
Thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Không chỉ là các fanpage giả mạo, nhiều đối tượng còn lập website giống hệt trang chính thức của các khách sạn, resort hoặc công ty lữ hành để đánh lừa người tiêu dùng. Từ logo, tên miền gần giống, đến giao diện chuyên nghiệp – tất cả đều được tạo ra nhằm mục tiêu khiến người dùng tin tưởng và chuyển khoản nhanh chóng.

Một số trường hợp khác lại lợi dụng các nhóm du lịch cộng đồng, đăng bài chào mời tour phút chót, phòng còn trống giá rẻ, yêu cầu chuyển khoản giữ chỗ. Người mua vì sợ “hết vé”, “cháy phòng” đã chuyển tiền mà không kiểm chứng, đến khi phát hiện thì người bán đã biến mất.
Đáng nói, tâm lý ham rẻ, muốn đặt gấp để kịp kỳ nghỉ, cộng với việc thông tin thật - giả lẫn lộn trên mạng xã hội khiến nhiều người dễ trở thành nạn nhân. Một số vụ việc được chia sẻ cho thấy nạn nhân mất từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng chỉ sau một lần chuyển khoản.
Cá biệt như trường hợp một người dân tại Hải Phòng đã bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng tại fanpage có tích xanh mang tên “Minawa Kenhga Resort & Spa Ninh Binh” thông qua thủ đoạn này.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, trường hợp người dân bị lừa đảo trực tuyến qua hình thức đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay đã xảy ra vài năm nay, tuy nhiên, số lượng nạn nhân báo cáo với cơ quan chức năng không nhiều.
“Đây không phải thủ đoạn lừa đảo mới, cứ mỗi dịp nghỉ lễ lại rộ lên tình trạng lừa đảo mua vé máy bay, đặt phòng, đặt tour du lịch giá rẻ… Phổ biến nhất là các trang mạng xã hội chào mời bán vé dịp Tết với giá thấp hơn so với thị trường chung, kèm theo ngày giờ bay thuận tiện để thu hút khách hàng”, chuyên gia an ninh mạng cho hay.
Thậm chí, để tạo niềm tin, người đăng tải chào mời mua vé máy bay giá rẻ còn tự tạo ra các bức ảnh chụp giao dịch thành công. Tuy nhiên, khi người dùng chuyển tiền, các đối tượng sẽ chặn facebook, hoặc chặn liên lạc điện thoại, xóa toàn bộ dấu vết.
Nhiều fanpage trên mạng xã hội (mua cả tick xanh – chứng nhận uy tín của nhóm), thậm chí là trang web bán phòng khách sạn, vé máy bay, tour du lịch… với giá rẻ hơn hẳn giá niêm yết. Người dân tìm kiếm thấy giá rẻ quá nên đặt, lại còn chuyển tiền vào tài khoản doanh nghiệp, thậm chí đối tượng còn gửi ảnh hóa đơn có dấu đỏ (tự chế)… Song, đến khách sạn, sân bay hay đến tận nơi mới phát hiện ra mình bị lừa đảo.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tấn công tội phạm lừa đảo trên mạng
Trước chiêu trò tinh vi trên, ông Vũ Ngọc Sơn khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đặt mua vé máy bay, vé tàu, tour du lịch, phòng khách sạn... cần thực hiện giao dịch thông qua website chính thống, ứng dụng di động hoặc trực tiếp tại phòng vé và đại lý chính thức của hãng.

Khách hàng mua vé bay, dịch vụ… trên website cần đặc biệt lưu ý truy cập đúng địa chỉ chính thức của hãng hoặc liên hệ trực tiếp với tổng đài nếu cần được giải đáp, hỗ trợ trực tiếp liên quan đến đặt chỗ, mua vé.
“Nếu nhận được những lời chào hàng quá rẻ so với thông tin của hãng thì không nên vội đặt vé mà kiểm tra lại vì có thể đó chiêu trò của các đối tượng xấu với mục đích lừa đảo. Không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài sản”, ông Sơn khuyến nghị.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện số 29 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Trong đó, Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng hoạt động phạm tội, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là trong giai đoạn sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương (không tổ chức công an cấp huyện).
Đồng thời, thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các nội dung, trang web, đường dẫn, ứng dụng, hội, nhóm, tài khoản trên không gian mạng liên quan đến hoạt động lừa đảo, cuộc gọi, tin nhắn nghi vấn lừa đảo, nhất là các cuộc gọi từ nước ngoài, cuộc gọi sử dụng công nghệ VoIP, ứng dụng OTT...
Thủ đoạn lừa đảo phổ biến gồm hai bước sau:
Bước 1: Lừa chuyển khoản đặt cọc
Kẻ lừa đảo giả danh nhân viên đặt phòng khách sạn hoặc đại diện công ty du lịch. Chúng yêu cầu khách chuyển khoản tiền đặt cọc để xác nhận dịch vụ. Sau khi nhận được tiền, chúng thông báo rằng nội dung chuyển khoản bị “sai” hoặc “không hợp lệ” và yêu cầu khách chuyển lại một lần nữa để hoàn tất quá trình đặt phòng hoặc tour. Điều này khiến khách hàng mất cảnh giác và tiếp tục thực hiện yêu cầu.
Bước 2: Lừa đảo hoàn tiền qua “kế toán giả”
Khi khách muốn lấy lại số tiền đã chuyển, kẻ lừa đảo chuyển sang giai đoạn thứ hai. Chúng giới thiệu một tài khoản Facebook hoặc số liên lạc, tự nhận là “kế toán” của khách sạn hoặc công ty, để hướng dẫn thủ tục hoàn tiền. Người này sẽ yêu cầu khách cung cấp thông tin nhạy cảm như mã xác minh tài khoản ngân hàng, OTP, hoặc chi tiết đăng nhập tài khoản với lý do cần xác minh giao dịch. Sau khi có được các thông tin này, chúng chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân một cách dễ dàng.
Mẹo tránh lừa đảo:
- Không chuyển khoản cho các tài khoản cá nhân, chỉ thanh toán qua kênh chính thức của công ty du lịch.
- Không cung cấp mã OTP, thông tin đăng nhập hay các mã xác minh cho bất kỳ ai qua điện thoại hay tin nhắn.
- Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy xác minh trực tiếp qua số điện thoại hoặc email công ty du lịch chính thức.