“Tôi không dám mơ mình sẽ được làm cái nghề này.”
Hơn 50 năm gắn bó với làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sỹ ưu tú, phát thanh viên Việt Hùng đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng thính giả yêu Đài. Những lá thư của thính giả bày tỏ lòng yêu mến giọng đọc của ông mỗi ngày một nhiều.
Đã thành thói quen, hàng ngày thính giả bật radio chờ đợi giọng đọc của ông trong những chương trình văn nghệ, đọc truyện đêm khuya. Mỗi câu chuyện, mỗi con chữ là một cách thể hiện tâm trạng khác nhau và chỉ qua giọng nói, ông đã khiến cho thính giả hình dung và trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc trong từng tình tiết truyện.
Tuy đã nghỉ hưu hơn 8 năm, nhưng ông vẫn đến phòng thu đều đặn bởi những chương trình đọc truyện đêm khuya hay chuyện dài văn nghệ khó có thể thiếu được giọng đọc Việt Hùng. Thính giả vẫn chờ đợi ông hằng ngày và đó là động lực để ông say mê với nghề.
Có dịp ngồi trò chuyện với ông, chúng tôi mới hiểu vì sao những câu chuyện được kể qua giọng đọc của ông luôn nhiều cảm xúc như thế. Khi chúng tôi hỏi về tình yêu của khán giả dành cho ông, ông đã không giấu được những giọt nước mắt. Ông chia sẻ trong nghẹn ngào:"Trước tiên tôi xin gửi lời chào đến các thính giả quen thuộc của tôi. Quả thật là tôi rất xúc động, rất ít khi tôi được gặp những người bạn quen thuộc của tôi, các thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam, những người đã đồng hành cùng tôi trong năm sáu mươi năm nay. Có rất nhiều thư gửi về muốn xin tôi một tấm ảnh, nhưng mà cũng do điều kiện khách quan và do tính chất công việc nên tôi cũng không thể nào đáp ứng được."
Nói về cơ duyên vào nghề Nghệ sỹ ưu tú, phát thanh viên Việt Hùng luôn nói rằng nghề phát thanh viên đến với ông một cách thực sự tình cờ. Ông say sưa kể về hành trình đến với nghề. Ngày ấy, thế hệ của ông chỉ học lớp đến lớp 10 là đã thi tốt nghiệp. Ai được vào đại học thì người ấy đi học tiếp, còn nếu không thì ra mặt trận.
Khi ông còn đang học đại học thì phải đi học sơ tán ở trên rừng. Ở trong rừng, ông và những người bạn của mình lúc nào cũng muốn nghe đài để biết là hôm nay thì Mỹ đánh ở đâu và bắn phá miền Bắc như thế nào? Ông nhớ lại:“Tôi rất thích nghe, rất muốn nghe bởi vì đây là những tin rất sát sườn. Hồi ấy, tôi học ở trường Đại học Giao thông, chúng tôi sơ tán trên Hà Bắc. Hằng ngày, hằng đoàn máy bay của Mỹ vào bắn phá miền Bắc, cho nên chúng tôi rất muốn nghe tin tức, mà muốn nghe tin tức thì chỉ có một cái đài Galen hoặc là cao nhất, sang trọng nhất là đài Orionton. Thế rồi đến khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp đại học thì một sự tình cờ có bác Nguyễn Thơ có nói với tôi bây giờ là đài đang cần một giọng phát thanh nam. Tôi không dám mơ mình sẽ được làm cái nghề này. Thế rồi tôi đến để thử tiếng tại 39 Bà Triệu. Hồi ấy tôi nhớ là chị Tuyết Mai đưa tôi đi thử tiếng, xong rồi chị nói được ngay, giọng này chấm luôn. Các bác nói với tôi bây giờ cháu đang đi học, nên học xong thì cháu sẽ xin vào làm.”
Lúc đó nghệ sỹ ưu tú Việt Hùng đang học trường Đại học giao thông Vận tải. Ông hứa ra trường sẽ về Đài làm việc nhưng năm 1969, tốt nghiệp Đại học, NSƯT Việt Hùng lên đường nhập ngũ như bao thanh niên khác. Ông nhớ lại: "Những năm 1970-1973 là những năm mà Nixon đánh miền Bắc lần thứ hai, đó là những năm khốc liệt. Thời gian đó vào Quảng Bình, cứ nghe thấy một cái tin ở trên đài là sướng lắm. Chúng tôi nghe trong hầm, chúng tôi nghe trên đường đi phục vụ công tác vận tải.”
Cứ chia sẻ về những kỷ niệm cũ, ông lại phải dừng lại, không giấu được cảm xúc của mình. Ông xúc động khi nhớ lại ký ức, và cũng là những điều đã tạo nên một Việt Hùng- một giọng đọc “ huyền thoại” của ngày hôm nay:“ Tôi nhớ có người đang nghe đài mà mất vì bom đạn. Thời ấy, cái tiếng nói từ đài phát thanh nó quý lắm. Khi anh em chúng tôi nghe được tin bắn rơi máy bay Mỹ chúng tôi sướng lắm. Rồi cả tin chúng ta vận chuyển được vào trong kia cho đồng bào miền Nam bao nhiêu chúng tôi phải nói là ăn mừng. Để làm tốt cái nghề này thì không chỉ có giọng đọc như ban đầu khi tôi vào thử tiếng đâu mà mình phải tích lũy kiến thức, tri thức. Kiến thức và tri thức ấy phải có thực tế trải nghiệm. Tôi nói thật, tôi rất cảm ơn là các bọ, các mẹ ở Quảng Bình đã nuôi tôi.”
Nếu tôi đọc mà không thể hiện được cái ý đồ của tác giả thì tôi thấy mình thiếu trách nhiệm
Đóng quân ở Quảng Bình 3 năm, đến đầu năm 1973, ông mới chính thức về làm phát thanh viên của Đài TNVN. Những năm tháng trải nghiệm cuộc sống khó khăn, chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh bom đạn đã tạo nên một NSƯT Việt Hùng với một giọng đọc lúc nào cũng như căng tràn cảm xúc trong lồng ngực. Ông xúc động kể lại: "Khi tôi ngồi trước chiếc mi cờ rô này, tôi đọc đến đoạn các cô gái xung phong đang lấp hố bom trên mặt trận. Hoặc chỉ nghe những bài hát ấy tôi đã thấy mình có trách nhiệm làm thế nào, đọc như thế nào đấy để khiến người nghe người ta thấy là người thanh niên xung phong ngoài mặt trận gian khó thế nào, người ta vững vàng tay xẻng tay quốc như thế nào để thông đường, khi mà khẩu hiệu rằng xe chưa qua thì nhà không tiếc."
Trong suốt cuộc đời của mình, có những câu chuyện làm ông nhớ mãi và nó cũng là động lực làm cho ông thấy mình phải có trách nhiệm với cái nghề, với cuộc sống này. Để khi ngồi trước mi cờ rô để truyền tin thì ông muốn mình phải truyền tải được cái tình cảm của mình đến với các đồng chí bộ đội xung phong ngoài mặt trận. “Để cổ vũ, để động viên, để các anh vững tay súng, đạp quân thù dưới bàn chân của mình để mà đi đến chiến thắng,” NSƯT Việt Hùng nói.
“Tôi chỉ xin kể một chuyện thế này để các bạn thấy là cái cuộc chiến tranh của dân tộc ta vĩ đại lắm, mà người dân ở vùng tuyến lửa Quảng Bình người ta đáng quý, đáng trọng lắm. Trên đường vận chuyển, chúng tôi bị hỏng xe vì bị bom đánh. Tất cả những bao đường để đưa vào trong miền Nam cho bộ đội phải hạ xuống để chất vài trong nhà của bà con. Trời ẩm ướt, bà con cứ dùng cái cốc để hứng nước đường chảy xuống rồi lại đổ lên bao đường, bà con không ăn mà cứ đổ lên như vậy để bao đường ấy không suy suyển một chút nào. Tấm lòng ấy không thể ở đâu có, chỉ có người Việt Nam mới có được tấm lòng như thế.” Nói đến đây, NSƯT Việt Hùng đã không giữ được bình tĩnh, nước mắt lăn dài.
Khi ông vào nghề thì Việt Nam chưa có trường nào dạy nghề phát thanh viên. Ông may mắn được học, được chia sẻ kinh nghiệm từ các bậc thầy của “làng phát thanh” thời ấy . “Chúng tôi học các bậc thầy như bác Nguyễn Thơ, bác Việt Khoa, chị Tuyết Mai, Bác Minh Đạo rồi chị Kim Ngôn, chị Kim Túy, chị Việt Hà, những bậc thầy của chúng tôi. Những năm ấy thì tôi cứ lẽo đẽo đi theo để học từng chút một cách chuẩn bị bài vở đọc như thế nào, ngồi trước mi cờ rô ra làm sao rồi lấy hơi tập các bài tập rất đơn giản. Nếu mà gọi tôi là A, B, C thì cũng rất đúng, bởi vì tôi chẳng được được học hành gì nhiều. Tôi chỉ được mỗi có một cái chất giọng trời cho tôi là nó ấm áp, gần gũi, dễ gây cảm tình với người nghe.”
Trong cuộc đời làm nghề của mình, ông lúc nào cũng luôn trăn trở làm thế nào để giọng đọc của mình thể hiện các tác phẩm của các tác giả một cách tốt nhất. Bởi ông nghĩ, để viết được một dòng tin, một bài phóng sự thì những phóng viên đi thực thế viết họ phải tốn nhiều công sức. “Nếu bây giờ tôi đọc không ra gì, tôi đọc mà không thể hiện được cái ý đồ của tác giả thì tôi thấy mình như vậy là thiếu trách nhiệm. Mình không hoàn thành được nhiệm vụ mà bao nhiêu thính giả đang cần tôi. Cho nên tôi xác định ngay từ đầu là dù rằng cái nghề này mình không được học hành đàng hoàng nhưng mình đã được thỏa mãn ý thích của mình từ bé rồi thì mình phải cố gắng làm thế nào phải đạt bằng được”. Nghệ sĩ ưu tú, phát thanh viên Việt Hùng chia sẻ.
Học từ những điều rất nhỏ, cẩn trọng trong từng lời nói. Học từ những năm tháng khó khăn, gian khổ của “ mưa bom, bão đạn” để hôm nay cứ mỗi khi giọng đọc vàng của NSƯT Việt Hùng cất lên khiến bao nhiêu tâm hồn thổn thức.../.