Đề nghị bỏ quy định trường học thu tiền bảo hiểm y tế cho học sinh

Vân Anh/VOV.VN | 31/10/2024, 19:24

VOVLIVE - Đại biểu Quốc hội cho rằng, để các thầy, cô giáo chuyên tâm cho việc dạy học, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định trường học thu tiền bảo hiểm y tế (BHYT) cho học sinh.

Chiều nay (31/10), Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Trả đúng vị trí cho giáo viên chuyên tâm việc dạy học

Theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, đoàn Đắk Nông, để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các luật khác có liên quan; đồng thời khắc phục các tồn tại, hạn chế mang tính cấp bách của luật hiện hành, việc trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để Quốc hội cho ý kiến thông qua theo quy trình một kỳ họp là cần thiết.

Góp ý vào nội dung cụ thể của Dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng nêu, để các thầy giáo, cô giáo chuyên tâm cho việc dạy học, trả đúng vị trí cho thầy cô để dành thời gian, tâm huyết cho nghề cao quý, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi điều 7b về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của Luật BHYT hiện hành và các quy định có liên quan, theo hướng bỏ quy định việc nhà trường thu tiền để thực hiện thủ tục để mua BHYT cho học sinh.

“Thay vào đó, trách nhiệm này được giao cho chính quyền địa phương, cơ quan bảo hiểm. Nhà trường chỉ có trách nhiệm cung cấp danh sách học sinh cho cơ quan bảo hiểm và thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh trong việc mua BHYT”, đại biểu đoàn Đắk Nông nêu ý kiến.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn Bến Tre cho rằng, nếu để đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT cùng hộ gia đình sẽ giúp tiết kiệm hơn cho người dân rất nhiều, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Theo quy định của luật hiện hành, đối tượng này nhà nước chỉ hỗ trợ 30% mức đóng; còn đối với đối tượng đóng theo hộ gia đình, người thứ hai chỉ đóng 70%, người thứ ba chỉ đóng 60%, người thứ tư đóng 50% và người thứ năm trở đi đóng 40%. Trong khi quy định hiện nay, đối tượng học sinh, sinh viên chỉ được tham gia theo đơn vị nhà trường mà không được tham gia theo hộ gia đình.

Các kiến nghị này cũng đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, đưa vào trong dự thảo luật lần này. Cử tri cũng bày tỏ phấn khởi, nhưng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội và một vài đại biểu cho rằng chưa cần thiết phải sửa đổi, bởi quy định này đang thực hiện ổn định và đề nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng này để giảm chi phí của gia đình phải đóng mà không cần quy định lựa chọn phương thức đóng.

“Cả hai phương án Chính phủ trình hoặc quan điểm của Ủy ban xã hội đều có lợi cho đối tượng học sinh, sinh viên, tôi đề xuất giữ như dự thảo trình Quốc hội; hoặc nếu chọn phương án cơ quan thẩm tra nêu, Chính phủ phải có cam kết tăng mức hỗ trợ của nhà nước lên ít nhất là 50%, để tránh trường hợp khi Luật thông qua rồi đến khi ban hành vẫn giữ như mức hỗ trợ cũ, đại biểu Quốc hội cũng không biết phải giải trình đối với cử tri như thế nào”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu quan điểm.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Quảng Nam cho rằng, điều mà nhân dân bức xúc là dịch vụ BHYT chứ không phải đối tượng được hỗ trợ BHYT hay mở rộng đối tượng nhận BHYT ra sao.

“Đi khám thì chờ đợi mệt mỏi, quá tải, đôi khi thiếu thuốc cấp phát cho người bệnh khám Bảo hiểm. Nhiều người bảo nhau thôi đi khám ngoài vừa nhanh, vừa được cấp thuốc chất lượng...”, đại biểu đoàn Quảng Nam nêu ý kiến.

Đại biểu đề nghị cần công khai số dư tiền BHYT hằng năm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT.

95% người dân tham gia BHYT năm 2030

Giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của đại biểu tại phiên thảo luận, hoàn thiện dự thảo luật.

Bộ trưởng cho biết, mục tiêu của Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đề ra đến năm 2030, 95% người dân được tham gia BHYT.

Bên cạnh đó nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội và các địa phương.

Giải trình một số nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, về điều kiện chuyển người bệnh. Đây cũng là một nội dung mới và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân, đảm bảo sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Trong đó, dự thảo luật đề cập đến những vấn đề liên quan tới các bệnh hiểm nghèo, các bệnh cần chuyên môn kỹ thuật cao và các bệnh tuyến chuyên sâu mới đáp ứng được. Vấn đề này đã được cân nhắc để vừa đáp ứng được mục tiêu phục vụ cho người bệnh nhưng cũng đảm bảo được hệ thống cân đối.

Bộ trưởng cũng thống nhất quan điểm của đại biểu Quốc hội, bên cạnh triển khai thực hiện công tác khám, chữa bệnh , việc củng cố, phát triển hệ thống y tế cơ sở cũng là một bài toán thách thức và đã có những cái giải pháp đồng bộ.

Liên quan tới các quy định về liên thông kết quả xét nghiệm đề cập trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng cho biết, để đảm bảo thực hiện được nội dung này cũng có rất nhiều các giải pháp đồng bộ để có cơ sở hạ tầng đồng bộ mới đáp ứng yêu cầu liên thông.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến thanh toán bảo hiểm y tế đối với điều trị bệnh lác; điều chỉnh thuốc giữa các bệnh viện; thanh toán khám chữa bệnh…

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét sáp nhập đơn vị hành chính ở 12 tỉnh thành
VOVLIVE - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
  • Việt Nam - Peru ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương
    Trong chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 12 - 14/11/2024 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Peru, hai nhà Lãnh đạo đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam - Peru.
  • Hà Nội dự kiến chi 10.000 tỉ đồng/năm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức
    VOVLIVE - UBND thành phố Hà Nội đang xây dựng dự thảo đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
  • Việt Nam - Ấn Độ coi trọng việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương
    VOVLIVE - "Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm chung về triết lý phát triển, tầm nhìn và định hướng chính sách cũng như chiến lược hành động để phát triển đất nước, nhất là cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là nền tảng để hai nước củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước".
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp