Đêm nhạc “Hà Nội mùa chuyển” là lần đầu tiên khán giả được thưởng thức âm nhạc của Phú Quang và Đỗ Bảo cùng hòa quyện. Chương trình diễn ra vào 20h ngày 21 và 22/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của 4 ca sĩ khách mời: Thanh Lam, Hà Trần, Tấn Minh, Ngọc Anh.
Nhớ về kỷ niệm với nhạc sĩ Phú Quang, Đỗ Bảo chia sẻ: "Tôi từng lớn lên trong những năm tháng mà ở đó những câu hát câu nhạc của nhạc sĩ Phú Quang đã là những bến bờ thi ca thân thuộc với nhiều người. Sau này trong những năm 1990-2000, tôi có nhiều dịp được làm việc với chú trong những sự kiện biểu diễn mà chú tổ chức, lúc là trưởng ban nhạc, lúc phối khí một phần. Nhạc sĩ Phú Quang hóm hỉnh, sắc sảo, nhiều nét tính cách khác xa tôi, trong đó có nhiều điều hay mà tôi quan sát học hỏi được. Tôi hiểu được ít nhiều và thực sự trân trọng cuộc đời âm nhạc, những thành công cũng như cách mà âm nhạc của chú đã sống được trong lòng công chúng".
Đỗ Bảo tâm sự thêm: "Thật vui vì bây giờ càng nhận ra những sự trân trọng lặng lẽ, những đồng điệu vô hình luôn là vốn quý trong giới tác giả các thế hệ, là tiền đề cho những cuộc hẹn gặp giữa họ theo một cách rất riêng ít ai ngờ. "Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế", chú Phú Quang đã viết thế. Còn tôi muốn thêm vế sau rằng “chia ly rồi hội ngộ”. Cuộc hội ngộ này của chú cùng tôi có thể là do những điểm tương đồng giữa âm nhạc của chú và và của tôi đều nảy sinh bởi những ảnh hưởng của âm nhạc cổ điển, môi trường âm nhạc của Hà Nội, bởi những nét tính cách Hà Nội, các mùa của Hà Nội, hay những góc tính cách lãng đãng trong chú và tôi.
Mặt khác, bởi tác giả nào một khi đã sáng tác đủ nhiều, đi chặng đường đủ dài, cũng mang một cái tôi cứng cáp trong nghệ thuật của họ và nghệ thuật âm nhạc chung, giúp họ nhận ra bản thân họ không có tuổi khi họ là người đã may mắn sinh ra và để lại một số tác phẩm có thể sống với thời gian. Chính vì thế, bất cứ lúc nào trong dòng thời gian, họ có thể có cơ hội gặp nhau như những người nghệ sĩ cùng chung một lĩnh vực, bổn phận của người viết mà tạo hóa đã trao. Điều này khiến tôi tâm đắc hơn cả".
Chia sẻ về sự kết hợp này, nghệ sĩ piano Trinh Hương, con gái nhạc sĩ Phú Quang cho biết giữa Đỗ Bảo và nhạc sĩ Phú Quang có một vài điểm chung như đều yêu giao hưởng, phần phối cho những ca khúc của cả hai luôn đầy đặn. Chính nét tương đồng này càng làm cô rất muốn có sự thử nghiệm kết hợp giữa hai nhạc sĩ.
"Tôi cũng muốn nghe cảm nhận của một nhạc sĩ khác khi phối bài của bố tôi. Đây cũng là một cách để âm nhạc của hai người gần lại với nhau hơn. Tôi cũng rất mong chờ sự mới mẻ mà anh Đỗ Bảo mang lại. Tôi cũng biết đôi khi cái mới cũng không dễ để mọi người đón nhận ngay. Vì sau mấy chương trình làm cho bố, tôi cũng cảm nhận được khán giả của bố khá bảo thủ, khá giống bố. Bố tôi đương nhiên ít khi muốn ai khác động đến đứa con tinh thần mà ông đã định hình từ bản nhạc đến khi âm thanh vang lên. Cho nên khi ông còn sống có thể người này người kia phối nhạc của ông, nhưng ông luôn yêu cầu giữ nguyên hòa thanh gốc.
Anh có thể phối dày thêm nhạc cụ nhưng cái khung phải đúng như thế, kiểu: “Nhà của chú cháu có thể thêm đồ trang trí nhưng nhất định không được phá cấu trúc”. Nó cũng sẽ khó cho các nhạc sĩ phối khí khi muốn thể nghiệm với tác phẩm của ông.
Sinh thời, bản thân bố tôi sau một vài năm cũng có điều chỉnh, phối lại, làm mới theo thời đại. Giờ ông không còn tự làm mới được sẽ phải có người khác. Tôi mong chờ sẽ tìm được những nhạc sĩ hiểu được ông. Trong chương trình, Đỗ Bảo sẽ thoải mái sáng tạo với 3-4 bài của bố tôi. Tôi muốn sự thay đổi từ từ cho mọi người tiếp nhận chứ không muốn quá đột ngột", nghệ sĩ Trinh Hương nói thêm.
Nhận xét về nhạc sĩ Đỗ Bảo, Trinh Hương đánh giá: "Đỗ Bảo dù tiếp xúc chưa nhiều nhưng tôi thấy anh nhẹ nhàng, khiêm tốn, dễ chịu, hiền hòa... Chính vì vậy âm nhạc của anh rất đẹp, mềm mại, lãng mạn. Còn bố tôi góc cạnh, sắc sảo, kể cả trong câu chuyện hài cũng không bao giờ chỉ để cho vui, luôn có ẩn ý trong đó. Nên âm nhạc của bố tôi cũng vậy, không hiền, khá sắc nét, cái gì cũng đến tận cùng, xoáy sâu, mỗi câu mỗi từ đều phải có sự day dứt trong đấy. Cùng viết về mùa đông Hà Nội chẳng hạn thì mùa đông của Đỗ Bảo có thể sẽ đẹp hiền hòa hơn, còn của bố tôi có gì da diết, buốt giá hơn.
Bố tôi cũng có nhiều tác phẩm khí nhạc hay, nhưng tôi nghĩ ca khúc vẫn là điểm mạnh của bố tôi hơn. Bố tôi rất yêu giao hưởng, say mê khí nhạc, nhưng bởi mảng ca khúc của ông nổi tiếng quá, hút của ông quá nhiều thời gian. Mà khí nhạc cũng đòi hỏi sự đầu tư rất lớn. Quỹ thời gian của ông cũng không cho phép ông làm được nhiều như vậy. Nên tôi cũng chưa bao giờ có suy nghĩ bố tôi phải làm nhiều về khí nhạc hơn. Mặc dù đến cuối đời, tôi thấy bố rất muốn làm về khí nhạc".
Cũng theo nghệ sĩ Trinh Hương, toàn bộ tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang hiện nay đều do các con của ông nắm quyền sở hữu tác quyền. Cô là người được giao trọng trách quản lý di sản âm nhạc mà nhạc sĩ Phú Quang để lại. Khi được hỏi về việc các nghệ sĩ sử dụng ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang trong các chương trình ca nhạc, Trinh Hương cho biết gia đình cô luôn cho rằng việc bài hát của bố được sử dụng là một niềm vinh hạnh của các con.
Dù vậy, con gái nhạc sĩ Phú Quang mong mọi người sử dụng tác phẩm với sự trân trọng. "Trân trọng ở đây không phải là nằm ở trong một chương trình sang trọng, nghệ sĩ lớn mà có thể là trong không gian nhỏ của phòng trà. Trân trọng ở đây là khi muốn biểu diễn thì cho các con nhạc sĩ được biết có người muốn hát nhạc của ông trong không gian thế này, chứ không sử dụng tùy tiện", Trinh Hương nói.
Nghệ sĩ Trinh Hương nói thêm: "Bản quyền cũng chưa bao giờ đặt bằng tiền, mà bằng sự tôn trọng. Trong chương trình từ thiện thì gia đình không bao giờ lấy tiền. Tuy nhiên, trong show tiền tỉ thì quyền tác giả cũng nên tương đồng, chứ không phải là trả tác quyền theo giá bao cấp, như thế là không tôn trọng tác phẩm"./.