Dự hội thảo có 150 đại biểu, đại diện các Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các công ty du lịch lữ hành và các đối tác của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích 4.760 km², trải dài trên địa bàn 6 huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và Thành phố Gia Nghĩa. Đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ ba tại nước ta, sau Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và Công viên địa chất Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng).
Với 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước..., Công viên địa chất Đắk Nông từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Đây cũng là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, các đại biểu dự Hội thảo khoa học đã thảo luận mối quan hệ giữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và các mục tiêu phát triển bền vững. Qua đó, đề xuất các sáng kiến thúc đẩy du lịch bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ giá trị văn hóa đặc trưng. Đồng thời, tiến tới mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục và nghiên cứu để khai thác tiềm năng của Công viên địa chất như một lớp học ngoài trời, phục vụ giáo dục và nâng cao ý thức bảo tồn.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông không chỉ là một di sản địa chất quý giá mà còn là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và tăng cường ý thức cộng đồng. Hội thảo khoa học tổ chức vào thời điểm này có ý nghĩa rất lớn với địa phương.
“Với sự hiện diện của các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà quản lý dày dặn kinh nghiệm, Hội thảo này sẽ là diễn đàn quý giá để chia sẻ tri thức, sáng kiến và tầm nhìn. Đây cũng là cơ hội để cùng nhau xây dựng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trở thành một mô hình tiêu biểu trong việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển”- bà Hạnh nói.