Thông tin được PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết tại Toạ đàm “Những đổi mới trong chăm sóc sức khoẻ tim mạch và điều trị đột quỵ”, chiều 5/12. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học và Công nghệ VinFuture 2024.
PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên toàn thế giới. Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mắc mới mỗi năm, trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật ở mức cao. Điều này trở thành gánh nặng cho ngành y tế và xã hội.
Đột quỵ đang trẻ hóa và là nỗi lo của mỗi gia đình, nhưng vẫn còn nhiều người chủ quan với dấu hiệu của bệnh. “Chúng tôi đang đề xuất với Bộ Y tế để có chương trình quốc gia về phòng chống, quản lý bệnh nhân đột quỵ. Ba mục tiêu chính được đặt ra đó là giảm tỷ lệ mắc mới, tỷ lệ tử vong, tỷ lệ tàn phế”, ông Tôn nói.
Tình trạng đột quỵ gia tăng ở người trẻ hiện nay đến từ nhiều nguyên nhân. Ví dụ chủ quan, không kiểm soát bệnh tăng huyết áp, thể có bệnh nền mạn tính, chế độ dinh dưỡng không cân bằng, thói quen ăn mặn, không vận động, hút thuốc, uống rượu; hoặc do bệnh truyền nhiễm như cúm mùa, zona thần kinh, COVID-19.
Tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em và người lớn, đặc biệt ở người lớn tuổi, người có bệnh nền không chỉ giúp phòng bệnh mà còn giảm biến chứng tác động lên não và tim.
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, thực tế có rất nhiều giải pháp để ngăn ngừa đột quỵ, như nâng cao nhận thức của người dân để thấy được mức độ nguy hiểm của bệnh đột quỵ; tuyên truyền để người dân nhận biết được các yếu tố nguy cơ, từ đó điều chỉnh để hạn chế dẫn đến đột quỵ.
Tuyên truyền để người dân thay đổi lối sống, từ bỏ thói quen xấu như hút thuốc lá, uống bia rượu, vận động thể dục thể thao hằng ngày, thay đổi chế độ ăn. Thực tế ghi nhận ở Việt Nam rất nhiều người ăn mặn, vì vậy các cấp ngành cần tuyên truyền để người dân giảm được lượng muối đưa vào cơ thể hằng ngày.
Nếu người dân phát hiện tăng huyết áp thì cần duy trì thuốc thường xuyên, suốt đời, tránh tình trạng khi thấy huyết áp ổn định lại tự ý bỏ thuốc. Mọi người cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thăm khám định kỳ để điều chỉnh thuốc và phát hiện sớm các biến chứng.
Giáo sư Valery Feigin, Giám đốc Viện nghiên cứu Đột quỵ và Khoa học thần kinh ứng dụng quốc gia, Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand) nhận định, gánh nặng đột quỵ ở Việt Nam, đặc biệt là người trẻ tuổi đang tăng nhanh.
Nguyên nhân chính là huyết áp cao, lối sống không lành mạnh, đặc biệt thói quen hút thuốc, thiếu hoạt động thể chất, chế độ ăn uống không lành mạnh như sử dụng quá nhiều rượu bia và một số nguyên nhân khác từ rối loạn nhịp tim.
Để kiểm soát những vấn đề này, người trẻ cần nhận thức được nguy cơ đột quỵ và những yếu tố rủi ro cần đặc biệt kiểm soát. "Tuy nhiên, đáng tiếc là hầu hết mọi người không nhận thức được nguy cơ của bệnh", ông nói và cho hay các yếu tố rủi ro đột quỵ ở mỗi người trẻ tuổi lại khác nhau.
Theo giáo sư Valery Feigin, thách thức lớn nhất hiện nay là đột quỵ đang gia tăng và vẫn chưa có chiến lược hiệu quả nào để phòng ngừa. Có bằng chứng thuyết phục cho thấy giải pháp này có thể giảm 50% các trường hợp đột quỵ ở Việt Nam và các quốc gia khác. Giải pháp đã được Tổ chức Đột quỵ Thế giới hỗ trợ.
Ông cho biết thêm, các chương trình phòng ngừa hiện có tại Việt Nam không khác biệt nhiều so với các chương trình ở các quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình khác. Do đó, ông sẽ cung cấp một chiến lược mới mang tính cách mạng để phòng ngừa đột quỵ và bệnh tim mạch thông qua các công cụ kỹ thuật số, vốn được chứng minh là có hiệu quả ở một số quốc gia khác.