Chuyện về người phụ nữ cả đời gắn bó với trại phong

Lê Thu/VOV1 | 25/08/2023, 09:47

Câu chuyện diễn ra ở Trại phong Quả Cảm (tên gọi chính hiện tại là Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh), trong không gian lặng lẽ của những số phận không may.

Bà là y tá Nguyễn Thị Xuân, người gắn bó lâu năm nhất ở trại phong này và mang lại niềm tin cho các bệnh nhân phong cũng như đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của bệnh viện này. Hơn 30 năm, y tá Nguyễn Thị Xuân chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân, bỏ nghề dạy học, để chọn công việc chăm sóc, gắn bó trọn cuộc đời với những với bệnh nhân phong.

Bà xơ làm dép và chăm sóc bệnh nhân phong

Từ Hà Nội chúng tôi đến thành phố Bắc Ninh, hỏi y tá Nguyễn Thị Xuân ở Trại phong Quả cảm ít người biết, nhưng hỏi “bà xơ làm dép và chăm sóc bệnh nhân phong” thì ai cũng biết. Theo chỉ dẫn của những người dân nhiệt tình, đi khoảng 5km từ thành phố Bắc Ninh, chúng tôi đã đến Trại phong Quả cảm thuộc Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh - nằm lọt thỏm, khuất nẻo dưới chân mấy ngọn đồi của núi Cai Vàng, thuộc xã Hòa Long (Yên Phong, Bắc Ninh).

Bước chân vào khu an dưỡng của các bệnh nhân phong không gian như lắng lại bởi vẻ tĩnh lặng, nhưng đâu đó vang lên những tiếng búa cao su, tiếng kim loại va vào nhau loảng xoảng... Đó chính là “xưởng dép tình thương” của y tá Xuân.

Hàng trăm bệnh nhân, mỗi người có hình dạng tay, chân khác khác – người khuyết ngón tay, mất bàn tay, người không còn chân... Nhờ những thiết kế của y tá Nguyễn Thị Xuân mà ai cũng cảm thấy mình được là người bình thường trở lại. Những bàn tay giả, những đôi dép không có cỡ, không có hình dạng nhất định, hay những vật dụng cần thiết giúp họ đi lại và sinh hoạt dễ dàng hơn...

“Tôi thấy vui lắm vì khi mình nhìn thấy họ đi trên những đôi dép do chính tay mình sáng chế làm ra, họ đi lại dễ dàng thì mình đấy là hạnh phúc mà mình đã được cảm nhận từ các bệnh nhân đó, tôi thấy cuộc sống đơn giản nhưng mà mình thấy vui”, y tá Xuân chia sẻ.

Mọi khó khăn, thiếu thốn đều có thể khắc phục được như vậy, nhưng theo bà Xuân, điều quan trọng hơn khi sống ở đây là vượt qua chính mình, vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân.

“Lúc đầu cũng sợ lắm, nhưng mà khi càng gần họ, họ chia sẻ những cô đơn, đau đớn, bị bỏ rơi, những hoàn cảnh thì tự nhiên mình thương. Tình thương nó nặng và mạnh lắm, nghĩ như bố mẹ mình hay chính mình bị bệnh như thế này mà người khác cũng sợ như thế này thì mình sống được không. Từ những suy nghĩ như thế, mình mới vượt qua cái sợ để mà sống ở đây”, bà Xuân nói.

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp y tá Nguyễn Thị Xuân là gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền từ, giọng nói đầy trìu mến. Đồ dùng trong căn phòng rộng chừng 20m2 hết sức đơn sơ, hơn chục tấm bằng khen được treo ở vị trí trang trọng nhất.

Sinh năm 1957, y tá Nguyễn Thị Xuân là một tu sĩ thuộc họ Đạo Xuân Hòa, Đại Xuân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Là chị cả của một gia đình có 5 chị em, cha mẹ lại mất sớm nên bà phải bỏ học đi làm để nuôi em. Chứng kiến những khó khăn, thiệt thòi của bệnh nhân phong, những cô đơn buồn tủi khi không có người nhà thăm nom, năm 1988, bà quyết định bỏ nghề dạy học và chuyển hẳn lên Trại phong Quả Cảm tự nguyện chăm sóc bệnh nhân phong.

Là con của một bệnh nhân phong, khi cùng làm việc với y tá Xuân, chị Nguyễn Thị Ngọc học được nhiều điều, cả về chuyên môn cũng như tình yêu dành cho bệnh nhân.

“Cô Xuân là 1 người hết lòng vì bệnh nhân và vì tất cả mọi người. Cô thương yêu bệnh nhân và tất cả con em bệnh nhân. Tôi học được ở cô nhiều điều lắm, có nhiều điều cô chỉ bảo đến tận nơi tận chốn. Học được cách cô cư xử với mọi người, thương yêu bệnh nhân. Tôi cũng là con em bệnh nhân ở đây nên tôi cũng học được nhiều điều đến với các cụ thì tôi cũng coi bệnh nhân như là bố mẹ mình”, chị Ngọc bày tỏ.

“Bà mối” của hàng chục gia đình trên “miền đất chết”

Trước kia Trại phong Quả cảm rất khó khăn và thiếu thốn, những con đường hầu như chỉ rải sỏi, nhà tranh vách đất, ẩm ướt và u ám… Giờ đây được thay thế bằng những con đường lát bê tông, những ngôi nhà xây kiên cố. Đó là nhờ bà Nguyễn Thị Xuân vận động các nhà tài trợ giúp đỡ.

Từng làm việc với y tế Nguyễn Thị Xuân một thời gian dài ở cương vị Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh, bác sĩ Nguyễn Đức Vinh cho biết: “Các trại phong miền Bắc cô ấy đến giúp đỡ các bệnh nhân phong. Tất cả sinh hoạt, kể cả con em bệnh nhân phong, làm nhà làm cửa cho bệnh nhân phong. Nói chung là giúp nhiều cho bệnh nhân phong, trong đó có trại phong Quả cảm. Tất cả cô ấy tự bố trí, sắp xếp thời gian. Gương của cô ấy thì anh em trong cơ quan rất là khâm phục, chịu thương chịu khó, đặt tình cảm lên trên hết, rất quan tâm tới bệnh nhân và cũng là 1 tấm gương tiêu biểu làm việc theo Bác Hồ”.

Trại phong Quả Cảm có tất cả 300 bệnh nhân sống biệt lập trong ngọn đồi đìu hiu của trung tâm và không thể làm gì khác ngoài việc ngồi chờ đợi. Không bao giờ bà Nguyễn Thị Xuân tỏ ra chán nản, trái lại còn như được truyền động lực, là được sống trong tập thể tràn ngập tình yêu thương với những bệnh nhân tuy đau khổ về thể xác nhưng không bao giờ đánh mất niềm tin ấy.

“Cô Xuân lên đây từ năm 89, năm 90 là bệnh viện này chưa có nhà cửa, đường xá như thế này. Cô hy sinh cả 1 cuộc đời vào đây ở với bệnh nhân. Thấy các cụ đau yếu lại đến hỏi han, thậm chí cho quà, thuốc men và xin cho các cháu được ăn học. Từ nhỏ đến già coi cô như mẹ hiền”, cụ Nguyễn Xuân Phước đã gắn bó với Trại phong Quả cảm nhiều năm xúc động.

Không chỉ giúp cho cuộc sống của những người bệnh đỡ khó khăn hơn mà qua tay “bà mối” Xuân hàng chục gia đình đã hình thành tại cái nơi mà từng được mệnh danh là “miền đất chết” này – những người mà tưởng như cuộc đời đã bỏ quên họ từ lâu, nói gì dám mơ đến việc lập gia đình, có con cái. Đó là các gia đình anh Chất chị Đoàn, anh Thủy chị Hường, anh Tư chị Hoa… Với vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung và chị Nguyễn Thị Hòa thì bà Xuân như người mẹ thứ hai.

- Anh em ở đây với các cụ ở đây coi cô Xuân như người mẹ. Cô động viên về tinh thần, giúp đỡ về tinh thần và vật chất cũng có. Phải nói là chúng tôi thấy rất phấn khởi.

- Cô Xuân cũng giúp chúng em về bên này, cưới cô cho chuyến xe, rồi về đây cô xin tiền làm nhà cho chúng em ở. Nhờ có cô mà chúng em có nhà ở.

35 năm sau ngày làm việc tại trung tâm bệnh phong, đến nay, khóe mắt đã in hằn những dấu chân chim, nhưng bà Xuân vẫn không muốn rời xa nơi này. Bà Xuân tóc điểm trắng, nói rất nhẹ và không nói về những việc mình đã làm. Số phận, như một định mệnh, đã gắn bà với nơi này. Gió số phận vẫn thổi mạnh… để thấy rằng khi con người biết yêu thương và san sẻ thì có thể bước qua mọi bất hạnh của cuộc đời.

Bài liên quan
Sao Việt 6/12: Khoe tóc mới, Hoài Lâm bị chê kém đẹp trai, phong độ
Sao Việt 6/12: Hoài Lâm vừa thay đổi kiểu tóc trông rất khác lạ, tuy nhiên nhiều khán giả nhận xét trông anh kém phong độ và đẹp trai so với hình ảnh quen thuộc trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt
Chiều 23/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác.
  • Yến Sào Thiên Triều: Quà Tết ý nghĩa, gắn kết yêu thương
    VOVLIVE - Tết Nguyên Đán là thời khắc thiêng liêng của năm, không chỉ là thời điểm đoàn viên mà còn là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tri ân, yêu thương và gắn kết. Trong văn hóa người Việt, món quà Tết không đơn thuần chỉ là vật phẩm, mà còn gửi gắm thông điệp về tình cảm, sự quan tâm và lời chúc bình an, sức khỏe đến người nhận. Yến Sào Thiên Triều – món quà cao cấp chuẩn xuất khẩu Mỹ, chính là lựa chọn hoàn hảo cho một món quà Tết sang trọng và mang nhiều ý nghĩa.
  • Yến Sào Thiên Triều: Quà Tết ý nghĩa, gắn kết yêu thương
    VOVLIVE - Tết Nguyên Đán là thời khắc thiêng liêng của năm, không chỉ là thời điểm đoàn viên mà còn là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tri ân, yêu thương và gắn kết. Trong văn hóa người Việt, món quà Tết không đơn thuần chỉ là vật phẩm, mà còn gửi gắm thông điệp về tình cảm, sự quan tâm và lời chúc bình an, sức khỏe đến người nhận. Yến Sào Thiên Triều – món quà cao cấp chuẩn xuất khẩu Mỹ, chính là lựa chọn hoàn hảo cho một món quà Tết sang trọng và mang nhiều ý nghĩa.
  • Việt Nam ký 16 hợp đồng, trị giá 286 triệu USD tại Triển lãm Quốc phòng 2024
    Các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội đã ký kết 16 hợp đồng, tổng giá trị 286,3 triệu USD trong khuôn khổ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp