Đầu năm 2024, thấy tức ngực, khó thở, chị Trịnh Thị Hiền (quê Bắc Ninh) đi khám được phát hiện tràn dịch màng phổi. Nhận thấy sức khoẻ của vợ ngày một yếu, anh Nguyễn Minh Hạnh (chồng chị Hiền) xin bệnh viện tỉnh cho chuyển đến tuyến trung ương.
Kết quả thăm khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương cho thấy, ngoài tràn dịch màng phổi, chị Hiền còn bị bệnh LAM – bệnh phổi đột lỗ (là sự tăng trưởng không đau của tế bào cơ trơn chung quanh phổi, các mạch máu phổi, mạch bạch huyết và màng phổi).
Theo các chuyên gia, bệnh LAM hiếm gặp và chỉ xảy ra ở phụ nữ trẻ. Các triệu chứng là khó thở, ho, đau ngực và ho ra máu, tràn khí màng phổi tự phát là phổ biến. “Lúc bác sĩ thông báo tình trạng bệnh, cả gia đình vô cùng ngỡ ngàng”, anh Hạnh nói.
Để điều trị cho chị Hiền, bác sĩ đặt ra hai phương án, một là vá phổi nhưng cách này chỉ được một thời gian ngắn và nguy cơ bục rất cao nếu lá phổi hoạt động quá công suất. Phương pháp còn lại, là ghép phổi nhưng cơ hội rất mong manh khi cả nước đến nay mới có khoảng 10 ca ghép.
Đầu tháng 4/2024, anh Hạnh nhận cuộc điện thoại từ bệnh viện thông báo có phổi hiến từ người cho chết não ở Bệnh viện Việt Đức. Anh lập tức đưa vợ ra Hà Nội, các xét nghiệm phù hợp, chị Hiền được ghép lá phổi mới hôm 3/4.
Theo TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, ca ghép cho chị Hiền khó khăn, do người phụ nữ mắc nhiều bệnh nền nặng, cấu trúc giải phẫu khó, việc hồi sức, chăm sóc hậu phẫu diễn phức tạp. May mắn, sau 5 tháng ghép phổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh hồi phục tốt, sẽ sớm được xuất viện.
Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả bộ phận. Đến nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp thực hiện thành công 3 ca ghép phổi.
Các ca ghép phổi được thực hiện theo những quy trình chặt chẽ, bài bản và thành công theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Các ca ghép có sự tham gia hội chẩn trực tuyến của các chuyên gia hàng đầu tại UCSF – Đại học California, San Francisco, Mỹ – một trong những trung tâm y học uy tín nhất trên thế giới, cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia về tim mạch trong nước.
Hằng năm, trên thế giới có khoảng 5.000 ca ghép phổi, chủ yếu từ người cho chết não, trong đó tại Mỹ có khoảng 2.500 ca. Việt Nam đang có khoảng 1.000 ca có chỉ định ghép phổi nhưng đang thiếu nguồn tạng hiến. Đến nay, cả nước mới chỉ ghép được khoảng hơn 10 ca.
Ngày 23/9, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức chương trình đặc biệt mang tên Những lá phổi hồi sinh. Tại đây, 3 ca ghép phổi tại bệnh viện đã hội ngộ đặc biệt.
Ông Nguyễn Xuân Toại, 58 tuổi, ở Thanh Hóa, trường hợp sống lâu nhất tại Việt Nam sau ghép phổi năm 2020. Từ chỗ mỗi bước đi phải có người dìu, nay ông tập thể dục, đi cầu thang cả tiếng không thấy mệt.
Bạn Phạm Anh Thư, 21 tuổi, quê Bắc Kạn là ca ghép phổi vào đúng ngày 30 Tết năm nay. Hiện, cô gái tiếp tục học đại học năm thứ 2.
Người thứ ba là bệnh nhân Trịnh Thị Hiền. Sau ghép phổi sức khoẻ đã cải thiện rất nhiều.