Đại hội XIV của Đảng: Bắt đầu từ tầm nhìn vượt trước

07/11/2024, 14:49

VOVLIVE - Đại hội XIV đã đến gần qua những chỉ đạo kiên quyết, sát thực, có tầm nhìn vượt trước và sẽ là Đại hội của kỷ nguyên dân tộc vươn mình.

Sau 40 năm đổi mới, với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Để nắm bắt được thời cơ, vượt qua thách thức giúp dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với những thành công và thắng lợi thì phải có những đột phá mang tính chiến lược.

Và một trong những điều kiện tiên quyết là cần những tư duy chiến lược, được thực hiện bằng những chiến lược quốc gia. Tư duy chiến lược của Đảng lãnh đạo, cầm quyền nhất thiết phải kịp thời, sáng tỏ, đúng đắn, phù hợp, khả thi.

Những điều đó đã được thể hiện qua những bài viết, những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm và từ đó toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đều vững tin vào Đại hội XIV của Đảng là Đại hội của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đại hội XIV của Đảng: Bắt đầu từ tầm nhìn vượt trước - 1

Đặt trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển động mang tính thời đại, nổi lên là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra một thời đại kinh tế mới - kinh tế số, nhân Kỷ niệm 79 năm ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết quan trọng về Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương khẳng định, người đứng đầu Đảng đã nêu những quan điểm rất mới, có tính lý luận cao về vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số.

Theo đó, Tổng Bí thư cho rằng: "Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - "phương thức sản xuất số", trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo….".

Đại hội XIV của Đảng: Bắt đầu từ tầm nhìn vượt trước - 2

PGS.TS. Vũ Văn Phúc phân tích, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi căn bản mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó tư liệu sản xuất chuyển mạnh từ hữu hình sang vô hình là tri thức của loài người, là trí tuệ của con người, là trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), thông tin, dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây...

Tư liệu sản xuất vô hình ngày càng chiếm vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế tri thức, kinh tế số. Điều này chính là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội phát triển, là cơ sở để chuyển mạnh sang sản xuất theo chiều sâu, tăng năng suất của các yếu tố tổng hợp, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Vì vậy, theo ông Phúc, phải coi phát triển khoa học - công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu; là động lực then chốt cho phát triển, phải chuyển mạnh từ áp dụng, "bắt chước" công nghệ sẵn có sang đổi mới sáng tạo công nghệ, phát triển công nghệ mới, tiên tiến hiện đại là một đột phá chiến lược.

Vị chuyên gia nhấn mạnh phải có công nghệ Made by Vietnam để tạo ra hàng hóa Made by Việt Nam, làm cho Việt Nam phát triển hùng cường. Lấy mục tiêu giải phóng sức sản xuất xã hội, phát triển lực lượng sản xuất xã hội; lấy mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm; lấy mục tiêu vì con người phát triển tự do, toàn diện, hạnh phúc... làm tiêu chuẩn cho sự tồn tại, phát triển công nghệ.

Đại hội XIV của Đảng: Bắt đầu từ tầm nhìn vượt trước - 3

Những chiếc ô tô điện của Vinfast mang lại niềm tự hào Việt Nam.

Cũng tại bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn nhận, khi quan hệ sản xuất không theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất, nó sẽ trở thành lực cản, kìm hãm sự phát triển tiến bộ của toàn bộ phương thức sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.

Theo ông Phúc, đây là cách luận giải rất sáng tạo của người đứng đầu Đảng ta bởi lực lượng sản xuất hiện đại trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ thì tất yếu kéo theo sự phát triển tương ứng của quan hệ sản xuất, theo đúng quy luật cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin: quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất.

"Những quan điểm mới trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm hoàn toàn phù hợp với lý luận về hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng được vận dụng, phát triển sáng tạo trong bối cảnh tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới", Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương bình luận.

Để thực hiện thành công cuộc cách mạng - chuyển đổi số, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số; đồng thời cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Phúc cho rằng, đây là thời điểm quan trọng của cả dân tộc khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

"Trong quá trình chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, nhất là Văn kiện Đại hội XIV, chúng ta cần quán triệt sâu sắc những quan điểm mới, tư tưởng chỉ đạo đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư về chuyển đổi số", PGS.TS Vũ Văn Phúc gợi mở.

Ông Phúc tái khẳng định, cuộc cách mạng tạo ra bước đột phá mới, động lực mới trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: giàu mạnh, dân chủ, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội XIV của Đảng: Bắt đầu từ tầm nhìn vượt trước - 4

Trong bài viết Chống lãng phí hồi trung tuần tháng 10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu lên một luận điểm và cũng là sự chỉ đạo hết sức quyết liệt trong giai đoạn mới: "Đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, "là đạo đức, là văn minh".

Phát biểu này một lần nữa cho thấy sự quan tâm đặc biệt và tầm nhìn, quyết tâm của người đứng đầu Đảng về công tác phòng, chống lãng phí.

Ông Tạ Văn Hạ - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, vấn đề chống lãng phí đang được đặt ra trong một bối cảnh mới, bối cảnh của sự phát triển đất nước, bối cảnh đất nước ta đang xác định khởi điểm lịch sử để bước vào kỷ nguyên vươn mình. Do đó, nội dung này càng trở nên quan trọng và cấp bách.

"Quan liêu, lãng phí bây giờ có thể gọi là giặc nội xâm, nguy hiểm như tham nhũng. Hành vi tham nhũng là của những người có chức quyền, nhưng lãng phí thì ai cũng có thể và đó chính là điều mà Tổng Bí thư đề cập đến, thể hiện vấn đề lãng phí đang rất lớn, rất nguy hiểm, gặm nhấm niềm tin của Nhân dân", đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Đại hội XIV của Đảng: Bắt đầu từ tầm nhìn vượt trước - 5

Các công trình lãng phí.

Phân tích thêm, TS Nguyễn Văn Đáng - Nhà nghiên cứu Quản trị công và chính sách (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của nước ta thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tích cực nhưng trong giai đoạn mới cần được chú trọng hơn.

"Vì thế, tôi tin rằng đại đa số người dân sẽ rất đồng tình với quan điểm thể hiện trong bài viết gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm, khi ông coi chống lãng phí cũng là "cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go, phức tạp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng", TS Nguyễn Văn Đáng nhấn mạnh.

Theo nhà nghiên cứu thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trên thực tế, nếu tham nhũng chỉ có thể xảy ra với cán bộ có chức, có quyền và không phải là việc có thể dễ dàng thực hiện thì lãng phí lại có thể xảy ra ở mọi cấp độ, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Bất kỳ ai, bất kỳ đơn vị nào, bất kỳ thời điểm nào cũng có thể để xảy ra tình trạng lãng phí các nguồn lực như: tài chính, thời gian, sức lực, cơ hội phát triển... Vì thế, nếu cộng dồn những thiệt hại, thất thoát nguồn lực do lãng phí thì có thể còn lớn hơn thiệt hại do tham nhũng.

"Tôi tin là tinh thần và những quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về chống lãng phí sẽ không chỉ có tác động nhất định đến các đơn vị trong hệ thống chính trị, mà với mọi cá nhân và tổ chức trên bình diện xã hội. Rõ ràng huy động nguồn lực cho phát triển đã khó nhưng sử dụng hiệu quả các nguồn lực đó, tức là tránh lãng phí, cũng là yêu cầu tất yếu, không hề dễ thực hiện nhưng chúng ta phải luôn ý thức thực hiện", ông Đáng nói.

Ủng hộ sự quyết tâm trong các chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhắc lại từ những bước đầu tiên của sự nghiệp Đổi mới (tháng 12/1986), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sớm thấy loạt "căn bệnh" tham nhũng, lãng phí, quan liêu cản trở công cuộc Đổi mới và ẩn chứa nhiều nguy cơ, có thể trở thành "quốc nạn" nên đã đề xuất "Những việc cần làm ngay".

"Cũng giống như cách truyền tải của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, thông qua các bài viết, bài phát biểu được đăng tải khá thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, Tổng Bí thư Tô Lâm đi vào những vấn đề, quan điểm, tư duy mới, mang tính khái quát để hướng đến sự thay đổi, làm mới phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng", ông Phúc nhìn nhận.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm được thể hiện bằng ngôn từ cô đọng, gần gũi, dễ nghe, dễ hiểu, sát thực tiễn.

Điều này, cũng là minh chứng rõ nét cho một trong những yêu cầu của Tổng Bí thư trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: "Nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện; phải xác định đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành…".

"Những chỉ đạo mang tư duy mới nhưng lại không phải là văn bản khô khan, xa rời thực tiễn, thiếu sức sống. Chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế nhưng Tổng Bí thư cũng quán triệt các định hướng khắc phục để khơi gợi cảm hứng tích cực để toàn Đảng, toàn dân đoàn kết bước vào kỷ nguyên mới", ông Phúc tâm đắc.

Đại hội XIV của Đảng: Bắt đầu từ tầm nhìn vượt trước - 6

Nhiều tầng lớp Nhân dân nhận thức những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ tương lai của dân tộc, của đất nước và truyền cảm hứng sâu sắc. Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh bày tỏ ấn tượng với cụm từ "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".

Là một công dân và tín đồ của đạo Công giáo, ông Thịnh vui mừng và tự hào về thành quả đổi mới của đất nước. So sánh với các giai đoạn trước, ông nhìn nhận, chưa khi nào Việt Nam lại có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay - đúng như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Đất nước ta đang trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

"Cá nhân tôi và người dân Việt Nam đều mong muốn, tin tưởng điều đó và sẽ sát cánh, đoàn kết cùng nhau thực hiện khát vọng này", ông Thịnh khẳng định.

Đại hội XIV của Đảng: Bắt đầu từ tầm nhìn vượt trước - 7

Cũng bày tỏ ấn tượng về tinh thần đất nước sẽ bước vào kỷ nguyên vươn mình mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng, đây là thời điểm Việt Nam vươn mình phát triển để trở thành quốc gia giàu mạnh, phồn thịnh, sánh vai với cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn.

Thượng tọa cho rằng, không chỉ định hướng về kỷ nguyên vươn mình, Tổng Bí thư Tô Lâm còn hoạch định đường lối để đất nước, dân tộc ta sẽ vươn mình như thế nào. Đó là chúng ta phải bước vào cuộc cách mạng chuyển đổi số để hình thành nên phương thức sản xuất số.

"Tăng ni và đồng bào Phật tử hết sức phấn khởi, có niềm tin mạnh mẽ và sẽ đồng hành cùng người dân cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo với người đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm", Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh.

Còn chị Thị Hà - dân tộc S'Tiêng (SN 2004, trú tại xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) nhận thức: "Đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới là nhiệm vụ của toàn dân tộc, nhiệm vụ của mỗi người dân và những người trẻ như chúng tôi càng phải nhận thức sâu sắc điều đó".

Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cho biết: "Năm 1986, trước khi chúng ta thực hiện Đổi mới, Việt Nam là một trong 20 nước nghèo nhất thế giới. Đến năm 2023, đứng thứ 34 trong số 35 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dự kiến khi kết thúc Đại hội XIII, chúng ta sẽ đạt GDP bình quân là 4.900 USD/người/năm".

Theo ông Đỗ Văn Chiến, thời gian qua chúng ta đã hoàn thành và đang dồn nguồn lực xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia giúp thúc đẩy nền kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ, Đại hội XIV là thời điểm rất ý nghĩa bởi chúng ta không chỉ có thể tổng kết thành tựu của 40 năm Đổi mới mà còn là dịp để thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề cần giải quyết, những thách thức cần phải vượt qua.

Đại hội XIV cũng là thời điểm phù hợp để chúng ta thảo luận những ý tưởng mới, mục tiêu mới, và Đảng ta sẽ quyết định về những chủ trương, quyết sách mới để có thể đưa dân tộc và đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, bứt phá phát triển.

Đại hội XIV của Đảng: Bắt đầu từ tầm nhìn vượt trước - 8
Đại hội XIV của Đảng: Bắt đầu từ tầm nhìn vượt trước - 9
Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét sáp nhập đơn vị hành chính ở 12 tỉnh thành
VOVLIVE - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
  • Việt Nam - Peru ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương
    Trong chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 12 - 14/11/2024 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Peru, hai nhà Lãnh đạo đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam - Peru.
  • Hà Nội dự kiến chi 10.000 tỉ đồng/năm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức
    VOVLIVE - UBND thành phố Hà Nội đang xây dựng dự thảo đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
  • Việt Nam - Ấn Độ coi trọng việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương
    VOVLIVE - "Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm chung về triết lý phát triển, tầm nhìn và định hướng chính sách cũng như chiến lược hành động để phát triển đất nước, nhất là cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là nền tảng để hai nước củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước".
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp