
Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất HĐND Thành phố Hà Nội xem xét thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu.
Thống nhất chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao UBND thành phố Hà Nội làm cơ quan chủ quản thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu (theo cơ chế quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Thủ đô đối với Dự án đi qua địa bàn 2 tỉnh, thành phố, có sử dụng vốn từ nguồn ngân sách trung ương).

Theo UBND thành phố Hà Nội tổng chiều dài cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 7,5km, trong đó: Chiều dài cầu chính và cầu dẫn 7,2km 33m; Đường đầu cầu phía Hưng Yên khoảng 300m với rộng 60m. Xây dựng đường song hành hai bên. Phạm vi mặt cắt ngang dự án 60÷80m.
Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hè đường, chiếu sáng, tổ chức giao thông, cây xanh, chỉnh trang và di dời hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi,...; bố trí hệ thống camera giám sát giao thông thông minh....; Thiết kế các hạng mục phục vụ công tác kiểm tra duy tu bảo dưỡng cầu sau khi được đưa vào sử dụng, tổng mức đầu tư 11.844 tỷ đồng.
Điểm đầu Dự án đầu tư tại huyện Thanh Trì, Hà Nội (Km0+00) (kết nối với điểm cuối Dự án đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cách cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ khoảng 360m về phía Đê Hữu Hồng); Điểm cuối tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (Km7+500) kết nối với đường Vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cách đê Tả Hồng 700m về phía cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Dự án xây dựng cầu Ngọc Hồi chia là 5 dự án thành phần. Nhóm dự án giải phóng mặt bằng có 3 dự án thực hiện trên địa bàn huyện Thanh Trì, Gia Lâm (Hà Nội) và huyện Văn Giang (Hưng Yên).
Nhóm Dự án đầu tư xây dựng có 2 dự án ( dự án ĐTXD đường song hành trên địa phận Hà Nội và địa phận tỉnh Hưng Yên; dự án ĐTXD cầu Ngọc Hồi và đường dẫn 2 đầu cầu). Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2025-2030.
Cầu Ngọc Hồi nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5 của thành phố Hà Nội (vành đai hở với chiều dài khoảng 45,64km kết nối thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên) đã được đầu tư theo quy hoạch 9,5km (từ Đại Lộ Thăng Long - Trục phía Nam); đang thực hiện đầu tư 5,5km từ QL32 đến Đại Lộ Thăng Long; đang lập 5 Dự án đầu tư với tổng chiều dài 25,1km.
Việc đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường đầu cầu sẽ hoàn thiện theo quy hoạch tuyến đường Vành đai 3,5 theo quy hoạch phát triển giao thông Thành phố; kết nối trực tiếp sang tỉnh Hưng Yên; kết hợp với hệ thống đường hướng tâm của Thành phố có giao cắt với tuyến đường Vành đai 3,5 (trục đô thị Mê Linh, Trục Tây Thăng Long, QL32, Đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương, QL6, Quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ) sẽ chia sẻ và phân bổ lưu lượng, tránh tình trạng các phương tiện giao thông có nhu cầu di chuyển từ phía Bắc, Tây – Bắc của thành phố về phía Đông 2 – Nam của Thành phố phải di chuyển qua trung tâm thành phố, từ đó giảm nguy cơ ùn tắc giao thông trên các tuyến đường hiện có như Vành Đai 3, đường Giải phóng (QL1A), Đường 70...
Ngoài ra, cầu Ngọc Hồi được đầu tư xây dựng sẽ giúp tăng sự liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tạo điều kiện thuận lợi, liên kết các khu đô thị mới như: Khu đô thị mới Ecopark, Khu đô thị Đại An, Khu đô thị Dream City… từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam của Thành phố cũng như các tỉnh phía Nam và Đông – Nam của Vùng Thủ đô như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh.