Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: Với thế và lực đã tích lũy sau gần 40 năm đổi mới; sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết, đề ra định hướng chiến lược, đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Những diễn ngôn về “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình” đã khẳng định quan điểm và quyết tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, truyền cảm hứng đến với người dân về một quyết tâm mới trong thời kỳ mới.
Cơ sở nào để bước vào kỷ nguyên mới và sẽ phải đổi mới tư duy và hành động ra sao để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc? Phóng viên VOV phỏng vấn TS Nguyễn Văn Đáng - Khoa quản trị công và chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về nội dung này.
PV: Từ những thành quả của kỷ nguyên đổi mới của Việt Nam, ông nghĩ sao về mục tiêu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, có thể gọi đó là kỷ nguyên đổi mới lần thứ hai?
Ông Nguyễn Văn Đáng: Nói đến kỷ nguyên mới là chúng ta nói đến quãng thời gian cho tương lai, có thể tính bằng đơn vị nhiều thập kỷ. Cụ thể, Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra tầm nhìn lãnh đạo là đến 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao, trong khi đó, hiện tại chúng ta vẫn chỉ là một thành viên của nhóm nước có mức thu nhập trung bình.
Phát biểu gần đây của lãnh đạo nhấn mạnh kỷ nguyên tới, thời gian tới là giai đoạn chúng ta phải vươn mình, đưa đất nước vươn mình, tức là bứt phá vượt qua bẫy thu nhập trung bình để đưa nước ta gia nhập nhóm nước phát triển trên thế giới. Để được công nhận là nước phát triển thì phải nâng GDP bình quân đầu người là vượt 12.500 USD/người/năm. Văn hóa xã hội tối thiểu phải cải thiện được các chỉ số phát triển con người là vượt 0.8, trong khi hiện tại chúng ta chỉ trên 0.7.
Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực của cả dân tộc, đưa đất nước cải thiện hẳn vị thế của quốc gia dân tộc lên một tầm cao mới - đó là vị thế của một nước phát triển trên thế giới.
PV: Trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục khẳng định tư tưởng của Lenin đó là khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết nhiệm vụ thuộc loại khác thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua. Ông nhìn nhận ra sao về nhiệm vụ cấp bách phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là đổi mới tư duy và hành động như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu?
Ông Nguyễn Văn Đáng: Hướng đến tầm nhìn lãnh đạo 2045 làm mục tiêu mới trong một bối cảnh mới, rõ ràng có những phương thức và biện pháp trong quá khứ chúng ta đã thành công nhưng không có nghĩa là nếu áp dụng lại nó sẽ thành công trong bối cảnh hiện nay. Vì thế cho nên nhu cầu về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới rất bức thiết.
Bởi vì, với tư cách là chủ thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và cầm quyền, đặc biệt là vai trò lãnh đạo, tức là dẫn dắt mọi lực lượng xã hội hướng đến dồn nguồn lực, chuyển hóa động lực của cả cộng đồng, xã hội, quốc gia, dân tộc để hướng đến hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo 2045, đòi hỏi Đảng phải có những đổi mới về phương thức lãnh đạo trong thời kỳ mới.
Chẳng hạn như trước đây chúng ta hay quán triệt lãnh đạo thông qua nghị quyết, điều đấy vẫn đúng nhưng trong bối cảnh mới liệu chỉ có nghị quyết thì có đảm bảo sự thành công trong lãnh đạo hay không. Điều đó đặt ra nhu cầu là bên cạnh những phương thức lãnh đạo truyền thống, thông qua nghị quyết, thông qua nêu gương, thông qua kiểm tra, giám sát thì phải có những tư duy mới, cách thức mới, các biện pháp mới chuyển hóa nó thành động lực cho sự phát triển để hiện thực hóa được mục tiêu là quốc gia phát triển vào năm 2045.
PV: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ” là cụm từ mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh. Theo ông, thông điệp này cần phải được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Đáng: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh về nhu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, tức là chúng ta phải tiến hành đổi mới toàn diện, không chỉ phương thức lãnh đạo của Đảng mà cả cấu trúc, mô hình của hệ thống chính trị, hệ thống cơ quan nhà nước, cũng như đổi mới trong việc tư duy, hoạch định và thực thi chính sách.
Những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chính là điểm tựa, là cơ sở để mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị có thể tư duy, xem những vấn đề cần tiếp tục đổi mới trong cơ quan, đơn vị hay trong lĩnh vực của mình là như thế nào, đâu là những điểm nghẽn, đâu là những điểm then chốt mà cần phải có những tư duy vượt ra khỏi những giới hạn để giải quyết được vấn đề đang đối diện, qua đó đóng góp vào tiến trình phát triển chung của đất nước.
Chọn đúng cán bộ thực sự có năng lực, có uy tín với nhân dân
PV: Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách?
Ông Nguyễn Văn Đáng: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh việc đổi mới phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng thì phải tránh và hướng đến là tuyệt đối Đảng không bao biện, làm thay nhưng cũng không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định vai trò của Đảng là vai trò lãnh đạo, còn lại quản lý, hoạch định, thực thi chính sách đó là vai trò, chức năng của Nhà nước.
Đây là vấn đề chúng ta đang đối diện trong thời gian gần đây vì vẫn diễn ra tình trạng một số cá nhân lãnh đạo như Bí thư Tỉnh ủy nhưng vẫn can thiệp vào những việc cụ thể của sở, ban, ngành. Chúng ta đứng trước thời kỳ mới, phải khẳng định lại và làm rõ hơn việc Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo. Vai trò lãnh đạo liên quan đến việc xây dựng các tầm nhìn lãnh đạo, liên quan đến quy tụ, sự ủng hộ, huy động nguồn lực, truyền cảm hứng cho mọi lực lượng trong xã hội. Còn quản lý Nhà nước thì liên quan đến việc hoạch định và thực thi chính sách, giải quyết những vấn đề cụ thể.
Chúng ta đổi mới để Đảng thực hiện đúng vai trò lãnh đạo, không bao biện, không làm thay Nhà nước mà vấn đề là đổi mới để tạo ra hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo quản lý nhưng phải luôn luôn bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng, tức là không được buông lỏng vai trò lãnh đạo.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một quan điểm dám nhìn thẳng vào sự thật và khẳng định việc thường xuyên đổi mới để phát huy những mặt mạnh, khắc phục những hạn chế trong quá trình lãnh đạo. Theo ông, làm sao để tạo đột phá về chất lượng lãnh đạo và hiệu quả cầm quyền?
Ông Nguyễn Văn Đáng: Từ trước đến nay, với đặc thù của cấu trúc quản trị quốc gia ở nước ta luôn quan điểm nhất quán cán bộ là gốc của mọi việc. Bởi vì mọi quy trình, thể chế, chính sách làm ra có tốt như thế nào mà chất lượng cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý yếu kém thì cũng sẽ không thành công được, không vận hành được.
Vì thế cho nên trong đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng, bên cạnh đổi mới về thể chế thì yếu tố con người là yếu tố then chốt nhất.
Hướng đến tương lai, đặc biệt là hướng đến Đại hội XIV sắp tới đặt ra thách thức đó là phải chọn được đúng người thực sự có năng lực, có uy tín với nhân dân, với đất nước. Họ phải là những người cháy bỏng khát vọng quốc gia phát triển để có thể vượt lên trên tư duy hay cách làm việc của một công chức, viên chức bình thường, để thực sự là những nhà lãnh đạo chính trị có vai trò dẫn dắt cả cộng đồng trong việc cùng hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo 2045 tức là đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ 21.
PV: Để đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, Đảng ta tiếp tục kiên định hệ giá trị dẫn dắt tiến trình phát triển, đó là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mục tiêu đã có, vậy thì làm sao để quy tụ và chuyển hóa được năng lượng tinh thần đó thành động lực cho mục tiêu quốc gia phát triển vào năm 2045, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đáng: Chúng ta đã đề ra mục tiêu và tôi tin rằng tuyệt đại đa số người dân Việt Nam sẽ ủng hộ. Đảng cũng đã công khai, cam kết với nhân dân về một cam kết chính trị đó là sẽ nỗ lực, quyết tâm để thay đổi vị thế của đất nước trong hơn hai thập kỷ sắp tới.
Để hiện thực hóa được mục tiêu này đòi hỏi rất nhiều yếu tố, đặc biệt là sự đoàn kết của mọi lực lượng trong xã hội, không chỉ là cán bộ trong hệ thống chính trị mà còn là các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, các nhóm xã hội khác nhau cả trong nước và quốc tế để làm sao chuyển hóa mọi nguồn lực, khả năng vốn có hiện tại của người dân Việt Nam trở thành động lực cho tiến trình phát triển.
Điều đó đòi hỏi nhiều yếu tố, tuy nhiên một trong những yếu tố then chốt nhất chính là vai trò dẫn dắt của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt cũng như lãnh đạo cấp chiến lược, làm sao đó họ phải thực sự là những nhà lãnh đạo chính trị cháy bỏng khát vọng quốc gia phát triển thì họ sẽ truyền cảm hứng đó đến với mọi lực lượng trong xã hội.
Và cũng nhờ sự cháy bỏng khát vọng quốc gia phát triển thì họ sẽ tránh khỏi những toan tính, những vị kỷ cá nhân hoặc của nhóm nào đó, từ đó họ sẽ phấn đấu đóng góp vào tiến trình hiện thực hóa mục tiêu quốc gia phát triển.
Thứ hai, chúng ta cần một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mẫn cán, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và luôn luôn tâm niệm, ý thức làm việc là phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước.
Bên cạnh đó cũng cần nhiều yếu tố khác liên quan đến việc vun đắp sự đoàn kết trong xã hội, làm sao hút được các nguồn lực cho mục tiêu quốc gia phát triển chứ không phải là để các nguồn lực phân tán.
Thứ ba liên quan đến hợp tác quốc tế, chúng ta phải làm sao tiếp tục chủ động và mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ 21.
Tôi cho rằng đây là những định hướng lớn, bên cạnh đó cũng đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực, sự thay đổi theo hướng tích cực của từng cơ quan, đơn vị, thậm chí là từng cá nhân, cán bộ, đảng viên cũng như từng công dân.