Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (từ ngày 14 - 15/4/2025) và kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Bắc Kinh phỏng vấn ông Trần Cương, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
PV: Trước tiên, xin cảm ơn ông đã nhận lời trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Có thể nói, Quảng Tây là địa phương có quan hệ hợp tác chặt chẽ nhất với Việt Nam của Trung Quốc. Là lãnh đạo của Quảng Tây, ông đánh giá như thế nào về kết quả hợp tác hiện nay trên các lĩnh vực giữa Việt Nam với Khu tự trị Quảng Tây và Trung Quốc?
Ông Trần Cương: Tôi xin bắt đầu bằng chuyến thăm Việt Nam của tôi vào tháng 2. Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và chuyến thăm đã để lại trong tôi những ấn tượng tuyệt vời, vượt quá mong đợi. Người dân Việt Nam rất thân thiện, môi trường rất tươi đẹp, an ninh xã hội rất an toàn, cảnh tượng xây dựng nhộn nhịp phồn vinh diễn ra khắp mọi nơi. Tôi rất vui mừng cho Việt Nam.
Quảng Tây mở cửa là sang Việt Nam, trong triển khai hợp tác đối ngoại, Việt Nam là ưu tiên số một. Đây cũng là lý do vì sao tôi đi thăm Việt Nam chỉ hơn một tháng sau khi nhậm chức.
Trong thời gian qua, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng tốt đẹp, hai bên có sự tin cậy chính trị tương đối sâu sắc. Ngoài tin cậy chính trị giữa các nhà lãnh đạo cấp cao, giữa hai nước còn có nhiều trao đổi và hợp tác ở cấp địa phương.
Lần này tôi sang thăm Việt Nam với tư cách là Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tổ chức Gặp gỡ đầu Xuân với Bí thư Đảng ủy 4 tỉnh biên giới của Việt Nam giáp với Quảng Tây. Gặp gỡ đầu Xuân lần này là năm thứ 10, chúng tôi đã có lịch sử trao đổi từ rất lâu. Trong Gặp gỡ đầu Xuân năm nay, chúng tôi đã trao đổi sâu rộng và ký kết một loạt dự án hợp tác. Có thể nói, Trung Quốc và Việt Nam có hợp tác ở mọi cấp, từ cấp trung ương, cấp tỉnh đến cấp thành phố.
Đồng thời, những năm gần đây, Quảng Tây và Việt Nam đã làm tương đối tốt trên phương diện kết nối. Quảng Tây hiện có 9 tuyến đường cao tốc và 2 tuyến đường sắt kết nối thẳng đến biên giới Trung - Việt. Quảng Tây và Việt Nam có 9 cửa khẩu đường bộ, trong đó cửa khẩu Đông Hưng năm ngoái có hơn 8,5 triệu người thông quan, trung bình mỗi ngày có tới hơn 20.000 người, là một cửa khẩu vô cùng bận rộn. Hai bên không chỉ kết nối về giao thông, mà còn hợp tác sâu rộng về kinh tế, thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác.
Hơn thế, qua lại giữa nhân dân hai nước ngày càng mật thiết, trao đổi ở các cấp độ ngày càng nhiều hơn. Ví dụ, hiện nay có nhiều du khách Trung Quốc sang Việt Nam du lịch, nhiều du khách Việt Nam cũng sang du lịch Trung Quốc; không ít sinh viên Việt Nam chọn Quảng Tây là điểm đến du học. Có thể nói, hiện nay quan hệ hợp tác giữa hai bên đã phát triển đa phương vị, đa tầng cấp và đang trong thời kỳ giao lưu hữu nghị.

PV: Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và cũng là Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc. Quảng Tây sẽ tổ chức những hoạt động gì để làm sâu sắc hơn hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là nhân dân ở khu vực biên giới?
Ông Trần Cương: Đây là một câu hỏi hay. Năm nay kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Năm giao lưu nhân văn Trung Quốc - Việt Nam cần có các nội dung thực chất.
Trước tiên, tăng cường hợp tác giữa chính quyền địa phương. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi đã tổ chức Gặp gỡ đầu Xuân với 4 Bí thư Đảng ủy các tỉnh biên giới của Việt Nam, đồng thời mời Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng dự và tuyên bố Hải Phòng chính thức tham gia cơ chế Gặp gỡ đầu Xuân. Không chỉ ở cấp tỉnh, mà cấp thành phố, công đoàn, hội phụ nữ, đoàn thanh niên cũng có sự trao đổi, hợp tác. Những trao đổi và hợp tác này là toàn diện.
Một điều nữa là tôi lạc quan về hợp tác văn hóa và du lịch trong năm nay. Lấy Khu hợp tác du lịch xuyên biên giới thác Đức Thiên (Trung Quốc) - Bản Giốc (Việt Nam) làm ví dụ. Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động vào tháng 10 năm ngoái, khu hợp tác đã đón hơn 730 đoàn khách du lịch từ Trung Quốc và Việt Nam, vượt mong đợi của chúng tôi. Điều này đã đạt được ngay cả khi chưa có nhiều sự quảng bá.
Tôi cho rằng, việc thành lập khu hợp tác du lịch xuyên biên giới giữa hai nước là một ý tưởng rất hay, hơn thế sau khi đi vào hoạt động, khu hợp tác thực sự đã thúc đẩy giao lưu nhân văn giữa hai nước. Tôi rất mong muốn mở rộng hơn nữa giao lưu hợp tác văn hóa, du lịch giữa Quảng Tây và Việt Nam.
Chúng ta cũng có thể khuyến khích nhiều hoạt động giao lưu nhân dân hơn. Bóng đá Việt Nam hiện đang có những tiến bộ nhanh chóng. Tôi nghe nói trận đấu bóng đá giao hữu Tết Nguyên tiêu giữa Đông Hưng, Quảng Tây và Móng Cái, Việt Nam đã được tổ chức liên tục 30 năm và khá sôi động. Trong những trận bóng đá dân gian như vậy, thắng thua không quan trọng, giao lưu hữu nghị mới là trọng tâm.
Tôi đã đề xuất sáng kiến với Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh biên giới Việt Nam, nhân rộng các trận đấu bóng đá giao hữu như vậy đến các địa điểm khác trên biên giới giữa hai nước và tăng thêm nội dung giao lưu. Không chỉ giao lưu thể thao và văn hóa, người dân hai nơi ở khu vực biên giới còn có nhu cầu hỗ trợ lẫn nhau về chăm sóc y tế, giáo dục và các phương diện khác.
Vì vậy, tôi cho rằng hợp tác Trung Quốc-Việt Nam có triển vọng rộng mở. Chúng tôi cũng khuyến khích thanh niên và trẻ em hai nước tương tác và giao lưu nhiều hơn, để đặt nền tảng vững chắc cho việc trao truyền tình hữu nghị cho các thế hệ sau.

PV: Ngoài hợp tác về văn hóa và du lịch, vậy theo ông hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Quảng Tây có vai trò như thế nào trong quan hệ giữa hai bên? Quảng Tây sẽ có những biện pháp gì để thúc đẩy hơn nữa giao lưu kinh tế, thương mại giữa hai bên trong thời gian tới?
Ông Trần Cương: Tôi cho rằng thời kỳ hoàng kim của hợp tác kinh tế thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam mới chỉ bắt đầu và vẫn còn rất nhiều dư địa hợp tác trong tương lai. Ví dụ, năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt gần 300 tỷ nhân dân tệ, tăng 16,4%. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây trong 26 năm liên tiếp và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng trên các lĩnh vực.
Quảng Tây được biết đến là “Thủ phủ trái cây của Trung Quốc”, nhưng có một số loại trái cây không thể tự trồng được. Chẳng hạn, người Trung Quốc đặc biệt thích ăn sầu riêng. Tôi cũng thích ăn sầu riêng, nhưng không trồng được ở Quảng Tây. Tôi biết rằng một lượng lớn sầu riêng Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc mỗi năm thông qua các cửa khẩu như Đông Hưng và Bằng Tường ở Quảng Tây. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 6 tỷ USD sầu riêng, phần lớn trong số đó là từ Việt Nam. Việt Nam cũng có thể tăng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và phụ phẩm khác sang Trung Quốc.
Tôi thấy ở cửa khẩu Hữu Nghị Quan tại Bằng Tường, Quảng Tây, việc xây dựng cửa khẩu thông minh đầu tiên giữa Trung Quốc và Việt Nam đang được đẩy nhanh. Chúng ta cần nâng cao hiệu quả thông quan và mở rộng hơn nữa quy mô thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam thông qua việc xây dựng cửa khẩu thông minh.
Những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây rất đáng khâm phục và đáng khích lệ. Người Trung Quốc vui mừng khi thấy Việt Nam phát triển. Một số công ty ở Quảng Tây, như Guangxi Yuchai, hiện đang đầu tư vào Việt Nam. Một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thương mại và thương mại điện tử đã nhìn thấy cơ hội tại thị trường Trung Quốc và cũng đã thành lập văn phòng tại Quảng Tây. Chúng tôi khuyến khích những đầu tư như vậy và hai bên có thể hợp tác để làm nhiều việc.
Trên cơ sở hợp tác hiện có, chúng ta còn có thể sắp xếp hợp tác giữa Quảng Tây và Việt Nam từ góc độ chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng, chuỗi công nghệ và chuỗi vốn, thiếu gì bổ sung nấy. Chúng ta có thể thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn của hai bên, thực hiện hợp tác điểm-điểm tại các khu công nghiệp, cũng có thể làm sâu sắc hơn hợp tác giữa hai bên thông qua hợp tác thương mại.
Trung Quốc là một thị trường lớn với dân số 1,4 tỷ người và hiện đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và nâng cấp ngành sản xuất. Việt Nam cũng đang làm điều tương tự. Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn có thể bắt tay nhau và hợp tác nhiều hơn nữa trong những lĩnh vực này.
Tóm lại, tôi tràn đầy niềm tin đối với việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Quảng Tây và Việt Nam. Thời kỳ hoàng kim của hợp tác giữa hai bên vừa mới bắt đầu.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!