Gia Lai nỗ lực xóa mù chữ trong vùng dân tộc thiểu số

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên | 29/12/2024, 09:00

Xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Tại Gia Lai, công tác này đang được triển khai tích cực, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số.

Từ năm 2022 đến nay, thành phố Pleiku đã mở được 5 lớp xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số với gần 100 học viên tại các xã Biển Hồ, Chư Á, Gào và phường Chi Lăng. Điển hình như lớp xóa mù chữ tại trường Tiểu học Lê Lai xã Chư Á, có hơn 30 người dân làng Bông Phun và Mơ Nú. Lớp học đã diễn ra đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, nay đã gần kết thúc. Dự kiến các học viên sẽ nhận chứng chỉ vào đầu năm 2025.

Chị H'Then, 30 tuổi, làng Mơ Nú, xã Chư Á tham gia lớp học xúc động chia sẻ: "Ngày trước chưa biết chữ ra ngoài làng rất là ngại, xấu hổ, tự ti vì mình không biết chữ nên cảm thấy khó khăn lắm. Đi học biết chữ, biết đọc, biết viết không còn thấy xấu hổ, tự ti khi ra đường”.

Ông Nguyễn Đình Thức, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, cho biết, các lớp xóa mù chữ đã giúp học viên biết đọc, biết viết, biết tính toán và tiếp cận các kiến thức cần thiết về tự nhiên, xã hội để vận dụng vào cuộc sống lao động sản xuất.  

“Phòng giáo dục đã tổ chức các đoàn đi khảo sát từng điểm trường về kết quả học tập các môn Toán, Tiếng Việt gồm các phép tính; nghe trực tiếp học viên đọc, giáo viên đọc cho học sinh chép bài rồi học sinh phát biểu cảm tưởng của mình từ trước và sau khi đi học xong lớp học thì như thế nào. Qua nắm bắt chung thì học viên đạt theo kết quả theo yêu cầu, tâm tư nguyện vọng của họ cũng rất vui vẻ, biết đọc, biết viết để từ đó có điều kiện chăm lo hơn cho đời sống”, ông Nguyễn Đình Thức cho hay.

Đối với khu vực biên giới như huyện Đức Cơ, Gia Lai, giai đoạn 2022 -2025, huyện mở 20 lớp xóa mù chữ với hơn 600 học viên. Tại các lớp học ở vùng biên giới, các thầy cô giáo đã vượt qua nhiều khó khăn để giúp học viên.

Ông Lê Phú Huy, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Cơ cho biết thêm: “Lớp học xóa mù chữ cũng đã đem lại hiệu quả, nhiều tác động tích cực để nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60, tạo cơ hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao dân trí. Phòng đã chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp với người lớn tuổi. Tổ chức xây dựng học liệu, các đồ dùng trực quan gần gũi để phù hợp với điều kiện sản xuất cũng như phát triển kinh tế xã hội của bà con, gắn trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên trong công tác vận động học viên ra lớp của từng thôn làng”.

Đặc biệt, công tác xóa mù chữ còn có sự tham gia tích cực của lực lượng biên phòng Gia Lai. Tại cụm dân cư Suối Khôn, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, nơi có 70 người mù chữ, Đồn Biên phòng Ia Lốp đã tổ chức được 2 lớp học từ giữa năm 2023 đến nay.

Đại úy Nguyễn Văn Luân, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Lốp, cho biết: “Khi tổ chức lớp học, có rất nhiều phụ huynh có con cái cũng tham gia cùng với bố mẹ. Để ổn định lớp học và đạt hiệu quả cao nhất, chúng tôi bố trí khu vực vui chơi để các em tham gia vui chơi, phía bên trong bố mẹ các cháu sẽ tham gia học tập tốt hơn”.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, toàn tỉnh có khoảng 60.000 người mù chữ trong độ tuổi 15-60, chiếm 5,6% dân số, chủ yếu là phụ nữ người dân tộc thiểu số. So với cả nước, Gia Lai có tỷ lệ người mù chữ khá cao. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2025, Gia Lai đã mở 735 lớp xóa mù chữ cho hơn 23.500 người.

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai thông tin, hiện toàn tỉnh có 15/17 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt được mục tiêu giai đoạn 1 về phổ cập giáo dục xóa mù chữ theo Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” của tỉnh.

“Công tác triển khai dạy xóa mù cho bà con đồng bào người dân tộc thiểu số từ lứa tuổi 15 trở lên, trên thực tế chương trình đã mang lại nhiều lợi ích cho bà con. Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục và các địa phương khi thực hiện chương trình dạy xóa mù chữ phải linh hoạt hơn để tạo điều kiện hết sức thuận lợi giúp bà con được đi học đầy đủ và nhiệt tình”, ông Lê Duy Định chia sẻ.

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, giáo viên, sự hỗ trợ từ lực lượng biên phòng, tỉnh Gia Lai đang quyết tâm thực hiện thành công việc xóa mù chữ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, văn hoá của người dân, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong vùng dân tộc thiểu số.

Bài liên quan
Sự chuyển mình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng
Với sự vào cuộc quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt của các cấp, các ngành, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả, giúp cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ
Thủ tướng chỉ đạo, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, song không để chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp