"Đa số các trường bậc THCS, THPT lâu nay học 2 buổi/ngày nhưng 1 buổi có thu tiền"

Nguyễn Trang/VOV.VN | 11/04/2025, 09:46

Nhiều giáo viên, cơ sở giáo dục cho rằng, thực tế lâu nay, các trường đa số vẫn học 2 buổi, trong đó có 1 buổi học chính khóa và 1 buổi học thêm có thu tiền. Tức chương trình chính khóa chỉ cần 1 buổi đã đủ, việc kéo giãn ra 2 buổi và tăng số tiết chính khóa là đang quay lại hình thức học thêm có thu tiền

Liên quan đến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với học sinh THCS, THPT, Bộ GD-ĐT cho biết đang chỉ đạo khảo sát, nghiên cứu, chưa có tuyên bố cấp THCS và THPT bắt buộc phải học 2 buổi. Bên cạnh đó, những trường nào có điều kiện thì nên tổ chức nhưng phải đảm bảo các yêu cầu, mục tiêu đã nêu. 

Lo ngại quay lại học thêm, dạy thêm trá hình

Nói về vấn đề này, nhiều giáo viên cho rằng, triển khai dạy học 2 buổi/ngày với học sinh THCS, THPT hiện tại là chưa phù hợp.

Thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên THPT tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết, quan điểm cá nhân không đồng tình với chủ trương học 2 buổi/ngày với học sinh THCS, THPT.

“Thực tế lâu nay, các trường đa số vẫn học 2 buổi, trong đó có 1 buổi học chính khóa và 1 buổi học thêm có thu tiền. Tức chương trình chính khóa chỉ cần 1 buổi đã đủ, việc kéo giãn ra 2 buổi và tăng số tiết chính khóa là đang quay lại hình thức học thêm có thu tiền "kiểu mới". Như vậy Thông tư 29 về dạy thêm học thêm sẽ không còn ý nghĩa”, thầy Đường nói.

Theo thầy Nguyễn Văn Đường, nếu triển khai 2 buổi/ngày phải có quy định đi kèm, trong đó nhà trường không được thu tiền, hoặc phối hợp với các trung tâm thu tiền của học sinh, đảm bảo mọi hoạt động trong nhà trường đều miễn phí. Chỉ cần không thu tiền sẽ không có những biến tướng.

Bên cạnh đó, trường hợp tăng số tiết môn học, các trường sẽ phải trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên. Song ngân sách rót về các trường vốn đã eo hẹp, nhiều trường hàng năm còn không thể tiết kiệm để có thưởng Tết cho giáo viên, nhưng nếu thu tiền của người học sẽ lại vi phạm Thông tư 29.

"Bộ GD-ĐT cho biết chưa bắt buộc các trường triển khai dạy học 2 buổi/ngày với bậc THCS, THPT khi chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Thực tế hiện nay ở nhiều trường môn kỹ năng sống vẫn chưa có giáo viên có chứng chỉ, chưa nói đến bằng cấp chuẩn sư phạm, hay môn giáo dục địa phương vẫn là giáo viên cũ kiêm nhiệm, dạy đủ giờ, đủ tiết, nhiều nơi thiếu giáo viên dạy các môn âm nhac, mỹ thuật, thiếu thiết bị nhạc cụ...

Tóm lại, học 2 buổi là không cần thiết và nếu có học thì cần miễn phí hoàn toàn, tránh biến tướng thành học thêm có thu tiền”, thầy Đường nói.

Cô Hồ Thị Xuân Thu, giáo viên THPT tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cho rằng rất khó để triển khai dạy học 2 buổi/ngày với bậc THCS, THPT. Trước hết, về mặt kiến thức cơ bản, có thể đảm bảo trong 1 buổi học, thực tế không cần đến buổi thứ 2 trong ngày. 

Với cấp tiểu học, buổi học thứ 2 là các hoạt động như CLB, kỹ năng sống…Nhưng ở nhiều nơi, đây cũng là "kẽ hở" để các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm trá hình có thu tiền, "núp bóng" các lớp phát triển kỹ năng cho học sinh. Nếu triển khai ở cấp THCS, THPT, không quản lý khéo cũng rất dễ rơi vào tình trạng này. 

Cô Thu thẳng thắn cho biết, ngay sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhiều trường tổ chức dạy ôn cho học sinh cuối cấp, giáo viên tự nguyện dạy miễn phí, nhưng sau đó phụ huynh lại “tự nguyện” ủng hộ, hỗ trợ kinh phí dạy thêm cho giáo viên và kinh phí quản lý cho nhà trường. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện để học thêm kiểu miễn phí nhưng sau đó lại phải "tự nguyện" đóng tiền.

Theo cô Thu, việc chuyển sang học 2 buổi/ngày sẽ là cơ hội cho học thêm, dạy thêm quay trở lại. Học sinh vẫn quá tải kiến thức, ngày càng lệ thuộc vào học thêm, không tự chủ trong việc học.

Bên cạnh đó, ttheo phân phối chương trình hiện nay chỉ cần học 1 buổi, nếu triển khai 2 buổi/ngày có nguy cơ các trường sẽ thiết kế sáng học 4 tiết, chiều 2-3 tiết, học sinh phải về “lửng lơ” giữa buổi chiều. 

“Việc bổ trợ kiến thức chỉ cần thiết khi học sinh đăng ký để được hướng dẫn thi học sinh giỏi hoặc hỗ trợ học sinh yếu kém. Còn kỹ năng sống hay STEM, các CLB không phải học sinh nào cũng có nhu cầu. Bên cạnh đó, không phải trường nào cũng có đủ giáo viên đúng chuyên môn để dạy những lớp này. Tóm lại việc học văn hóa chỉ cần 1 buổi là đủ, buổi còn lại nên để học sinh và gia đình chủ động cho những hoạt động phù hợp”, cô Thu nói.

Nan giải bài toán thiếu trường lớp

Cũng theo cô Hồ Thị Xuân Thu, khi dạy học 2 buổi/ngày, không chỉ là vấn đề lớp học, mà thời gian buổi trưa khá ngắn, đồng nghĩa với việc các trường sẽ phải tính phương án tổ chức bán trú, từ đó đặt ra vấn đề học sinh ăn ngủ tại trường buổi trưa thế nào?

“Đặc biệt với lứa tuổi THCS, THPT các em đều ở tuổi đang lớn, do đó nếu tổ chức bán trú cho học sinh buổi trưa, cần chỗ ngủ riêng cho học sinh nam và học sinh nữ, các trường sắp xếp thế nào, đầu tư ra sao, liệu có đồng hộ, hay chắp vá?

Khi học sinh ở trường cả ngày, cũng cần đặc biệt quan tâm đến các khu vực vệ sinh, nhất là với các em học sinh nữ. Trong khi đây đều là những hạn chế về cơ sở vật chất của nhiều trường học hiện nay", cô Thu lo ngại.

Tương tự, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Hoàng Mai, Nghệ An) cũng cho rằng, chủ trương tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc THCS, THPT là phù hợp với xu thế nhưng khó có thể triển khai ngay.

Như tại Trường THCS Quỳnh Phương, hiện có 34 lớp, nhưng chỉ có 17 phòng học, nhà trường phải tổ chức dạy 2 ca, một nửa lớp buổi sáng và một nửa lớp học buổi chiều. Nếu dạy học 2 buổi/ngày thì cơ sở vật chất của nhà trường không thể đáp ứng. 

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng là thách thức lớn, hiện biên chế giáo viên tại trường mới chỉ đạt 1,55 giáo viên/lớp, trong khi quy định của Bộ GD-ĐT là 1,9 giáo viên/lớp. Định mức số tiết dạy/tuần của giáo viên THCS là 19 tiết/tuần, nhưng nhiều giáo viên phải dạy đến 21-22 tiết/tuần. Nếu tổ chức dạy học 2 buổi/tuần, trong khi không đủ giáo viên sẽ phát sinh việc chi trả tiền dạy thừa giờ cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của giáo viên.

Đặc biệt, thầy Hồ Tuấn Anh cũng băn khoăn, theo gợi ý của Bộ GD-ĐT, buổi thứ 2 có thể tổ chức hoạt động STEM, dạy ngoại ngữ, kỹ năng sống... nhưng các nội dung này không có trong chương trình GDPT 2018, nếu tổ chức rất dễ "mở đường" cho các hoạt động liên kết có thu phí, tạo gánh nặng cho phụ huynh.

Bài liên quan
Giáo viên mầm non ứng tuyển lần đầu có thể được nhận gần 59 triệu đồng
Dự kiến, kinh phí hỗ trợ tuyển dụng giáo viên mầm non giai đoạn tới là 2.827,6 tỷ đồng, trong đó mỗi giáo viên nhận mức 58,97 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hội nghị Trung ương 11: Thời điểm lịch sử - quyết sách đột phá
VOVLIVE - Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 sẽ thảo luận hàng loạt chủ trương lớn mang tính đột phá, bởi như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp