Dự thảo Thông tư gồm 3 chương, 14 điều và 11 biểu mẫu, quy định về các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh gồm: Nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển chất ma túy, tiền chất; nhập khẩu, lấy mẫu, bảo quản, phân phối, sử dụng, xử lý mẫu chất ma túy; thẩm quyền cấp phép, đơn vị tiến hành các hoạt động các hoạt động này; hồ sơ, sổ sách quản lý và các biểu mẫu sử dụng trong các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Dự thảo Thông tư quy định áp dụng đối với cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc CAND, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và hải quan; lực lượng kỹ thuật hình sự CAND; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Nội dung đáng chú ý của dự thảo Thông tư là quy định về cơ quan cấp phép và đơn vị được tiến hành hoạt động nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Cụ thể:
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp giấy phép và chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công an theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, vận chuyển chất ma tuý, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an có trách nhiệm thông báo nội dung cho phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất bằng văn bản gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý ngay sau khi nhiệm vụ nghiên cứu được phê duyệt.
Viện Khoa học hình sự là đơn vị duy nhất được phép nhập khẩu, xuất khẩu chất ma tuý, tiền chất; nhập khẩu mẫu chất ma tuý và sản xuất chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Các đơn vị được phép vận chuyển chất ma tuý, tiền chất và mẫu chất ma túy gồm: Đơn vị chức năng thuộc Viện Khoa học hình sự Bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh; Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng; các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và các cơ sở đào tạo người làm công tác phòng, chống ma túy, huấn luyện động vật nghiệp vụ chuyên khoa phát hiện ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam (Bộ Quốc phòng) và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); các cơ sở đào tạo người làm công tác phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an; đơn vị hướng dẫn huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động Bộ Công an.
Các đơn vị được quản lý, sử dụng mẫu chất ma túy bao gồm:
Đơn vị chức năng thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh được nhận mẫu, quản lý và sử dụng mẫu chất ma túy từ Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an để giám định, huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy và truy nguyên nguồn gốc ma túy;
Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng CAND, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam và Hải quan và các cơ sở đào tạo người làm công tác phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) được nhận mẫu, quản lý và sử dụng mẫu chất ma túy từ Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy;
Các đơn vị huấn luyện động vật nghiệp vụ để phát hiện ma túy thuộc Bộ Công an (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động), Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) được nhận mẫu, quản lý và sử dụng mẫu chất ma túy từ Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an để huấn luyện động vật nghiệp vụ...
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến góp ý trong thời gian 60 ngày kể từ ngày 28/10/2024.