Trong dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam ra mắt khán giả bộ phim điện ảnh đề tài chiến tranh cách mạng mang tên “Bình minh đỏ”. Bộ phim đã giành giải thưởng ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 tại thành phố Huế.
"Bình minh đỏ" gây xúc động khi khắc hoạ sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh mà ở đó nổi bật và toả sáng là những niềm vui rất đời thường, nữ tính của những nữ chiến sĩ lái xe anh hùng. Cách kể chuyện phim khiến người xem thấy bi tráng mà không bi lụy.
Phim xoay quanh 4 nhân vật gồm Châu (Quỳnh Anh), Hân (Hoàng Bích Phương), Sa (Bảo Hân), Thương (Hà Phương Anh). Họ là những cô gái còn rất trẻ được giao nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương bệnh binh, tử sĩ từ các chiến trường về hậu phương. Đối mặt với chiến tranh khốc liệt nhưng cả 4 cô gái đều không sợ gian khổ, hy sinh, cống hiến tuổi thanh xuân cho thắng lợi cuối cùng.
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trò chuyện với NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân về quá trình thực hiện bộ phim chiến tranh đầy xúc động "Bình minh đỏ".
- “Bình minh đỏ” – một bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng ra mắt gây xúc động, lấy đi nhiều nước mắt của khán giả trong buổi công chiếu. NSND Nguyễn Thanh Vân có thể chia sẻ điều gì đã mang anh đến với dự án phim về những nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn thời chống Mỹ?
Với tôi, đề tài nào liên quan, đi sâu vào con người đều là nguồn cảm hứng, đặc biệt là chiến tranh. Trong chiến tranh chất con và chất người nhiều khi được sâu nhất, mạnh nhất, những thái cực của nó rất lớn, liên quan đến những trạng thái, cảm xúc, tinh thần của con người trong chiến tranh phản ánh rõ nhất. Chính điều này khiến tôi có cảm xúc làm nên bộ phim này.
“Bình minh đỏ” đến như một cái gì đó ngày mới, sự sang trang cả câu chuyện, các cô gái trẻ chỉ mong sống trong hòa bình, không phải đối diện với chết chóc, bom đạn, hy vọng đấy là một ngày bình yên. Một ngày bao giờ cũng bắt đầu bằng bình minh.
Câu chuyện lấy cảm hứng, nguyên mẫu chính những nữ lái xe duy nhất ở Trường Sơn những năm 68-70. Đó là những cô gái rất trẻ, độ 17-18 tuổi. Những cô gái nhỏ bé, chân còn không với tới chân gas lái xe gác, xe zin, riêng hình ảnh đấy tôi thấy rất xúc động. Nhưng điểm cuốn hút tôi hơn nữa, khi mà nói đến họ là những người mới bước ra khỏi tuổi thơ thôi, thực sự là những người chưa kịp trưởng thành. Giữa tuổi thơ và trưởng thành đây đang là giáp ranh. Đây chính là cái tuổi họ đã phải đối diện với cuộc chiến rất khốc liệt, rất tàn bạo. Ở đấy bộc lộ con người của họ trong bối cảnh khốc liệt đấy như thế nào. Chính là xuất phát điểm để tôi làm bộ phim.
- Trong quá trình thực hiện, anh khai thác chất liệu từ những nguyên mẫu ấy thế nào?
Kịch bản “Bình minh đỏ” được trình duyệt từ cuối năm 2018. Đề tài chiến tranh được lưu tâm, nhưng còn sửa chữa kịch bản, thời điểm, đắn đo của nhà quản lý. Số phận của nó cũng phải mất 3-4 năm mới ra được.
Trong quá trình đó, những tài liệu, ký ức, hồi ký của những người lính tôi phải đọc rất nhiều. Có những hồi ức lính đến 800 trang. Trong quá trình dài như vậy, những ký ức của họ cứ ngầm dần vào trong tôi. Tôi cảm nhận được nỗi đau, cũng như sự mất mát.
Và khi bắt tay thực hiện bộ phim, tôi thực sự muốn khai thác nét hồn nhiên nhất, con người nhất. Các cô 17-18 tuổi ước vọng của họ rất bình dị, giản đơn là được trở về cày cấy, được nuôi tôm nuôi cá… điều mà trong cuộc sống hòa bình con người dễ dàng có được. Thế nhưng trong chiến tranh, đấy gần như là khát vọng. Tôi hướng đến điều đó, hướng tới cái rất đời thường, rất con người trong bối cảnh cực kỳ khốc liệt.
Hơn nữa, bộ phim không chỉ kể về các cô. Mà “Bình minh đỏ” còn là lời tri ân đến những người lính, đặc biệt là lính lái xe. Họ hy sinh xương máu của mình rất nhiều trên tuyến đường Trường Sơn. Trên thực tế, trung đội này trở về trọn vẹn sau chiến tranh nhưng thực tế còn biết bao nhiêu bộ đội lái xe trường Sơn hi sinh, bao liệt sĩ ngã xuống. Qua quá trình tìm hiểu chúng tôi thấy, có tiểu đoàn lái xe lên tới 120 xe nhưng kết thúc chiến tranh có khi còn độ 30 xe, tan tác hết. Nhờ nguồn tài liệu tham khảo mang tính khái quát, rộng mở hơn nên chi tiết trong phim cũng đậm đặc hơn để phản ánh bộ mặt khốc liệt của chiến tranh.
- Lý do nào để anh lựa chọn tin tưởng vào dàn diễn viên rất trẻ như Quỳnh Anh, Bảo Hân (Về nhà đi con)... cho bộ phim này? Màn thể hiện của họ có khiến anh hài lòng?
Tôi muốn những gương mặt trong phim phải thật trẻ. Vì những cô gái trong trung đội nữ lái xe là những người mới chập chững vào đời, chưa trưởng thành nhưng phải đối diện với sự phũ phàng, khốc liệt của chiến tranh. Đấy là phép so sánh, tạo ra hiệu ứng tương phản rất mạnh. Như thế giá trị của sự hy sinh rất lớn, đáng thương, đáng tiếc hơn.
Tôi nghĩ rằng họ thể hiện rất tốt. Tôi đặc biệt bất ngờ là khi các bạn trả lời báo chí, tôi thấy có sự ngấm sâu vào hóa thân và trách nhiệm của mình với vai diễn. Các bạn hoàn toàn ý thức được điều đó một cách sâu sắc. Khi đóng phim này khác với phim khác là các bạn phải lái xe, những cái xe nặng, to kinh khủng, phải đi trên những con đường rất ngoằn ngoèo, thậm chí sau cơn mưa còn trơn trượt, nguy hiểm thế nhưng các bạn đã không bày tỏ bất cứ nỗi sợ hãi nào mà quyết làm được.
Đặc biệt trong nhóm 4 bạn phải học lái xe trong gần 1 tháng, trước khi đi vào quay phim, Bảo Hân có sự hồn nhiên lại rất can đảm. Lúc nào cũng xung phong “Cháu lái đầu”, “Cháu đi được”… Các bạn thừa biết rằng các bạn phải lái tốt trong lúc tập thì các cung đường trong phim mô tả lại các cung đường trong chiến tranh khó khăn hơn rất nhiều. Chưa kể lúc quay, có những quả nổ rất gần, có khi rát cả mặt, có khi bị bắn vào người, đòi hỏi sự dũng cảm. Cho nên trong quá trình quay phim, quá nửa thời gian các bạn phải ngồi trên xe. Hoàn toàn tôi không thấy trạng thái mệt mỏi hay sợ hãi nào cả. Đó là điều tôi rất cảm ơn.
- NSND Nguyễn Thanh Vân và ê-kíp gửi gắm thông điệp gì qua bộ phim "Bình minh đỏ"?
Bộ phim hướng đến thông điệp nhân văn hãy chấm dứt chiến tranh. Chiến tranh đang xảy ra đâu đó trên thế giới này. Khát vọng hòa bình là tất yếu và lớn lao nhất của con người. Các bạn trẻ đang sống ngày hôm nay được hưởng cuộc sống hòa bình, phải biết được rằng, 50 năm trước hoặc hơn nữa, có biết bao nhiêu người ở độ tuổi như các bạn đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình trên chiến trường để có được cuộc sống hoà bình như ngày hôm nay. Cho nên chúng ta phải biết đến và hàm ơn sự hy sinh đó. Tôi nghĩ đấy là một cách để kết nối những con người ngày hôm nay với lịch sử bi tráng của đất nước.
Sự hàm ơn với lịch sử
- Phim đề tài chiến tranh thường khó thu hút khán giả, vì sao anh vẫn quyết tâm thực hiện?
Đối với nhiều nhà làm phim, nói đến phim chiến tranh, thực sự xuất hiện một ngưỡng, một sự ngần ngại, phức tạp, khả năng đón nhận của khán giả cũng không thực sự chắc chắn. Rất hiếm hoặc hầu như không có hãng phim tư nhân làm phim chiến tranh. Thế nên đây gần như là nghĩa vụ, trách nhiệm hàm ơn lịch sử của những người làm phim như chúng tôi.
Ngay trên thế giới, các nền điện ảnh lớn, phim chiến tranh họ vẫn làm với sự trân trọng rất lớn, thậm chí đoạt giải rất cao. Ví dụ bộ phim "1917" cũng là về chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng góc độ nhìn, tìm điểm sáng tạo khác biệt và câu chuyện đầy ý nghĩa. Cho thấy đề tài chiến tranh vẫn đang được đề cập trong điện ảnh. Tôi nghĩ không chỉ thế hệ chúng tôi mà còn thế hệ sau này nữa cũng sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài này.
Đương nhiên người làm phim nào cũng có một sự mong mỏi là phim đến được với khán giả. Nhưng nó không phụ thuộc vào riêng cá nhân nhà làm phim. Nó còn phụ thuộc vào cả một hệ thống truyền thông, cả một hệ thống rộng hơn nữa là tầm mức văn hóa xã hội giáo dục của những nền tảng xã hội.
- Anh nghĩ yếu tố nào sẽ giúp phim về chiến tranh trở nên hấp dẫn hơn?
Trong một môi trường mà các phim giải trí, phim kinh dị, hài hước chiếm lĩnh đang tạo thành một thói quen với khán giả trẻ ngày hôm nay, thì phim chiến tranh đi khác đường, thậm chí ngược đường.
Đạo diễn Thanh Vân
Có lẽ con đường đến với khán giả gần nhất, đặc biệt là phim chiến tranh thì phải là sự chân thật. Chân thật thì mới đến được các ngóc ngách tinh thần của con người. Một số phim, đặc biệt phim Việt Nam thời gian trước có tính chất hơi tuyên truyền, hơi lên gân quá, lý tưởng thì ít nhất ở thời điểm này, phần con người bình dị, những ước mơ bình dị nhất, những sinh hoạt, lời thoại rất gần gũi sẽ tương phản với sự khốc liệt của chiến tranh. Đấy là cách tôi cảm nhận, càng làm chân thật con người, suy nghĩ, về ước vọng, tinh thần càng chân thật bao nhiêu thì khả năng tiếp cận, gần gũi khán giả càng tốt hơn.
Thời điểm tôi làm phim lúc này khó khăn rất lớn, đặc biệt là… đầy tính sát thương. Hệ thống kỹ xảo của mình còn thô sơ, chưa bằng Hollywood. Khi làm không thật, hiệu quả sẽ giảm sút rất nhiều. Không khí chiến tranh, bối cảnh chiến tranh giảm sút rất nhiều. Thế nên 95% trở lên của bộ phim, tôi thực hiện với hiệu ứng thật ở hiện trường chứ không trông chờ gì nhiều ở kỹ xảo, vì kỹ xảo thật sự Hollywood làm 1 phút cả triệu đô. Nên tôi cố gắng thực hiện bằng chính con mắt của mình ở trường quay. Tôi nghĩ đạt được một hiệu quả nào đó thì cũng chính là đầu tư công sức để đạt hiệu ứng hình ảnh.
- Buổi công chiếu đầu tiên của bộ phim nhận được phản hồi tích cực từ khán giả và giới chuyên môn. Anh có tự tin khi bộ phim phát hành rộng rãi?
Tôi nghĩ làm phim về chiến tranh, gọi là áp lực chính là khả năng đón nhận của khán giả với đề tài này. Trong một môi trường mà các phim giải trí, phim kinh dị, hài hước chiếm lĩnh đang tạo thành một thói quen với khán giả trẻ ngày hôm nay, thì phim chiến tranh đi khác đường, thậm chí ngược đường. Khả năng tiệm cận với thị trường hôm nay là áp lực với những người thực hiện như chúng tôi.
Hiện nay chúng tôi đã liên hệ với các nhà phát hành lớn và đang chờ đợi câu trả lời. Tôi cũng hiểu được sự chậm trả lời, đấy là cái đương nhiên vì có liên quan đến doanh thu, sự lo ngại của các nhà phát hành cũng giống như sự lo ngại của tôi. Hy vọng nếu đồng ý, bộ phim sẽ có nhiều cơ hội đến với khán giả hơn.
- Cảm ơn anh.
Lê Anh - Hà Phương(Vov.vn)