Dự kiến giới hạn mức điểm cộng các chứng chỉ ngoại ngữ

Khánh Huyền | 27/11/2024, 22:10

VOVLIVE - Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, các trường đại học cần quy định lại việc cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ và điểm cộng ưu tiên, tạo công bằng cho thí sinh.

Trong dự thảo quy chế tuyển sinh sửa đổi, Bộ GD&ĐT yêu cầu điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn phải được quy đổi về một thang điểm chung, thống nhất với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, có hai cách để tiến hành xét tuyển chương trình, ngành hoặc nhóm ngành đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển.

Cách thứ nhất là phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển, thậm chí cho từng tổ hợp môn xét tuyển, từ đó áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu.

Quan điểm của bạn về dự kiến giới hạn mức điểm cộng các chứng chỉ ngoại ngữ, điểm ưu tiên?

Cách thứ hai là quy đổi điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn về một thang điểm chung, thống nhất đối với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Trên cơ sở đó xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu.

Dự kiến siết cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ. (Ảnh minh hoạ)
Dự kiến siết cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ. (Ảnh minh hoạ)

Bà Thủy cho hay, trong những năm vừa qua, hầu hết cơ sở đào tạo lựa chọn cách thứ nhất, chủ yếu vì muốn thực hiện xét tuyển sớm để chủ động hoàn thành kế hoạch tuyển sinh

Tuy nhiên, vấn đề là khó có cơ sở khoa học hay thực tiễn cho việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức hay tổ hợp xét tuyển của một ngành đào tạo, dẫn tới xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển.

"Do vậy, dự thảo sửa đổi quy chế lần này quy định cơ bản thống nhất áp dụng cách thứ hai, trừ trường hợp xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm các thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội", bà Thủy cho biết.

Khi quy đổi, các trường phải bảo đảm cơ hội để mọi thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa của thang điểm chung, đồng thời không ai vượt mức tối đa này. Các trường đại học sẽ phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ và các điểm cộng ưu tiên khác, qua đó hạn chế việc lạm dụng gây bất công bằng giữa các thí sinh có điều kiện đầu tư cho học tập khác nhau.

Với việc các phương thức, tổ hợp đều quy về một thang điểm, theo bà Thủy, tác động lớn nhất của quy định mới này là việc xét tuyển sớm của các trường sẽ tự động bị hạn chế.

Do vậy, dự thảo sửa đổi cũng đã hướng dẫn xác định chỉ tiêu xét tuyển sớm phải bảo đảm điểm trúng tuyển (quy đổi tương đương) của các phương thức xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

Khi đó, tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển một cách công bằng dựa trên thang điểm chung và điểm chuẩn trúng tuyển chung, cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên và chất lượng đầu vào của các trường cũng tăng theo.

Các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động cạnh tranh tuyển được những thí sinh giỏi nhất, đồng thời các em có năng lực tốt nhất cũng vẫn có cơ hội trúng tuyển sớm để chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, khi việc xét tuyển sớm bị hạn chế, một số vấn đề bất cập khác cũng sẽ được khắc phục. Có thể kể đến như việc các trường phải dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho công việc xét tuyển sớm (mà lợi ích mang lại thực sự chỉ là tâm lý chủ động và yên tâm hơn khi có những kết quả sớm).

Ngoài ra, nhiều học sinh lớp 12 lơ là học tập khi đã biết kết quả trúng tuyển (không chỉ ảnh hưởng tới kết quả học tập bản thân mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới việc dạy và học trong lớp, trong trường).

Trước lo ngại những thay đổi đột ngột trong quy chế tuyển sinh có thể khiến học sinh và các trường bị động, bà Thủy cho rằng các điểm sửa đổi của quy chế đều nhằm khắc phục những điểm còn tồn tại trước đây, và ngày càng gia tăng sự công bằng cho các thí sinh khi tham gia xét tuyển.

Điều này không ảnh hưởng tới việc học tập của các thí sinh, bởi các em chỉ cần vẫn tiếp tục trau dồi học lực, năng lực cá nhân theo những phương thức mà các em đã và đang chuẩn bị.

Với các trường, việc đối sánh các phương thức tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển và xây dựng công thức quy đổi tương đương điểm xét cũng là cơ hội để rà soát, điều chỉnh các phương thức, tổ hợp môn sao cho phù hợp nhất đối với từng ngành, nhóm ngành đào tạo.

"Các trường sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức khi tập trung vào đợt xét tuyển chung công bằng, bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho mọi người", theo bà Thủy.

Khánh Huyền
Bài liên quan
Nhiều trường trở tay không kịp, lo vỡ trận xét tuyển khi Bộ GD&ĐT cấm thi lớp 6
VOVLIVE - Nhiều trường tư thục, chất lượng cao ở Hà Nội lo nếu không được tổ chức thi tuyển vào lớp 6, chỉ thông qua xét hồ sơ học bạ dễ nảy sinh tiêu cực, không công bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ
Thủ tướng chỉ đạo, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, song không để chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp