Đường Hồ Chí Minh trên biển: Khát vọng tự do, thống nhất đất nước

Trường Giang/VOV | 07/04/2025, 10:30

Cách đây hơn 60 năm, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang bước vào giai đoạn khó khăn, thử thách ác liệt, giữa muôn trùng sóng dữ đại dương, một con đường huyền thoại đã ra đời - Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Không ồn ào, không bản đồ, không dấu vết, những con tàu không số đã âm thầm rẽ sóng trùng khơi, vượt qua vòng vây của địch, vận chuyển vũ khí, lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ là tuyến vận tải quân sự mà còn là biểu trưng cho lòng quả cảm, ý chí kiên cường và khát vọng tự do, thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Bị mổ bụng mọi gan cũng không khai

Đêm 11/10/1962, tàu vỏ gỗ Phương Đông 1 chở hơn 30 tấn vũ khí đã rời bến Đồ Sơn, Hải Phòng. Sau 9 ngày lênh đênh trên sóng nước, con tàu đã cập bến Vàm Lũng, Cà Mau. Từ đây, con đường Hồ Chí Minh trên biển được khai thông. Tiếp đó, các tàu Phương Đông 2, 3, 4 lần lượt xuất bến, vượt qua các khu vực kiểm soát của địch, cập bến an toàn.

Những con tàu không số cứ âm thầm, lặng lẽ rời bến. Nhưng đó là những chuyến đi đầy khó khăn, gian khổ, phải vượt qua sóng dữ của biển khơi, vượt qua sự phong tỏa ác liệt, vây ráp gắt gao của kẻ thù. Đói khát, lạc bến, say sóng, thả trôi là những chuyện thường nhật trong mỗi chuyến hải trình. Đặc biệt, sau sự kiện Vũng Rô, tháng 2/1965, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển không còn giữ được bí mật, công việc vận chuyển khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Đêm 14/11/1964, cựu chiến binh Hồ Đắc Thạnh, khi đó là thuyền trưởng tàu 41 đã chỉ huy tàu vượt biển chở vũ khí vào Nam. Tàu xuất phát được 3 ngày thì gặp địch. Chúng huy động máy bay, tàu chiến quần lượn, áp sát bao vây. Các khẩu pháo trên tàu địch đã mở tấm bạt che, sẵn sàng nhả đạn. Lúc đó, ông Thạch  và anh em thủy thủ trong tư thế sẵn sàng tăng tốc lao vào tàu địch, chấp nhận hy sinh để bảo vệ tuyến đường.

Nhưng bằng sự bình tĩnh, mưu trí và sáng tạo, cuối cùng tàu 41 đã thoát khỏi sự bao vây của địch. Ông Hồ Đắc Thạch nhớ lại: “Tôi cố gắng ngụy trang cho khéo bằng cách treo cờ ngụy lên và  dùng lưới treo lên làm như đang đi đánh cá, rồi chuẩn bị sẵn cá và mực đưa ra phơi. Mặc dù lúc đấy địch bắn mấy phát súng vượt qua ca bin hăm dọa để xem mình có bộc lộ hành động gì không, nhưng tôi kiên quyết chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trong tàu. Sau hơn một tiếng theo dõi không phát hiện thấy gì nghi ngờ chúng bỏ vào bờ”.

Sau sự kiện Vũng Rô, quân đội Mỹ đã huy động 40% lực lượng của Hạm đội 7 phong tỏa vùng biển Việt Nam. Quân đội ngụy được quân đội Mỹ tăng cường nhiều tàu khu trục, tàu quét mìn, tàu đổ bộ, máy bay trinh sát và các thiết bị thăm dò điện tử để cảnh giới ven bờ. Chúng được lệnh bắn tất cả các tàu có nghi ngờ là xâm nhập từ miền Bắc. Phương châm bắn nhầm hơn bỏ sót đã khiến cho nhiều tàu cá của ngư dân bị bắn cháy.

Trong thời điểm này, mỗi khẩu súng, mỗi viên đạn được đưa vào chiến trường đều thấm đẫm máu xương của đồng bào, chiến sĩ. Cựu chiến binh tàu 69, ông Lê Xuân Khảm nhớ lại tấm gương chiến đấu của chiến sĩ Hoàng Thanh Loan, dù bị địch moi gan mổ bụng vẫn trung thành với lời thề quyết tử: “Anh Loan chiến đấu bị thương, bị địch bắt, địch truy xét nhưng anh không chỉ ra vị trí của con tàu. Địch đã đè ra mổ bụng, moi gan anh. Đến lúc đồng đội quay lại thì thấy anh Loan nằm dang hai chân, hai tay chứng tỏ địch đã đè chân tay anh để mổ bụng. Răng anh nghiến chặt, mắt trợn chừng nhưng kiên quyết bảo vệ bí mật của con tàu”.

Xóa hết tên tàu, số tàu

Suốt thời gian 14 năm, địch dùng trăm phương, ngàn kế để ngăn chặn các đoàn tàu không số. Nhưng các chiến sĩ, thủy thủ tàu không số đã mưu trí, sáng tạo tìm mọi phương thức vận chuyển hiệu quả. Địch phong tỏa biển gần, đường trong, ta đi biển xa, đường ngoài, vượt ra cả vùng biển quốc tế. Các tàu được hoán cải, kết hợp với ngụy trang, nghi binh, trà trộn vào các tàu, thuyền đánh cá của ngư dân, giữ bí mật, bất ngờ để vào bến nhanh, quay vòng tăng chuyến, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Từ chỗ chỉ có tàu gỗ, tải trọng thấp, hoạt động ven bờ đã phát triển thành những đội tàu vỏ sắt, tải trọng lớn, hoạt động xa bờ, dài ngày.

PGS.TS Trịnh Thị Hồng Hạnh, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, để giữ bí mật tuyệt đối thì khi ra khơi làm nhiệm vụ, các tàu phải xóa hết nhãn mác, tên tàu, số tàu vì thế mới gọi đoàn tàu vận chuyển chiến lược trên biển là đoàn tàu không số. Những con tàu khi đến vùng biển nào thì cải trang thành tàu đánh cá hoặc là tàu buôn, đổi tên tàu, mang số tàu phù hợp với vùng miền địa phương đó. Những con tàu được đóng giả giống như tàu đánh cá xa bờ, phần lớn các hồ sơ hải trình, thông tin ngay sau mỗi chuyến đi buộc phải hủy toàn bộ và không để bất kỳ một số liệu, dữ liệu nào có nguy cơ bị lộ. Mỗi tàu không số còn được gắn thuốc nổ bí mật để ở đầu và đuôi tàu. Nếu như không may bị địch phát hiện thì toàn bộ thuốc nổ trang bị trên tàu sẽ được kích nổ, và những người lính luôn chuẩn bị tinh thần quyết hy sinh, chứ không để tàu rơi vào tay địch.

Trong thời gian 14 năm, từ năm 1961 - 1975 đã có hơn 1.800 lượt tàu, thuyền được huy động, vượt quãng đường hơn 4 triệu hải lý, gấp 185 lần vòng quanh trái đất, vận chuyển hơn 150 nghìn tấn vũ khí, trang bị và hơn 80 nghìn cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam. Trong những chuyến hải trình ấy có những lần xuất bến rồi lại phải quay về vì bị địch bám riết, truy đuổi. Có những chuyến phải đánh chìm tàu hoặc bị mắc cạn, bị địch thu mất tàu và vũ khí. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh nhưng không ai lùi bước, không ai sờn lòng.

Tiến sĩ sử học Hoàng Thị Hồng Nga cho rằng, Đường Hồ Chí Minh trên biển gắn liền với những thủy thủ đoàn tàu không số là biểu tượng của khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức sáng tạo Việt Nam. Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Nga nhận định, sau Hiệp định Geneve, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền và âm mưu của đế quốc Mỹ là chia cắt lâu dài đối với Việt Nam. Thế nhưng với nguyện vọng thiêng liêng phải thực hiện kỳ được thống nhất đất nước thì Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua đường lối của cuộc kháng chiến và đường lối đó nó đã trở thành nguồn động lực, biến thành sức mạnh biểu hiện thành những hy sinh, những quyết tâm để thống nhất nước nhà. Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường của sự nối liền Bắc - Nam, là biểu tượng của quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ thống nhất đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa, bến K15, cột mốc số 0 của đường Hồ Chí Minh trên biển nay chỉ còn lại những chân cọc bê tông xói mòn vì thời gian. Nhưng hành trình của các đoàn tàu không số đang được tiếp nối bằng những con tàu hải quân to hơn, lớn hơn và hiện đại hơn. Từ những chuyến tàu không số vượt sóng dữ năm xưa, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam tiếp tục kế truyền, viết tiếp chặng hành trình bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài liên quan
Bộ đội Biên phòng phá hàng chục chuyên án, thu giữ hơn 580kg ma túy các loại
Thời gian qua, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ nước ngoài vào Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim
VOVLIVE - Chiều nay (6/4), theo đề nghị của phía Malaysia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim để trao đổi về tình hình quan hệ song phương và đánh giá về một số vấn đề khu vực, quốc tế mới nổi gần đây.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp