Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến cuối tháng 9, trước khi lũ về hạ nguồn sông Kỳ lộ, bà Nguyễn Thị Đào, xã An Định, huyện Tuy An đều bán bò để đảm bảo tài sản được an toàn. Năm nay, chiếc ghe cũ của gia đình đã sửa xong; lúa cùng nhiều vật dụng khác được đưa lên gác. Đây là thói quen và cũng là cách mà gia đình bà Đào và người dân nơi này chủ động ứng phó với mưa lũ từ bao đời nay.
Bà Nguyễn Thị Đào nói: “Chúng tôi chuẩn bị thuyền, đưa lúa cất lên gác. Chớ lụt ngập lắm”.
Sông Kỳ Lộ chảy qua hai huyện Đồng Xuân và Tuy An. Hàng chục ngôi làng bên bờ sông thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt khi mùa mưa lũ tới. Để ứng phó an toàn, nhiều ngôi làng có từ 50% đến gần 100% nhà dân xây dựng gác cao trong nhà, chủ động thuyền và trang bị áo phao mỗi người một cái.
Ông Nguyễn Lực, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết, hầu hết lúa gạo cùng nhiều vật dụng có giá trị khác đều được người dân nơi đây đưa lên cao cất giữ: “Mưa lũ ở đây, người dân đã đưa lúa đưa lên gác rồi, đưa trâu đi tránh lũ. Thấy nhiều nơi thiệt hại nên người dân chủ động lắm. Năm nào cũng vậy, không chủ quan được”.
Ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch UBND xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đúc kết, đây là những giải pháp hữu hiệu được phát huy nhiều năm qua khi mưa lũ về: “Vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ áo phao cho học sinh và rà soát các phương tiện, đồ cứu hộ cứu nạn đưa về bà con 8 thôn”.
Phòng, chống mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ” kết hợp với nhà “3 có”, có gác cao trong nhà, có thuyền, có áo phao của những hộ dân vùng trũng thấp đã giúp giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản. Gặp các tình huống cấp bách, thuyền và áo phao được trang bị sẵn tại nhà giúp người dân giảm bớt lo âu. Khi lũ lớn bất ngờ tràn về cũng như sau lũ rút, người dân vẫn còn lương thực để ăn.