Tuy chỉ dài có vài trăm mét, nhưng nơi đây nổi tiếng với đủ loại cửa hàng bán thực phẩm và đồ ăn chế biến sẵn. Trải qua biến thiên thời gian, nơi đây còn lưu giữ nét gì xưa cũ?
Bên dòng thời gian
Với người dân thủ đô, chợ Hàng Bè từ lâu đã trở thành một điểm đến quen thuộc, một không gian văn hóa rất riêng của người Hà Nội. Xét về một khía cạnh nào đó, nơi đây cũng phản ánh một phần cuộc sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống truyền thống của người dân phố cổ.
Ở Hà Nội có lẽ hiếm có khu chợ nào mà phố phải nhường đường cho chợ như chợ Hàng Bè. Và dù đã di chuyển sang một vị trí khác nhưng nhiều người dân trước đây từng đi chợ Hàng Bè vẫn giữ thói quen lên đây đi chợ, dù có xa hơn mọi ngày.
Chia sẻ của bà Liên – sinh sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: "Chợ này là khu chợ thân quen của tôi mấy chục năm nay rồi. Lên chợ Hàng Bè thì tất cả đồ đều đầy đủ hết và rất ngon, giá cả cũng hợp lý. Thế cho nên muốn đi chợ nào nhưng về chợ này tôi vẫn yên tâm hơn. Ở đây thường là ngày tết ngày rằm chúng tôi có thói quen đi chợ ở đây, mua cá hay hàng nào quen ngon thì cứ việc vào mua thôi. Giống như hôm nay lên đây mua trứng, mua cà".
Đó là một ngôi chợ nhà giàu giữa lòng phố cổ. Gọi là chợ nhà giàu là bởi giá cả ở đây luôn đắt hơn các chợ khác trong phố. Thế nhưng “đắt xắt ra miếng”. Thực phẩm và đồ ăn thức uống ở đây toàn những thứ hảo hạng rất khó tìm ngay cả ở chợ Đồng Xuân hay chợ Hôm gần đấy...
Và đến dưa cà muối đúng điệu người Hà Nội, cũng đã được truyền nghề qua ba đời như tâm sự của bà Kim Anh – chủ tiệm dưa cà chợ Hàng Bè: "Tôi sinh ra lớn lên ở khu phố này. Trước đây bà nội tôi bán dưa cà, bà mất thì đến bố mẹ. Bây giờ bố mẹ già rồi thì tôi ra thay. Tôi bán thay ông bà được 10 năm nay rồi. Gia đình tôi nội ngoại đều ở đây nên tôi rất trân trọng khu phố tôi ở. Sau đấy nghề này là nghề ông bà để lại nên tôi không muốn mai một. Nhiều người đi xa khỏi khu phố lâu rồi nhưng hàng ngày họ vẫn đi qua đây mua dưa cà của nhà tôi. Nhất là dịp tết, thì khắp mọi nơi về đây mua, nhất là hành là 1, dưa cây là 2. Những cái đấy cổ truyền từ thời xa xưa và đến giờ họ vẫn ăn theo nếp đó".
Chợ Hàng Bè cũng gần như là nơi duy nhất bán những thực phẩm cao cấp. Ngày trước luôn có hàng cá lăng xắt khúc thậm chí nướng sơ qua lửa rồi. Hàng ba ba luôn có sẵn ba ba sông hoang dã. Cá quả, cá chép loại lớn nhất còn bơi trong chậu.
Và nói đến chợ Hàng Bè không thể không kể đến những món ăn chế biến sẵn. Nếu như chưa thạo hàng ngon thì chỉ cần hỏi bất kì thị dân nào sống ở đây – họ sẵn sàng làm “hướng dẫn viên du lịch ẩm thực” như tôi đang được trải nghiệm.
Người ta vẫn thường nói với nhau rằng đến với chợ Hàng Bè thì gái vụng cũng có thể trở thành gái đảm. Quả thật, dạo quanh một vòng chợ Hàng Bè quý vị sẽ có một mâm cơm chuẩn vị của người Hà Nội.
Và cùng với mắm tép chưng thịt, thịt kho tàu, cá kho đã trở thành thương hiệu mà chỉ lên chợ Hàng bè mới tìm được hương vị đúng điệu. Bí quyết cho miếng cá kho thơm ngon đậm vị được chị Cẩm Huyền – người bán cá kho lâu năm tại chợ Hàng Bè bật mí: "Cô kho được 5 năm nay rồi. Đây là món ăn gia đình truyền thống từ xưa. Ngày xưa ở nhà hay kho cá để ăn, tết thì kho đi biếu bác. Nhà mình thứ nhất đầu vào là cá tươi và to, cá từ 5kg trở lên, một nồi gang to kho được 5 con. Cá kho nhà mình chỉ dùng kho bằng giềng, muối, nước mắm, mì chính, đường và nước hàng tự chưng lấy.
Cái quan trọng khi kho là phải căn được lửa, cá nhà mình là hai lửa. lửa đầu tiên là 12 tiếng, ngày sau là 2 tiếng đun lại để bán. Khi đun lại có độ keo của cá, và nó cạn đi. Lúc đun lại cá thì mình chăm rưới lên thì màu cá đẹp và con cá sẽ ngấm đều gia vị.
Để bảo quản cá này thì mình không dùng chất bảo quản nên chỉ để ngăn mát 2-3 ngày, để ngăn đông thì được 15 ngày. Thực ra mình nghĩ cá kho này ai cũng có thể làm được. Mình cũng kho như cho nhà ăn, quan trọng là cái tâm để vào món ăn".
Nhiều người tìm đến chợ không chỉ vì món ăn ngon, mà còn là “cuộc du hành ngắn” để tìm về ký ức tuổi thơ: "Với tôi thì tôi rất thích món ăn ở phố cổ. Tôi cảm thấy nó có đặc trưng riêng, vừa bối cảnh hoài cổ, hương vị độc lạ. món thích nhất của tôi có lẽ là món cá kho. Cái vị rất đặc trưng, gịa vị rất vừa miệng. Theo tôi biết thì phải ninh nhừ cá và khi ăn thì cá và xương có thể tách ra được nhau. Lần này tôi ra Hà Nội thì chúng tôi thích nhất là món cá trắm kho và xôi khúc. Ai cũng nói là đến Hà Nội nhớ mua cá trắm kho mang về và ngày hôm qua chúng tôi ăn thử rất ngon và hôm nay quay lại mua thêm. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và năm 1975 thì tôi vào Sài Gòn sống. Nhưng sau đó thì cũng ra Hà Nội thăm lại. Hà Nội thay đổi khá nhiều, nhưng chỗ ở cũ chẳng có gì thay đổi cả. Ra Hà Nội thì nhiều cảm xúc ùa về, mình nhớ lại tuổi thơ".
Chợ Hàng Bè bây giờ cũng khác, khi chợ gốc đã chuyển đến phố Vọng Hà. Điều này, chắc cũng không phải người Hà Nội nào cũng biết. Nhưng, khu phố từ Gia Ngư sang Cầu Gỗ vẫn được họp chợ, vẫn giữ khá nhiều nét xưa, với những món đồ đặc sắc mang phong vị và dấu ấn không thể lẫn của người Hà Nội. Người dân ở đây và chính tôi, theo thói quen, vẫn gọi là "chợ Hàng Bè".
Và tôi, một người Hà Nội gốc "trên giấy tờ", mỗi lần đi qua chợ Hàng Bè của tôi ngày xưa, những ký ức lại ùa về. Bởi, nơi đó từng có những kỷ niệm chẳng bao giờ xuất hiện lần thứ hai trong cuộc đời…
Sống ở Hà Nội
Từ lâu, còi xe được hầu hết các chủ phương tiện tham gia giao thông sử dụng nhằm hỗ trợ cho việc cảnh báo người đi đường trong những trường hợp khẩn cấp. Việc sử dụng còi xe được nhiều người đánh giá là rất cần thiết.
Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực ấy, không ít người lại đang có thói quen "bấm còi vì quen tay". Tản mạn còi xe trên phố - là nhan đề bài viết của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.
Ở một số vùng quê xa xôi, những nơi mà hầu hết người lớn vì mưu sinh phải rời quê đi làm ăn xa thì còi xe máy là tín hiệu vui. Nhưng ở Hà Nội, còi ô tô, xe máy đúng là thảm họa đô thị.
Cuối năm 2023, toàn thành phố có hơn 8 triệu phương tiện giao thông đăng ký biển số Hà Nội, trong đó có 1,1 triệu ô tô và gần 7 triệu xe máy. Thực tế lớn hơn nhiều vì không thống kê được.
Đó là số xe máy của sinh viên, người các tỉnh về Hà Nội học tập, sinh sống và làm việc. Việc có quá nhiều phương tiện giao thông cá nhân lại chỉ lưu hành chủ yếu ở khu vực nội đô đã dẫn đến ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn.
Mỗi xe có một cái còi và không ít trong số đó người điều khiển có ý thức song từ sáng sớm cho đến đêm hôm khuya khoắt, trừ những người khiếm thính, ai cũng có thể nghe tiếng còi, nhất là còi xe máy. Tiếng còi trong ngách chật trội, trong ngõ hẹp ngoằn ngoèo, trên các tuyến đường lớn lưu thông một chiều.
Trong thực trạng hạ tầng không đáp ứng được lưu lượng xe quá lớn lại đa dạng các phương tiện chung đường và việc thể hiện luật trên đường nhiều tuyến thiếu rõ ràng đã gây ra tình trạng hỗn loạn. Lại thêm ý thức kém, người đi bộ sang đường tùy tiện, xe máy mạnh ai nấy đi, tranh nhau từng nửa bánh xe nên việc dùng còi rất phổ biến.
Và trong cái phổ biến có sự bừa bãi, vô lý. Nếu các phương tiện cùng chiều, xe đi sau bấm còi báo hiệu sẽ vượt, xin vượt còn có thể chấp nhận nhưng ở tuyến lưu thông hai chiều, người điều khiển phương tiện nhìn rõ nhau song không ít người vẫn bóp còi inh ỏi.
Hành vi này có thể nhìn ở hai khía cạnh, một là lo sợ người ta đâm vào mình, hai là thể hiện tính cách tinh vi, tinh tướng. Tại ngã ba, ngã tư có đèn tín hiệu giao thông và các phương tiện phải dừng khi có đèn đỏ song phía sau vẫn có xe bấm còi là vô văn hóa, gây ức chế.
Cách đây gần 10 năm, Công ty Ô tô Ford Việt Nam và Kênh VOV giao thông đã phối hợp thực hiện chương trình “Ngày thứ 6 không còi”. Thông qua tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, các cuộc thi vẽ có tính nghệ thuật với mục đích từng bước thay đổi hành vi sử dụng còi xe. Dự án kéo dài trong hai năm nhưng kết quả không cao vì “ngày thứ 6” đường phố vẫn inh ỏi. Thói quen sử dụng còi thiếu ý thức có nguyên nhân là do luật qui định chung chung, thiếu chi tiết.
Theo khoản 12 điều 8 Luật giao thông Đường bộ năm 2008 qui định cấm “bấm còi, rú ga liên tục”, tức là chỉ bấm còi liên tục mới vi phạm và bị xử phạt còn sử dụng còi bừa bãi, vô văn hóa lại không được qui định trong luật. Mức xử phạt cũng rất thấp không đủ sức răn đe và thực tế hầu như chưa thấy ai bị phạt vì bấm còi liên tục.
Để hạn chế bấm còi, điều 21 Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 qui định, chỉ được sử dụng còi xe trong 2 trường hợp, một là báo hiệu cho người tham gia giao thông khi xuất hiện tình trạng mất an toàn và hai là báo hiệu chuẩn bị vượt xe.
Đồng thời cấm không sử dụng còi xe từ 22h đến 5h ở khu dân cư, khu vực khám chữa bệnh. Hy vọng luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đi vào cuộc sống sẽ giảm bớt thứ còi vô lý, vô văn hóa, tránh gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Tin yêu
Ngày 17/10, nhân dịp kỷ niệm chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), quận Long Biên đã tổ chức Lễ khánh thành và gắn biển công trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật đình Quán Tình, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam thu đông 2024 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13 đến 16/11 sẽ tiếp tục mở ra những góc nhìn, đánh dấu sự chuyển mình của thời trang trong thập niên mới với chủ đề #FashionEvolution - Những bước tiến mới trong thời trang.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 sẽ có hơn 100 hoạt động, chính thức được khai mạc vào ngày 9/11. Hiện, các đơn vị và nhân sự trong ngành công nghiệp sáng tạo đang bước vào giai đoạn gấp rút triển khai hiện thực hóa các ý tưởng, hoàn thiện các tác phẩm, hoạt động. Chủ đề của Lễ hội năm nay là “Giao lộ sáng tạo”, khuyến khích mỗi người nhìn nhận lại cái tôi sáng tạo của bản thân trong hành trình sống.