Gia đình, đồng nghiệp xúc động tiễn biệt nhạc sĩ Phó Đức Phương về nơi an nghỉ cuối cùng

Thanh Thanh - Hà Phương - Vũ Toàn/VOV.VN | 24/09/2020, 14:57

Trong buổi lễ tiễn đưa nhạc sĩ Phó Đức Phương về cõi vĩnh hằng, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... đã không kìm được nước mắt.

Trong không khí đau buồn và thương tiếc, lễ viếng nhạc sĩ Phó Đức Phương đã diễn ra vào lúc 11h30 ngày 24/9/2020 (tức ngày 8/8 âm lịch) tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông – Hà Nội. 

Trước lễ viếng chính thức, gia quyến và bạn bè thân thiết của các thành viên trong gia đình nhạc sĩ Phó Đức Phương đã có mặt từ sớm để lo các thủ tục cho lễ tang. Ai cũng không giấu được đau buồn khi mất đi người chồng, người cha, người đồng nghiệp thân thiết.

Phía bên ngoài Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội, từng đoàn người đã xếp hàng đợi đến lượt viếng nhạc sĩ Phó Đức Phương. Trong số đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Nguyễn Cường, Dương Thụ, Đỗ Hồng Quân, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, NSND Trung Đức, NSND Quang Thọ, nhạc sĩ Thanh Phương, Giáng Son, ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương, Ngọc Khuê, Dương Hoàng Yến, Hoàng Tôn... Các nghệ sĩ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... Không khí tang thương bao trùm toàn bộ Nhà tang lễ.  

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh ngày 23/7/1944 ở Hưng Yên. Ông nổi tiếng với nhiều ca khúc ca ngợi non nước Việt. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: "Những cô gái quan họ", "Hồ trên núi", "Một thoáng Tây Hồ", "Nha Trang thu", "Trên đỉnh Phù Vân", "Chảy đi sông ơi", Không thể và có thể", "Về quê"... Ông từng là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Phó Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội.

Hồi tháng 3 năm nay, nhạc sĩ Phó Đức Phương bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tụy. Ông qua đời vào lúc 12h18, ngày 19/9, tại một bệnh viện Quốc tế ở Hà Nội sau một thời gian chống chọi bệnh tật, hưởng thọ 77 tuổi. 

Sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương là sự mất mát lớn với nền âm nhạc nước nhà. Đánh giá về sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban lễ tang chia sẻ nói: “Nếu nói một cách ngắn gọn thì các tác phẩm của anh thấm đẫm dân ca vùng miền, đặc biệt là dân ca đồng bằng Bắc bộ (chèo, tuồng)... Anh cũng là người đam mê sáng tạo cháy bỏng, luôn trăn trở, gắn bó với quê hương, xóm làng, ao cá... Những tác phẩm của ông đều có bóng dáng quê hương trong đó, ngày càng sâu đậm. 

Chính nguồn cảm xúc, khát khao thể hiện tinh thần dân tộc, chính vì thế tính dân tộc, tính nhân văn in đậm trong tác phẩm của ông. Dù ông viết nhiều loại hình, viết nhạc cho phim, nhạc cho sân khấu nhưng lĩnh vực chính vẫn là sáng tác ca khúc. Ông cũng hình thành ra ngôn ngữ âm nhạc dân gian đương đại hiện đại... Không chỉ ham mê tìm tòi, sáng tạo, ông cũng là một trong những nhạc sĩ chăm chút nhất cho các tác phẩm của mình, trực tiếp hướng dẫn ca sĩ hát từng câu từng chữ...".

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn. Phó Trưởng Ban lễ tang, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nghẹn ngào: "Phó Đức Phương là người anh gắn bó với tôi một thời gian rất dài. Anh là người đặt nền móng đầu tiên xây dựng VCPMC và góp công rất lớn để nó phát triển như ngày hôm nay. Nhờ sự quyết liệt của anh, nhiều nhạc sĩ có thể sống được bằng tiền tác quyền, bớt đi gánh nặng cuộc sống để có thể cống hiến cho âm nhạc.

Với nghệ thuật, âm nhạc của Phó Đức Phương mang một màu sắc, ngôn ngữ rất riêng. Chất dân gian đưa vào đương đại rất phù hợp, những bài hát thấm dẫm chất dân tộc, hồn Việt. Không phải ai cũng hát được nhạc của Phó Đức Phương, những câu luyến láy cần kỹ thuật và cung bậc cảm xúc thể hiện không hề đơn giản. Anh cũng viết cho sân khấu, cho tuồng chèo, cho điện ảnh bằng các bản nhạc phim... Trong cuộc rong chơi ở cõi trần này, anh đã để lại những gì thăng hoa nhất cho đất nước, cho âm nhạc Việt Nam ". 

Nhạc sĩ Nguyễn Cường, Dương Thụ cũng có mặt từ sớm với gia đình. Nhạc sĩ Trần Tiến do đang ốm nặng nên không thể có mặt trong giây phút cuối tiễn biệt người bạn thân. Từ đây, một mảnh ghép của "bộ tứ sông Hồng" đã mãi mãi ra đi. 

Trong sổ tang, nhạc sĩ Dương Thụ viết: "Phương thua trong trận chiến cuối cùng nhưng thắng trong trận chiến cả đời để trở thành Phó Đức Phương. Yêu quý bạn vô cùng!". Nhạc sĩ Nguyễn Cường xúc động: "Tớ và Thụ và Trần Tiến đến với Phó Đức Phương đây. Nhớ mãi. Nhớ mãi. Thương lắm. Phương ơi!".

Trên giường bệnh, nhạc sĩ Trần Tiến cũng viết: "Nước rồi cũng bốc hơi, ai rồi cũng phải bay về đâu đó. Ta sinh ra là bước vào con đường đi đến cõi chết. Ở nơi anh đến. Nhớ kiếm vài hòn đá trong rừng yên tĩnh, để nhóm bốn anh em cùng ngồi. Bên ly rượu hồ đào, bên một nàng tiên ít nói. Mình nhâm nhi và lặng lẽ ngắm cái đẹp với một chút lâng lâng. Thế người ta gọi là trời đánh cũng chưa chết. Với tôi, sống hay chết không quan trọng bằng, bạn có hạnh phúc không".

Đúng 12h48, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đọc điếu văn, thuật lại cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, luôn một lòng cống hiến cho nghệ thuật: "Những tháng cuối đời, vợ, các con cùng những người thân trong gia đình ông luôn kề cận sớm hôm, hết lòng thuốc thang chăm sóc. Đồng nghiệp, bạn bè chẳng quản đường xá xa xôi ở khắp mọi miền cũng đến thăm ông với mong muốn ông vững tâm vượt qua bạo bệnh. Chính vì điều đó mà nhạc sĩ Phó Đức Phương đã sống những ngày cuối đời với tất cả niềm tin mãnh liệt, và tin rằng bệnh tật sẽ qua để ông có thể tiếp tục sáng tác, tiếp tục cống hiến cho đời.

Dẫu biết rằng cuộc đời sinh - lão - bệnh - tử. Những gì ông có thể và không thể làm được, ông đã tận hiến cho đời - đúng như câu hát trong bài "Tửu ca" của ông: "... Thôi trút đi gánh nặng đường xa/Ngược xuôi bôn ba nay ta về nhà ta/Đường trần quá hẹp mà lắm vực nhiều khe/Nhà ta mênh mông trăng tràn bốn bề...".

Thay mặt cho gia đình, anh Phó Đức Hoàng - con trai nhạc sĩ Phó Đức Phương - nghẹn ngào nói: "Chúng ta không mong muốn, nhưng vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận rằng nhạc sĩ Phó Đức Phương đã ra đi. Ông đã luôn giữ tinh thần vững vàng lạc quan và bản lĩnh kiên cường trong suốt quá trình chiến đấu với căn bệnh nan y, nhen nhóm ngọn lửa hy vọng cho người thân và bạn bè rằng ông sẽ vượt qua bạo bệnh.

Ngày hôm nay thật buồn. Hãy để những cái ôm, những giọt nước mắt chia sẻ của chúng ta không phải vì tiếc thương cho ông, mà là để tự hào tiễn đưa ông đến miền cực lạc, tiễn đưa một số mệnh đã trọn vẹn một đời công danh, sự nghiệp, cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam". 

Nhà báo Phó Khánh Chi – con gái nhạc sĩ Phó Đức Phương nghẹn ngào chia sẻ: “Bố tôi ra đi nhanh quá, ông còn chưa kịp trăn trối, dặn dò con cái bởi ông không nghĩ mình sẽ ra đi nhanh thế. Sự ra đi của ông khiến gia đình chúng tôi thực sự bàng hoàng, không thể tin được, bởi trước đó ông còn rất phấn khởi, lạc quan và hi vọng sẽ có những tiến triển về sức khỏe. Bố ơi. Con vĩnh biệt bố. Người cha đáng kính con vô cùng tôn thờ ngưỡng mộ vể tài năng, đức độ, sự hiền lành, bao dung, sự mạnh mẽ và bản lĩnh, nghị lực sống! Vĩnh biệt bố! Con yêu bố".

Trên nền nhạc “Cùng một con đò”, gia đình nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng người thân, bạn bè đã đi vòng quanh linh cữu để tiễn biệt nhạc sĩ Phó Đức Phương lần cuối cùng.

Linh cữu của nhạc sĩ Phó Đức Phương được đưa về an táng tại Công viên tưởng niệm Thiên Đức, xã Bảo Thanh – Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ vào chiều cùng ngày./.

Bài liên quan
Quang Lê tri ân, tiễn biệt nghệ sĩ Chí Tài trong chương trình "Tết vạn lộc"
Ca sĩ Quang Lê chọn ca khúc nhiều tâm sự để tri ân, tiễn biệt các nghệ sĩ đã ra đi trong năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Việt Nam kiến tạo kỷ nguyên mới trên 5 trụ cột
VOVLIVE - Theo ông Lại Xuân Môn, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam phát triển trên cơ sở những thành tựu tiên tiến, hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm phát triển mạnh mẽ, đồng bộ của các lĩnh vực, trong đó có 5 trụ cột phát triển chủ yếu.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp