Đồng minh số 1 của Mỹ trắng tay sau cuộc gặp với ông Trump?

10/04/2025, 21:01

VOVLIVE - Nếu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang tìm kiếm một chiến thắng chính trị trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump thì có lẽ nhà lãnh đạo Tel Aviv đã rời phòng Bầu dục với hai bàn tay trắng.

Mỹ “đổi giọng” với Israel?

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 7/4 vừa qua được cho là nhằm thảo luận về mức thuế mới 17% mà Nhà Trắng vừa áp đặt lên hàng hóa Israel vào tuần trước.

Tại phòng Bầu dục, Thủ tướng Israel Netanyahu cam kết sẽ nhanh chóng dỡ bỏ các rào cản thương mại và thu hẹp thâm hụt tài chính. Trước đó 1 ngày, Tel Aviv đã thể hiện thiện chí của mình bằng cách hạ thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng từ Mỹ xuống mức 0%.

Tuy vậy, những động thái này dường như không mảy may lay chuyển được ông chủ Nhà Trắng. Dù khẳng định Israel sẽ nhận được 4 tỷ USD viện trợ hằng năm từ Mỹ, ông Trump vẫn từ chối cam kết điều chỉnh chính sách thuế của mình. Khi được hỏi liệu Washington có xem xét giảm thuế cho Israel hay không, ông Trump chỉ đáp gọn: “Có thể không”.

Trong suốt nhiều năm, đặc biệt là trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, ông Netanyahu dường như đã quen với việc nhận được những "món quà" chính trị từ Nhà Trắng: dời Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, công nhận chủ quyền Israel đối với Cao nguyên Golan, thúc đẩy các thỏa thuận bình thường hóa với hai quốc gia vùng Vịnh. Nhưng lần này, không có lời hứa nào được đưa ra và cũng không có phép màu nào xuất hiện sau cuộc gặp ở Nhà Trắng.

Có lẽ thất bại lớn nhất của ông Netanyahu tại phòng Bầu dục là về vấn đề Iran. Trước cuộc gặp, truyền thông Israel đã đưa ra nhiều dự đoán về khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ lên kế hoạch cho một chiến dịch quân sự nhằm vào Tehran. Trang nhất của tờ Yedioth Ahronoth giật tít “Iran trước hết” (Iran First), nhấn mạnh rằng nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ phải hứng chịu một “đòn trừng phạt nghiêm trọng” trong tương lai không xa. Việc Mỹ triển khai ít nhất 6 máy bay ném bom tàng hình B-2 tới Ấn Độ Dương cùng một tàu sân bay tới Trung Đông chỉ càng củng cố đồn đoán ấy.

Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Ông Trump tuyên bố rằng Mỹ và Iran chuẩn bị bước vào vòng đàm phán mới nhằm hướng tới một thỏa thuận hạt nhân. Dù Thủ tướng Israel đã lường trước về khả năng này, việc ông Trump bất ngờ công khai thời điểm khởi động đàm phán – dự kiến bắt đầu ngay ngày 12/4, dường như vẫn khiến ông Netanyahu không kịp trở tay.

Hai nguồn tin nói với CNN rằng thông báo này “chắc chắn không nằm trong kịch bản mà Israel mong muốn”. Không rõ ông Netanyahu có được báo trước hay tham vấn trước về tình huống này hay không nhưng rõ ràng nhà lãnh đạo Tel Aviv bị đặt vào thế bị động.

Trước khi rời Mỹ, ông Netanyahu nhấn mạnh rằng mục tiêu chung của hai bên là ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Israel nói điều đó có thể đạt được qua đàm phán nhưng phải tuân theo “mô hình Libya”, ám chỉ thỏa thuận năm 2003 trong đó Tripoli chấp nhận dỡ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân của mình. Đồng thời, ông Netanyahu khẳng định đã thảo luận với ông Trump về “một phương án quân sự” nhằm chuẩn bị cho kịch bản Iran trì hoãn đối thoại.

“Nếu ông Trump bắt đầu đàm phán mà không có sự đồng thuận của chúng tôi, thì ông ấy chỉ đại diện cho lợi ích của Mỹ”, nhà nghiên cứu Ronni Shaked từ Viện Truman nhận định.

“Nếu được báo trước, Netanyahu có thể đã đóng góp “một số sáng kiến, thông tin tình báo hoặc lập luận mới. Nhưng lần này, ông chẳng có gì. Hoàn toàn trắng tay”, ông Shaked nhấn mạnh.

Những cú sốc liên tiếp với Israel

Ngay giữa cuộc gặp, Israel tiếp tục nhận thêm một cú sốc khác khi ông Trump bất ngờ ca ngợi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan – một trong những tiếng nói chỉ trích Israel gay gắt nhất kể từ khi xung đột ở Gaza bùng phát. Chỉ vài tháng trước, ông Erdogan từng công khai cầu Chúa "trừng phạt" nhà lãnh đaih Netanyahu, thậm chí tuyên bố: "Chúng ta sẽ gửi kẻ tên Netanyahu đến với Allah."

Trong sự ngỡ ngàng của Israel, ông Trump nói: “Tôi có mối quan hệ tuyệt vời với ông Erdogan. Ông ấy là một người cứng rắn và rất thông minh”, khẳng định rằng Mỹ có thể hòa giải bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Ông Alon Liel, cựu Đại sứ Israel tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định: “Đó chỉ là một phần rất nhỏ của cuộc họp báo nhưng lại rất có ý nghĩa chính trị rất lớn đối với mối quan hệ giữa Israel và Mỹ”.

Ông Trump cuối cùng cũng quyết định trao cho ông Netanyahu một chút hi vọng khi xác nhận rằng hai bên đang phối hợp tìm kiếm giải pháp đưa con tin Israel trở về từ Gaza, đồng thời tuyên bố sẽ sớm chấm dứt xung đột ở dải đất này "trong một tương lai không xa”. Tuy vậy, giới quan sát nhận định rằng, tiến trình đạt được một lệnh ngừng bắn không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh nội bộ chính quyền Israel vẫn còn nhiều mâu thuẫn.

“Ông Netanyahu sẽ trở về nhà với hai bàn tay trắng”, ông Shaked nhận định về chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Israel Netanyahu.

Bài liên quan
Trung Quốc tuyên bố không sợ mối đe dọa thuế quan của Mỹ
VOVLIVE - Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không quan tâm đến cuộc chiến thuế quan, nhưng sẽ không sợ nếu Mỹ tiếp tục các mối đe dọa.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hội nghị Trung ương 11: Thời điểm lịch sử - quyết sách đột phá
VOVLIVE - Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 sẽ thảo luận hàng loạt chủ trương lớn mang tính đột phá, bởi như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp