Công bố hoàn thành dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Hải Vân quan

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung | 21/12/2024, 16:19

Sáng nay (21/12), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Hải Vân quan sau hơn 3 năm triển khai thực hiện. Đây là một nỗ lực rất lớn của cả hai địa phương hiện cùng quản lý, bảo tồn

Di tích Hải Vân quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng ngày nay (xưa là ranh giới giữa phủ Thừa Thiên và Quảng Nam). Di tích Hải Vân quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia ngày 14/4/2017. Di tích này có nhiều giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Phía bắc của cổng Hải Vân quan hướng về Thừa Thiên Huế đề 3 chữ “Hải Vân quan”, phía nam hướng về thành phố Đà Nẵng ghi “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đây không chỉ là vị trí phòng thủ quan trọng của cửa ngõ phía nam Kinh thành Huế mà còn là một danh lam thắng cảnh rất nổi tiếng của Việt Nam.

Sau 3 năm triển khai trùng tu, đến nay, Dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan đã hoàn thiện, chính thức mở cửa đón khách tham quan. Việc trùng tu, hoàn thiện Di tích Quốc gia Hải Vân quan mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với việc phát huy giá trị của di tích, di sản trong phát triển kinh tế -xã hội của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. 

Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết: Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, góp phần vào sự phát triển du lịch của 2 địa phương. “Đây là một di tích của ông cha ta để lại, một di sản vô giá thể hiện sự đoàn kết, xây dựng và bảo vệ của đất nước. Chúng tôi cũng phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế ứng dụng công nghệ số vào trong này để khách đến tham quan thuận lợi, tạo ra cơ hội để du khách vừa tham quan vừa công nghệ số vừa là truyền thống”.

Sau khi được trùng tu, điểm tham quan này đã có bảng hướng dẫn, thông tin về di tích theo ngôn ngữ Việt - Anh để phục vụ du khách có nhu cầu tìm hiểu lịch sử công trình. Tại lối dẫn vào cổng chính, du khách có thể tham quan Hải Vân quan bằng bản đồ số 3D, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh kết nối với bảng check-in gắn chip NFC (công nghệ không dây tầm ngắn) tại điểm tham quan, du khách truy cập 9 địa điểm quan trọng của Hải Vân quan và khám phá theo sở thích. Để bảo đảm an toàn cho người dân, du khách tham quan, thưởng lãm đệ nhất hùng quan, đơn vị quản lý đã lắp đặt nhiều bảng hướng dẫn, hệ thống phòng cháy chữa cháy, các bảng chỉ dẫn lối lên, xuống di tích và các bảng khuyến cáo người dân, du khách tại các khu vực có độ cao nguy hiểm, trơn trượt do sương mù, mưa.

Giai đoạn bán vé tham quan trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và UBND quận Liên Chiểu thực hiện nguyên tắc luân phiên quản lý trong 3 năm. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý và khai thác di tích 3 năm đầu tiên, UBND quận Liên Chiểu quản lý và khai thác di tích trong 3 năm tiếp theo. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: “Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế trong giai đoạn trước mắt thì bận triển khai những hoạt động bảo vệ, đón khách, vệ sinh môi trường…còn giai đoạn tới chắc chắn sẽ có những phương án rất cụ thể theo hướng là luôn phiên quản lý. Chẳng hạn như Huế quản lý thời gian đầu thì phải bạn hành một giá vé. Trước khi ban hành phải có sự thống nhất với Hội đồng nhân dân của Thành phố Đà Nẵng, trên cơ sở đồng thuận cả hai phía”.

Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Từ xa xưa, Hải Vân quan đã được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” với vẻ đẹp thiên nhiên ngoạn mục cũng như vị trí chiến lược quân sự quan trọng. Ngày nay, giá trị của di tích Hải Vân quan đã được chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, đánh giá là một tài nguyên du lịch độc đáo, có tính liên kết vùng, là "con gà đẻ trứng vàng” nếu được quản lý và khai thác một cách nghiêm túc, bài bản. Chính vì vậy, cả hai địa phương đã có “một cái bắt tay lịch sử” để cùng làm sống lại khu vực này, bằng cách xếp hạng và thực hiện dự án tu bổ, trùng tu di tích Hải Vân quan.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế cho biết: Đây là một nỗ lực rất lớn từ cả hai địa phương hiện cùng quản lý, bảo tồn và khai thác Di tích Quốc gia Hải Vân quan. “Đây là một công trình thể hiện sự phối hợp, hợp tác giữa hai địa phương trong công tác trùng tu, bảo tồn các giá trị di sản nằm giữa địa giới hai tỉnh để phục hồi lại cũng như đem lại giá trị vốn có của di tích Hải Vân quan.Qua công trình này thì hai địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, trùng tu, bảo tồn để di tích này nó xứng đáng với giá trị di tích lịch sử. Đồng thời, tạo nên một điểm đến cho du khách, tạo thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt hơn nữa là tạo nên một giá trị, biểu tượng hợp tác của 2 địa phương thời gian tới”.

Dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan được khởi công ngày 19/12/2021 tại di tích Hải Vân quan. Tổng diện tích của dự án khoảng 6.500m2 với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50%; ngân sách thành phố Đà Nẵng 50% trên tổng mức đầu tư.

Bài liên quan
Đà Nẵng lên phương án xử lý đường vành đai 1.500 tỷ liên tục sạt lở
Sở GTVT Đà Nẵng cho biết sẽ đề xuất phương án khai thác đất tại khu vực liên tiếp xảy ra sạt lở tuyến vành đai phía Tây, gia cố tường bằng rọ đá để xử lý triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Chính phủ và Quốc hội hãy cùng nhau sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống"
Ngày 25/12, Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV diễn ra tại trụ sở Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp