Những trăn trở của đại biểu Quốc hội ngành Y
Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong phiên họp sáng 22/10 khi góp ý cho Luật Dược sửa đổi đã nêu thực tế là có những loại thuốc đã lưu hành ở Nhật, Mỹ, châu Âu được 5-6 năm, nhưng với Việt Nam thì vẫn “phải chờ cấp visa”, đề cập đến thực trạng nhiều loại thuốc mới, tốt đã có ở nước ngoài nhưng rất khó khăn khi xin cấp phép lưu hành ở Việt Nam, nhất là những thuốc biệt dược gốc, thuốc điều trị ung thư…
Năm ngoái, cũng chính vị ĐBQH này đã nói trên nghị trường rằng, khó khăn lớn nhất của bệnh viện hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Việc cấp phép nhập khẩu và cho phép sử dụng các thiết bị mới tại Việt Nam bị bế tắc nhiều năm nay, số hồ sơ đợi cấp phép xếp chồng ngày càng cao mà đầu ra vẫn nhỏ giọt, khiến ông “phải mang bệnh nhân ra nước ngoài can thiệp, vì không thể nhập được dụng cụ phù hợp cho từng trường hợp về nước một cách dễ dàng"!
Tại Hội thảo “Đối thoại chính sách Ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong ra quyết định chi trả đối với thuốc điều trị ung thư” tổ chức hôm 23/8 tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, ở Việt Nam, ung thư là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ hai, sau các bệnh lý về tim mạch, với trên 123.000 ca tử vong/ năm trong tổng số 180.000 ca mắc mới. Bệnh nhân phải tự chi trả tới 70% chi phí điều trị, cao nhất trong các nước ASEAN. Điều này khiến 37,4% bệnh nhân ung thư và gia đình họ rơi vào cảnh đói nghèo.
Đó cũng chính là lý do mà trong kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 lần này, nhiều cử tri kiến nghị cần bổ sung một số loại thuốc vào danh mục được BHYT chi trả, trong đó có thuốc điều trị ung thư và nhiều loại thuốc mới khác. Vì hiện có nhiều loại thuốc điều trị tiên tiến thế hệ mới ra đời, có hiệu quả điều trị cao và an toàn đối với bệnh nhân ung thư, đáp ứng yêu cầu của các chuyên gia lâm sàng cũng như sự mong đợi của người bệnh, song đã lâu chưa được cập nhật vào danh sách thuốc được BHYT chi trả (lần cập nhật tổng thể gần nhất từ năm 2018). Điều này đã hạn chế nhu cầu được điều trị và cơ hội tiếp cận đối với các phương pháp điều trị tiên tiến của bệnh nhân.
Dẫn một vài ý kiến của các chuyên gia uy tín của ngành y tế để thấy rằng, cơ chế chính sách liên quan đến công tác khám chữa bệnh và nhập khẩu, đăng ký lưu hành thuốc ở nước ta dù đã được khắc phục đáng kể sau những “cơn địa chấn” của ngành này, song cũng còn những "cục máu đông" thủ tục đang bó buộc ngành y, hạn chế quyền được tiếp cận các loại thuốc mới của người bệnh, đồng thời hạn chế khả năng tiếp cận những thành tựu khoa học, thông tin lâm sàng của các loại biệt dược gốc và các phương pháp điều trị tiên tiến nhất của thế giới.
Người bệnh Việt Nam còn thiệt thòi
Thực tế cho thấy, việc cập nhật danh mục thuốc mới được phép sử dụng cho bệnh nhân BHYT ở nước ta cũng chậm so với nhiều quốc gia khác. Đã 6 năm kể từ năm 2018, danh mục thuốc do BHYT chi trả chưa được cập nhật, bổ sung thuốc mới một cách tổng thể. Trong khi đó, quỹ BHYT kết dư hàng chục nghìn tỉ đồng/năm. Chỉ riêng 3 năm 2020 - 2022, kết dư trên 33.000 tỷ đồng; đến hết năm 2023, kết dư 40.000 tỷ đồng.
Không được thanh toán những loại thuốc mới, thuốc điều trị đắt tiền, đồng nghĩa với người dân không có cơ hội được hưởng những thành tựu y dược tiên tiến, giảm cơ hội được sống và phải chi tiền túi cho khám chữa bệnh nhiều hơn (hiện chiếm gần 45% tổng chi phí). Trong khi WHO khuyến cáo tỷ lệ này cần ở mức dưới 20%. Còn nếu so với tỉ lệ 14% ở các nước phát triển, thì người Việt Nam phải chi gấp 3 lần họ.
Phải mất từ 10 - 15 năm để một loại thuốc được phát minh đến với người bệnh. Một loại thuốc mới muốn có mặt ở thị trường Việt Nam, thường độ trễ khoảng 3 - 4 năm để đăng ký lưu hành. Trong khi ở một số nước trong khu vực chỉ từ 15 - 18 tháng, thậm chí có nước chỉ 3 tháng (như Philippines, chỉ cần 9 tháng là thuốc mới có thể vào thị trường). Thực trạng này là nguyên nhân dẫn đến tỷ trọng sử dụng thuốc biệt dược gốc ở Việt Nam hiện chỉ mới 11% - là mức thấp so với trung bình 27,1% khu vực châu Á – TBD.
Đây là một bất hợp lý cần phải khắc phục, nhất là trong bối cảnh cuộc sống người dân đã khá hơn, họ có quyền đòi hỏi chất lượng điều trị tốt hơn từ các bệnh viện thông qua quỹ BHYT. Bởi hiện có 95% số giường bệnh ở nước ta thuộc các bệnh viện công lập, nơi hầu hết bệnh nhân BHYT đang điều trị.
Vì vậy, nếu những điểm nghẽn trong cơ chế đấu thầu, nhập khẩu, đăng ký thuốc mới, thuốc phát minh, việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc… không được tháo gỡ, thuốc mới không được cập nhật vào danh sách thuốc được sử dụng ở các cơ sở y tế công lập, đồng nghĩa với đánh mất cơ hội được chữa bệnh bằng những loại thuốc mới, thuốc tốt của bệnh nhân, kể cả người có điều kiện tự chi trả.
Đó cũng là lý do ngay càng có nhiều người Việt tìm mọi cách ra nước ngoài chữa bệnh. Năm 2018, lần đầu tiên Bộ Y tế công bố con số này cho thấy có hơn 60.000 lượt bệnh nhân ra nước ngoài điều trị, "chảy máu" nguồn ngoại tệ khoảng 2- 3 tỉ USD. Tình trạng này chắc chắn vẫn tiếp tục tăng trong mấy năm qua, nhất là khi những điểm nghẽn của ngành y tế Việt Nam chậm tháo gỡ và nhu cầu của người dân là có thật; cùng với đó là sự gia tăng hiện diện các chi nhánh, văn phòng đại diện các bệnh viện lớn của Singapore, Malaysia… ở nước ta.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý là thiết kế cơ chế thích hợp, hành lang pháp lý rõ ràng để giúp nâng cao khả năng tiếp cận, quyền lựa chọn thuốc của bác sĩ điều trị và bệnh nhân, đặc biệt là đối với những bệnh nhân tự nguyện chi trả khi điều trị một số bệnh hiểm nghèo (hiện khoảng 30% biệt dược gốc được dùng cho những bệnh nhân này). Để không chỉ bảo vệ quyền lợi cho người bệnh mà đất nước cũng không phải mất vài ba tỉ đô la mỗi năm vì người dân phải ra nước ngoài chữa bệnh.
Kỳ vọng với Luật Dược sửa đổi
Luật Khám - Chữa bệnh (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2024 và giờ thì Luật Dược sửa đổi, nếu được thông qua tại kỳ họp này, với 5 lĩnh vực chính được sửa đổi là việc tăng cường khả năng tiếp cận và cung ứng thuốc; Xuất nhập khẩu; Định hướng phát triển ngành, kinh doanh dược phẩm… hy vọng sẽ mang lại nhiều quyền lợi hơn cho người bệnh; mở ra cơ hội phát triển ngành Dược nói riêng và ngành Y tế nói chung trong thời gian tới.
Một trong những điểm mới nổi bật trong dự thảo Luật Dược sửa đổi lần này được các chuyên gia, doanh nghiệp ủng hộ là đưa cơ chế Tham chiếu vào quy trình đăng ký thuốc, được kỳ vọng giúp thuốc mới nhanh chóng có mặt ở Việt Nam, có thể ngang bằng Singapore hay các nước lân cận. Đồng thời, quy định mới về tinh giản thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục gia hạn Giấy đăng ký lưu hành thuốc sẽ giúp tình trạng thiếu thuốc được xử lý, ngành Y tế cũng sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực, thời gian cho việc đảm bảo an toàn, hiệu quả, chất lượng thuốc lưu hành.
Luật Dược sửa đổi được thông qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược cũng sẽ minh bạch hơn; vừa đảm bảo cung ứng thuốc ổn định, bền vững với giá cả hợp lý, chất lượng, vừa tạo ra một thị trường dược phát triển, tạo động lực cho doanh nghiệp không ngừng đưa các loại thuốc phát minh, thuốc mới tiên tiến vào Việt Nam. Đồng thời góp phần thúc đẩy các công ty dược phẩm hàng đầu trên thế giới cân nhắc đầu tư thêm, phát triển thị trường tại Việt Nam, qua đó phát triển mạnh ngành dược phẩm trong nước, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỉ USD; Chẳng những phát triển nền y tế theo hướng phục vụ người dân mà còn giúp khai thác tiềm năng phát triển ngành du lịch khám, chữa bệnh tại Việt Nam, biến Việt Nam thành một trong những trung tâm dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cho người nước ngoài, người có điều kiện chi trả cao.
Quyết định 376/QĐ-TTg (ngày 17-03-2021) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu đến năm 2025 thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỉ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020.
Mục tiêu đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Đồng thời, chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc-xin, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỉ USD.
Giai đoạn 2030-2045 phải đạt việc người dân Việt Nam được dùng thuốc tốt do Việt Nam sản xuất và hướng đến cả xuất khẩu. Mục tiêu đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỉ USD.