TP.HCM hiểu khác HoREA
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giải thích luật đối với nội dung khoản 1 điều 257 của Luật Đất đai 2024.
Theo HoREA, dự thảo bảng giá đất tại TP.HCM được người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản rất quan tâm. Đến nay, mới chỉ có duy nhất TP.HCM công bố thông tin về dự thảo bảng giá đất, dự kiến áp dụng từ 1/8 đến 31/12/2024.
Sở Tài nguyên và Môi trường giải thích lý do là TP.HCM phải chấp hành nghiêm quy định tại khoản 1 điều 257 Luật Đất đai 2024, nên phải xây dựng dự thảo bảng giá đất bởi không còn quy định về hệ số điều chỉnh giá đất và phải cập nhật giá đất tái định cư. Nếu không sẽ dẫn đến tắc nghẽn công tác xác định nghĩa vụ tài chính của hộ gia đình, cá nhân và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư.
Tuy nhiên, HoREA cho rằng cách hiểu của HoREA về nội dung khoản 1 điều 257 Luật Đất đai 2024 là bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 và cả hệ số điều chỉnh giá đất theo quy định tại nghị định 44 và nghị định 45 là được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.
Trường hợp cần thiết thì UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương, mà nội dung điều chỉnh bảng giá đất có thể điều chỉnh bảng giá đất tại một vị trí đất hoặc một số vị trí đất hoặc tất cả các vị trí đất.
HoREA nhận định trong mọi trường hợp tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật Đất đai 2013 và nghị định 44 và nghị định 45 thì đều phải áp dụng đồng thời bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất, chứ không chỉ áp dụng có mỗi bảng giá đất.
HoREA cho biết, hiện các hồ sơ tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TPHCM đều bị dừng thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất tại cơ quan thuế, để chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc có hay không ban hành bảng giá đất điều chỉnh và thời điểm áp dụng.
Theo HoREA, quy định tại khoản 1 điều 257 Luật Đất đai 2024 có thể chưa đủ độ rõ để các địa phương thống nhất cách hiểu, dễ hiểu, dễ thực hiện, mà để giải thích luật thì chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền giải thích luật.
Do vậy, HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giải thích luật đối với nội dung khoản 1 điều 257 Luật Đất đai 2024 để các địa phương thống nhất cách hiểu, dễ thực thi và để người dân yên tâm, có thêm thời gian 1,5 năm để chuẩn bị tài chính và thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ, sổ hồng.
Chỉ TP.HCM làm khác
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, việc điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất trên bàn TPHCM theo quy định tại khoản 1 điều 257 Luật Đất đai 2024 là cần thiết.
Tại cuộc họp chiều ngày 8/8, ông Đào Quang Dương, Phó trưởng phòng Kinh tế đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất áp dụng theo bảng giá nào đang là vướng của nhiều tỉnh thành chứ không riêng TP.HCM.
Luật Đất đai 2024 áp dụng cho cả nước, thế nhưng trên thực tế chỉ có mỗi TP.HCM là bị vướng, còn các tỉnh khác thì lại bình thường. Cụ thể, tỉnh Bình Dương vẫn đang áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) có hiệu lực từ 1/1/2024 thay cho bảng giá đất năm 2023. Hiện cơ quan thuế tại Bình Dương vẫn tính tiền sử dụng đất theo giá đất ban hành từ 1/1/2024, không chịu ảnh hưởng bởi Luật Đất đai 2024. Cục Thuế tỉnh Bình Dương cũng khẳng định, địa phương đang áp dụng tính tiền sử dụng đất theo quyết định 36/2020 của UBND tỉnh, theo đó đang áp dụng giá hiện hành, chưa có gì thay đổi.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, bảng giá đất của Đồng Nai đang lập theo quy định của Luật Đất đai cũ và vẫn đang có hiệu lực, chưa điều chỉnh gì. Theo quy định của Luật Đất đai 2024, bảng giá đất phải có giá tái định cư nên sắp tới Đồng Nai sẽ ban hành giá đất một số khu tái định cư để sớm phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tại Bình Thuận, ông Phan Thế Hanh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh cho biết, Bình Thuận vẫn đang tính tiền sử dụng đất theo bảng giá đất ban hành từ 1/1/2024, nếu có thay đổi thì phải từ 1/1/2025.
Riêng tại Hà Nội, từ ngày 29/7 áp dụng hệ số K mới theo quyết định số 45/2024/QĐ-UBND. Còn lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường ở miền Tây như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh… đều cho biết, vẫn đang áp dụng hệ số K cũ, chưa có gì thay đổi.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, Luật Đất đai 2024 cho phép, bảng giá đất hiện tại do UBND cấp tỉnh ban hành được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Nếu áp dụng bảng giá này thì các địa phương vẫn được sử dụng hệ số K để giải quyết cho từng trường hợp cần thiết và cụ thể.
Theo ông Chính, Luật Đất đai 2024 không cấm các tỉnh thành sử dụng bảng giá đất cũ để tính tiền sử dụng đất, trong đó hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TPHCM khẳng định, bảng giá đất điều chỉnh hệ số K theo quyết định quyết định 02/2020/QĐ-UBND ban hành ngày 16/1/2020 của UBND TP.HCM có hiệu lực đến 31/12/2024. Đương nhiên, quyết định này vẫn còn hiệu lực cho đến khi có bảng giá đất mới thì bỏ hệ số K.
“Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 cho phép địa phương được áp dụng đơn giá đất cũ đến 31/12/2025 hoặc điều chỉnh bảng giá đất tùy theo tình hình thực tế. Như vậy, khi bảng giá đất điều chỉnh của TP.HCM chưa được ban hành thì bảng giá đất cũ vẫn còn hiệu lực đến 31/12/2025”, luật sư Phượng nói.