bức ảnh đó”- thầy Sơn nói.

Để các buổi học thêm phần sinh động và dễ tiếp thu, thầy Đinh Ngọc Sơn không chỉ trực tiếp giảng dạy mà còn mời các chuyên gia đến chia sẻ, đồng hành cùng học viên. Anh An Thành Đạt, phóng viên ảnh với nhiều năm kinh nghiệm bày tỏ sự khâm phục trước tinh thần ham học hỏi của các học viên lớn tuổi: “Thực sự rất cảm phục các cô, các chú, các bác ở đây bởi vì mọi người đã lớn tuổi nhưng không phải là người già, vẫn muốn cố gắng hằng ngày để tiếp cận với công nghệ, kéo thế giới tâm hồn của mình gần hơn với mọi người. Các cô, các chú rất cầu thị, rất cố gắng. Đấy là những cái mà chính người trẻ mình phải học các cô, các chú rất nhiều. Tôi thấy rằng việc phổ cập hơn cho thế hệ người có tuổi ở các địa phương là rất cần thiết trong tương lai và nó mang tính cấp bách”.
Gạt bỏ mọi rào cản về tuổi tác, các học viên lớn tuổi vẫn đều đặn tới lớp đúng giờ, học tập với tinh thần nghiêm túc và tập trung. Dù đôi mắt đã mờ, tay đã không còn nhanh nhẹn khi thao tác trên màn hình cảm ứng, họ vẫn chăm chú lắng nghe, cố gắng ghi nhớ các bước, có bác còn quay lại bài giảng để về nhà xem lại cho kỹ.
Ông Phạm Hùng, 74 tuổi và bà Phùng Lê Hòa, 68 tuổi, sống tại khu dân cư số 9, phường Dịch Vọng Hậu hào hứng chia sẻ: “Lúc đầu thì ít thôi nhưng lớp thứ hai, lớp thứ ba, thứ tư nhiều, càng ngày số lượng càng đông, rất là vui vẻ. Đến đây chỉ thấy cười với nhau thôi mà tiếp thu rất nhan”.
“Các cô háo hức đi học để thấy gì hay hay thì mình tiếp thu. Không chỉ một mình cô mà nhiều cô muốn đi để mở rộng tầm mắt, theo kịp thời đại”- ông Phạm Hùng nói.
Dù mới đi vào hoạt động hơn một tháng, nhưng lớp học đặc biệt này đã để lại nhiều câu chuyện khiến thầy Sơn không khỏi xúc động. Một bác học viên lớn tuổi vẫn miệt mài học cách đăng video lên TikTok, chia sẻ những câu chuyện lịch sử mà bác đã từng trải qua. Hay một bác từng bị tai biến, gần như liệt một tay, nhưng vẫn đều đặn chống gậy đến lớp... Chính những hình ảnh giản dị mà đầy cảm hứng ấy đã tiếp thêm động lực để thầy Đinh Ngọc Sơn vững tin theo đuổi hành trình đầy ý nghĩa này. Trong tương lai, thầy mong rằng dự án sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần học tập suốt đời trong cộng đồng, đặc biệt là với những người tưởng chừng đã đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ.
“Dự án này mục tiêu là truyền cảm hứng cho cộng đồng, đặc biệt những người cao tuổi hãy tiếp tục học vì chúng ta có quá nhiều công cụ để học, trong đó có trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số. Trong tương lai tôi nghĩ là làm thế nào để những người cao tuổi tự tin hơn. Tôi mong là giá trị của chuyển đổi số không nằm ở lý thuyết mà có thể đi vào được với cả người cao tuổi nữa”- thầy Sơn nói.

Chỉ sau vài buổi học về AI, dưới sự kiên nhẫn và tận tụy của người thầy giàu tâm huyết, những khái niệm tưởng chừng xa lạ với người già bỗng trở nên gần gũi và dễ hiểu. Trong hành trình đổi thay của công nghệ và xã hội, lớp học AI dành cho người cao tuổi của thầy Đinh Ngọc Sơn lặng lẽ viết nên một câu chuyện đẹp về sự sẻ chia và niềm tin vào khả năng học hỏi không giới hạn của con người. Có thể lớp học nhỏ này sẽ không tạo ra một bước ngoặt lớn lao nào, nhưng chắc chắn, nó là một khởi đầu đầy ý nghĩa. Và đôi khi, điều quý giá nhất mà một lớp học mang lại không nằm ở kiến thức, mà ở cảm giác được lắng nghe, được đồng hành, và được tin rằng: mình vẫn còn có ích – dù ở bất kỳ độ tuổi nào.