Ngày 1/7, tỉnh Đắk Nông đã nhận được thông báo chính thức từ Ban khoa học trái đất và giảm thiểu rủi ro địa chất thuộc Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) về việc Công viên địa chất Đắk Nông đã thành công vượt qua kỳ tái thẩm định, chính thức được công nhận danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” cho giai đoạn phát triển mới 2024-2027.
Quyết định công nhận lại danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” dự kiến sẽ được trao cho tỉnh Đắk Nông tại Hội nghị quốc tế về Mạng lưới công viên địa chất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức vào tháng 9/2024 ở Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng, Việt Nam.
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích 4.760 km2, trải rộng trên 6 huyện và thành phố. Nơi đây có hệ thống hang động núi lửa độc đáo, dài nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó đã phát hiện dấu tích cư trú của người tiền sử. Đây cũng là vùng đất đa sắc màu văn hóa của hơn 40 dân tộc, là một phần của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” - kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, quyết định công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024 - 2027 không chỉ là sự công nhận những nỗ lực của chính quyền và Nhân dân Đắk Nông trong công tác bảo tồn và phát huy tổng thể giá trị các loại hình di sản, mà còn mở ra cơ hội thu hút các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
“Câu chuyện của tỉnh khi đón nhận lại danh hiệu là phải giải quyết được những khuyến cáo của UNESCO. Ở đây có 41 điểm với 3 tuyến du lịch là: Trường ca của lửa và nước, Âm vang trái đất, và Bản giao hưởng của làn gió mới. Do đó thiên nhiên hay tiềm năng đó nhưng con người và dịch vụ hay tất cả đều cần thổi hồn vào đó để gìn giữ và phát huy", bà Tôn Thị Ngọc Hạnh nói.