Dữ liệu sẽ mở ra không gian phát triển mới cho thành phố thông minh

Vân Anh/VOV.VN | 03/12/2024, 08:12

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Trong đó, để xây dựng thành công thành phố thông minh không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của dữ liệu.

Thiếu cơ chế nguồn lực cho phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam

Thông tin về thực trạng phát triển đô thị thông minh tại các địa phương trên cả nước tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 diễn ra ngày 2-3/12, ông Trần Ngọc Linh, chuyên gia Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, cả nước hiện có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh.

Bên cạnh việc triển khai Đề án ở cấp tỉnh cho các đô thị trong toàn tỉnh, một số địa phương đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển đô thị thông minh ở cấp độ thành phố, thị xã, quận để thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng ở quy mô toàn tỉnh.

Về quy hoạch đô thị thông minh, nhiều địa phương đã bắt đầu tập trung vào xây dựng nền tảng cho quy hoạch thông minh, trước hết xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu đô thị, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý – GIS vào quy hoạch và công tác quản lý thông minh. Hiện có khoảng 43 thành phố, thị xã tại các địa phương đang thực hiện việc này.

Cùng với đó, khoảng 57 địa phương tập trung cung cấp dịch vụ, tiện ích thông minh cho người dân, với chủ yếu là lĩnh vực giao thông, tiếp đó là y tế thông minh, giáo dục thông minh và phát triển các ứng dụng cảnh báo.

Theo ông Trần Ngọc Linh, những khó khăn trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam là: Công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh chưa được đẩy mạnh, thiếu hành lang pháp lý; cơ chế nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh còn thiếu, chưa có hình thức kết nối khối kinh tế tư nhân nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ và chưa đồng bộ; công tác tổ chức thực hiện còn lúng túng...

Từ nghiên cứu của Đại học RMIT về thành phố thông minh bền vững khu vực APAC, Phó Giáo sư Nguyễn Quang Trung, đồng lãnh đạo Trung tâm Thành phố thông minh và bền vững của RMIT Việt Nam cho rằng: “Các thành phố thông minh và bền vững đang chuyển sang giai đoạn phát triển thứ 3, tập trung vào sự tham gia tích cực của xã hội, thay vì chỉ dựa vào Chính phủ hay đơn thuần dựa vào các giải pháp công nghệ. Nhóm nghiên cứu kêu gọi cần xây dựng khung chính sách linh hoạt để tích hợp công nghệ mới, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và phát triển nền quản trị thông minh”.

Học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố như Singapore, Seoul và Sydney, ông Nguyễn Quang Trung cho hay: Đây là các thành phố đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý giao thông, tối ưu hóa năng lượng và dịch vụ công, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy hiệu quả kinh tế.

“Hợp tác khu vực và chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành phố là điều kiện tiên quyết giúp tối ưu hóa nguồn lực và xây dựng nền tảng bền vững. Các sáng kiến cần đảm bảo tính toàn diện, thu hẹp khoảng cách số và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau”, ông Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh.

Xây dựng thành phố thông minh gắn liền với dữ liệu

Còn theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, Hà Nội đang trong quá trình xây dựng chi tiết các nhiệm vụ cụ thể phải triển khai thông qua Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó quan điểm của Đề án bao gồm: Kết hợp tư duy toàn cầu, giải pháp địa phương, hành động Hà Nội; Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động; Phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phát triển thành phố thông minh; Đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị thông minh; Ưu tiên hạ tầng thông tin thông minh; Xây dựng hạ tầng dữ liệu tích hợp, chia sẻ, dùng chung, hạ tầng kết nối đồng bộ; Hội nhập quốc tế, học tập kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh.

Hà Nội sẽ có mục tiêu và tầm nhìn rõ ràng về việc phát triển Thủ đô hài hòa, theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Xanh - Thông minh - Hiện đại” vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mau chóng hoàn thiện các cơ chế chính sách, kết hợp quy hoạch, quy chế và quy chuẩn trong xây dựng thành phố thông minh bền vững. Xây dựng nền tảng chính quyền số minh bạch, hiệu quả và nền tảng hạ tầng thông tin đô thị thông minh. Đi cùng với đó là tăng cường đào tạo và tuyển dụng đủ nhân lực cần thiết, chất lượng cao.

“Quá trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội sẽ ưu tiên các vấn đề như Giao thông đô thị, Bảo tồn và phát triển di sản, văn hoá, du lịch và Bảo vệ môi trường nước, không khí. Để giải quyết được các ưu tiên này, Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” sẽ đề ra các giải pháp trọng tâm cho từng ngành, từng lĩnh vực”, ông Nguyễn Việt Hùng nêu rõ.

Nói về chiến lược dữ liệu thành phố đến năm 2030, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội khẳng định, dữ liệu sẽ mở ra không gian phát triển mới cho Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời trở thành nguồn lực cốt lõi để thúc đẩy Hà Nội phát triển thành đô thị thông minh, hiện đại, vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Dữ liệu là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của thành phố. Không chỉ vậy, dữ liệu còn là nền tảng đảm bảo mục tiêu xây dựng Hà Nội thành một thành phố thông minh, tiên tiến, thành phố kết nối toàn cầu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường quản lý và thúc đẩy sự thịnh vượng cho Thủ đô trong dài hạn”, ông Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Do đó Hà Nội đã có những quan điểm rất rõ ràng và cụ thể về dữ liệu như: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; Xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp thông qua dữ liệu; Bảo mật và quyền riêng tư là ưu tiên hàng đầu; Đảm bảo tính liên thông và tương thích giữa các hệ thống dữ liệu; Minh bạch và trách nhiệm giải trình; Thống nhất, đồng bộ từ quy hoạch chung, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến áp dụng các quy hoạch, quy chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về dữ liệu.

Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiện đại, an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu quản lý đô thị thông minh, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo hướng bền vững. Hướng đến việc tối ưu hóa quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu, tăng cường hiệu quả của dịch vụ công và nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho Hà Nội trở thành một thành phố tiên phong về chuyển đổi số và phát triển bền vững trong nước và khu vực, ông Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

Từ nay đến 2030, với dữ liệu, Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển: Hạ tầng dữ liệu không gian đô thị thông minh; Triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch – kiến trúc – phát triển đô thị trên địa bàn thành phố; Cơ sở dữ liệu định danh – dữ liệu chủ các ngành lĩnh vực; Hồ dữ liệu thành phố Hà Nội; Phát triển cơ sở dữ liệu và mở dữ liệu; Triển khai dữ liệu giao thông và hệ thống phân tích giao thông thông minh; Hệ thống phân tích dữ liệu để dự báo biến đổi dân số và lao động; Kho dữ liệu và nền tảng phân tích an ninh, trật tự; Phát triển cơ sở dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Hệ thống giám sát và cảnh báo thiên tai, phòng chống dịch bệnh...

Bài liên quan
Bắt Mr Pips Phó Đức Nam: Thu giữ thêm "siêu xe", 18 căn chung cư, biệt thự
Theo Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, khối tài sản thu giữ trong vụ án Mr Pips và đồng phạm đã lên đến hơn 5.300 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Chính phủ và Quốc hội hãy cùng nhau sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống"
Ngày 25/12, Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV diễn ra tại trụ sở Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp