Chuyên gia Liên hợp quốc: Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp giá trị cao

Phương Anh | 17/04/2025, 15:50

Ông Maximo Torero, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho rằng Việt Nam có thế mạnh nông nghiệp giá trị cao, hướng đến phát triển bền vững.

Trả lời phóng viên bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam 2025, ông Maximo Torero, Kinh tế trưởng, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) nhận định về những tiến bộ đáng kể và vai trò tiên phong của Việt Nam trong các nỗ lực chuyển đổi xanh và chống biến đổi khí hậu, kiến tạo nông nghiệp bền vững trong khu vực.

- Ông bình luận thế nào về vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy các sáng kiến tại Hội nghị P4G lần này? Một nước nông nghiệp như Việt Nam có thể đối mặt với những thách thức nào?

Việt Nam là một quốc gia đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây. Hiện nay, Việt Nam đang tài trợ cho sáng kiến P4G và hướng đến việc chuyển đổi hệ thống nông nghiệp–thực phẩm theo hướng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này rất quan trọng bởi vì các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Do đó, các quốc gia cần phải tăng cường khả năng chống chịu với những thay đổi này, bao gồm: nhiệt độ khắc nghiệt, thiếu hoặc thừa nước, biến đổi khí hậu, di cư của loài và con người, cũng như sự tiến hóa của sâu bệnh.

Việt Nam cần chuẩn bị cho những thách thức đó. Điều đáng ghi nhận là ngoài yếu tố thích ứng, chúng tôi cũng đánh giá cao nỗ lực chuyển đổi bền vững theo thời gian mà Việt Nam đang thực hiện trong khuôn khổ P4G. Mục tiêu là đảm bảo khả năng sản xuất thực phẩm ổn định lâu dài – cho hôm nay và cả ngày mai.

Tôi đã đến Việt Nam cách đây khoảng 20 năm và nhận thấy sự chuyển mình mạnh mẽ. Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp tục hướng đi này, nhưng tất nhiên, cũng tồn tại không ít thách thức.

Ngành nông–lương thực đóng vai trò quan trọng không chỉ vì đảm bảo quyền được ăn, mà còn tạo điều kiện cho một chế độ ăn lành mạnh, giúp giảm thiểu các bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, hệ thống này cũng để lại nhiều tác động ngoại vi như phát thải khí nhà kính (chiếm khoảng 1/3 tổng lượng phát thải toàn cầu), sử dụng tài nguyên đất, nước và ảnh hưởng tới đa dạng sinh học.

Điều cần thiết là phải sản xuất theo cách bền vững để giảm thiểu những tác động đó. Điều này không miễn phí – nó cần đầu tư, nhưng lợi ích mang lại là lâu dài: thực phẩm tốt cho mọi người, không chỉ cho hôm nay mà cả tương lai. Việt Nam đang đi đúng hướng khi đầu tư cho mục tiêu bền vững này.

Ông Maximo Torero, Kinh tế trưởng, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO). (Ảnh: Kiều Anh)
Ông Maximo Torero, Kinh tế trưởng, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO). (Ảnh: Kiều Anh)

- FAO có những hợp tác như thế nào với Việt Nam để thúc đẩy các mục tiêu?

Trong khuôn khổ hợp tác giữa FAO và Việt Nam, chúng tôi đang tập trung vào bốn lĩnh vực chính: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn – được tích hợp trong chiến lược đến năm 2030 của FAO. Các yếu tố thúc đẩy gồm: khoa học, đổi mới, dữ liệu và thể chế.

Hiện tại, FAO đang hợp tác với Việt Nam thông qua Quỹ Khí hậu Xanh và các sáng kiến khác để đưa khoa học vào thực tiễn, tối ưu hóa sản xuất và hỗ trợ nông dân nhỏ thoát nghèo. Chúng tôi cũng đang cùng Việt Nam tiến hành sáng kiến Hand-in-Hand, một phương pháp tiếp cận lãnh thổ giúp gia tăng hiệu quả sản xuất và lợi ích cho người nông dân.

Chúng tôi đang cố gắng đạt đồng thời hai mục tiêu: chấm dứt nạn đói (SDG 2) và tuân thủ cam kết giới hạn nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5°C theo Thỏa thuận Paris. Cả hai mục tiêu này đều đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và hành động cụ thể.

Việt Nam không có một mô hình nông nghiệp duy nhất – thay vào đó là nhiều mô hình tùy thuộc vào bối cảnh và thách thức cụ thể. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp giá trị cao, hệ thống tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, và có thể mở rộng quy mô sản xuất thông qua các mô hình hợp tác.

Phiên thảo luận cấp cao tại P4G 2025. (Ảnh: KT)
Phiên thảo luận cấp cao tại P4G 2025. (Ảnh: KT)

- Ông có nhận định gì về chủ đề hội nghị P4G năm nay và các sáng kiến công nghệ được đưa ra? Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu nông nghiệp bền vững của Việt Nam như thế nào?

Chủ đề của hội nghị thượng đỉnh P4G năm nay – “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” – là rất phù hợp. Đây chính là cách tiếp cận cần thiết để cân bằng giữa hiệu quả, công bằng và tính bền vững.

Khuyến nghị của tôi với Việt Nam và các quốc gia P4G khác là: hãy tiếp tục đẩy mạnh việc đưa khoa học, bằng chứng và dữ liệu vào hành động. Để tăng khả năng chống chịu với khí hậu, các nước cần đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm, công nghệ giống cây trồng chịu hạn, chịu lũ và chống sâu bệnh.

Tại các hội nghị khí hậu như COP29, vấn đề tài chính khí hậu cần thay đổi. Hiện chỉ có khoảng 3–4% nguồn lực được phân bổ cho nông nghiệp–thực phẩm, trong khi đây là lĩnh vực thiết yếu và có thể cải thiện rất nhiều. Con số đó nên tăng lên 30–40%.

Về khởi nghiệp và công nghệ, tôi đánh giá cao các sáng kiến đổi mới được trưng bày tại triển lãm. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô và tác động, các sáng kiến này cần được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Trí tuệ nhân tạo (AI) là một công cụ tiềm năng lớn nếu được áp dụng đúng cách – chẳng hạn như các ứng dụng nhận diện bệnh cây, cung cấp khuyến nông bằng ngôn ngữ bản địa.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đề phòng nguy cơ "bị cô lập" kỹ thuật số. Các nông dân nhỏ có thể không tiếp cận được công nghệ nếu không có đầu tư công vào hàng hóa công cộng – đây là trách nhiệm của các chính phủ và cũng là mục tiêu mà FAO đang theo đuổi.

Với các quốc gia phát triển, họ có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế xanh toàn diện. Họ cần hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và tạo điều kiện để các quốc gia thu nhập thấp có thể chuyển đổi bền vững. Khí hậu là hàng hóa công cộng toàn cầu – và tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm.

Phương Anh
Bài liên quan
Tổng Bí thư: Việt Nam cam kết phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng
VOVLIVE - Tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 lần thứ tư (P4G), Tổng Bí thư Tô Lâm tái khẳng định cam kết phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng và mục tiêu trung hòa các-bon năm 2050 của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư: Việt Nam cam kết phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng
VOVLIVE - Tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 lần thứ tư (P4G), Tổng Bí thư Tô Lâm tái khẳng định cam kết phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng và mục tiêu trung hòa các-bon năm 2050 của Việt Nam.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp