Chuyên gia dự báo dịch bệnh truyền nhiễm trong năm nay

Ánh Tuyết/VOV2 | 09/04/2025, 09:37

Ngoài sởi, cúm, sốt xuất huyết, các dịch bệnh truyền nhiễm khác cũng vẫn đang rình rập, có nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng trong thời gian tới.

Theo số liệu của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi trên cả nước gia tăng nhanh chóng. Bên cạnh đó, dịch bệnh cúm mùa cũng đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cũng tăng vượt mức so với cùng kỳ năm ngoái và trung bình 3 năm trước, báo hiệu nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát sớm trong thời gian tới. Tại các bệnh viện cũng ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân mắc viêm não mô cầu, thủy đậu, ho gà...

TS.BS Vũ Quốc Đạt - Giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội, thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO nhận định, trong năm nay, ngoài sởi, cúm, sốt xuất huyết, các dịch bệnh truyền nhiễm khác như thủy đậu, quai bị, rubella... vẫn có nguy cơ bùng phát. Cùng với đó, các dịch bệnh tái nổi và mới nổi như sốt rét, đậu mùa khỉ, các chủng cúm mới… cũng có nguy cơ rất cao xâm nhập vào nước ta và bùng phát do giao thương, đi lại, du lịch của người dân giữa các quốc gia ngày càng mở rộng.

Lý giải về hiện tượng một số dịch bệnh truyền nhiễm không còn theo quy luật chu kỳ hoặc theo mùa nữa mà xảy ra quanh năm và có sự gia tăng rõ rệt về tỉ lệ mắc trong cộng đồng, TS.BS Vũ Quốc Đạt lý giải, nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu cũng như di biến động về dân cư giữa các vùng miền, các quốc gia tạo điều kiện cho mầm bệnh tồn tại và phát triển và lây lan một cách dễ dàng hơn.

“Với sự phát triển của hệ thống y tế thì hiện chúng ta vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng kiểm soát là hạn chế sự lây lan, hạn chế các ca bị nặng phải nhập viện và các trường hợp tử vong. Còn nếu như mắc bệnh, mỗi người trong chúng ta vẫn chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Đó là việc phải nghỉ học, nghỉ làm dẫn đến giảm năng suất lao động. Tất cả những điều đó đều là tác động tiêu cực của dịch bệnh đến cộng đồng” – TS.BS Vũ Quốc Đạt cho biết.

Để phòng các dịch bệnh truyền nhiễm, theo TS.BS Vũ Quốc Đạt, biện pháp đầu tiên cần được chú trọng, đó là duy trì bền vững tỉ lệ trẻ được tiêm vaccine trong cộng đồng.

“Đối với toàn nhân loại thì tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất và hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát cũng như các trường hợp mắc bệnh nặng và tử vong. Tôi nghĩ rằng, sự bùng phát các dịch bệnh đã có vaccine trong thời gian qua không đơn thuần là do sự gián đoạn về sự cung ứng cũng như tiếp cận vaccine trong thời gian đại dịch COVID-19. Chúng ta phải thừa nhận rằng việc sử dụng vaccine phòng bệnh trong nhiều năm chưa được phổ cập tới tất cả mọi người trong cộng đồng. Sự bùng phát dịch là tích lũy các trường hợp không được miễn dịch với bệnh trong nhiều năm. Cho nên tôi nghĩ việc duy trì tỷ lệ tiêm phòng hàng năm rất quan trọng, không phải chỉ trong một thời gian ngắn hay trong những chiến dịch tiêm phòng mà chúng ta phải đảm bảo độ bao phủ vaccine với tỉ lệ cao ở tất cả các năm cũng như tất cả trẻ em đều được tiêm phòng vaccine một cách phù hợp” - BS Vũ Quốc Đạt nêu quan điểm.

Cũng theo vị bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, biện pháp thứ hai rất đơn giản nhưng vô cùng quan trọng đối với cả hệ thống y tế dự phòng cũng như hệ thống điều trị trong việc giảm số ca mắc, số ca tử vong do dịch bệnh truyền nhiễm, đó là vệ sinh bàn tay.

“Việc rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc các chất sát khuẩn có thể giúp chúng ta chúng phòng bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa đồng thời cũng là biện pháp rất hữu hiệu giúp cho chúng ta phòng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Cho nên tiêm vaccine và vệ sinh bàn tay là hai biện pháp kinh điển nhưng là những biện pháp vô cùng quan trọng để chúng ta có thể phòng dịch bệnh một cách hiệu quả” – TS.BS Vũ Quốc Đạt nhấn mạnh.
Là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Vũ Quốc Đạt đề xuất, cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục về công tác phòng bệnh cho cộng đồng, đặc biệt là cho trẻ em để ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã luôn có ý thức phòng ngừa cũng như biết cách bảo vệ bản thân trước các dịch bệnh truyền nhiễm.

“Ví dụ, ngay từ khi còn rất nhỏ, trẻ nên được hướng dẫn về việc rửa tay sao cho đúng cách. Hay khi bị ho hay hắt hơi, trẻ nên có thói quen che miệng hoặc sử dụng khăn giấy để hạn chế việc lan truyền những giọt bắn sang người khác. Hoặc nếu mà bị ốm thì trẻ sẽ có ý thức thông báo với bố mẹ, thầy cô để có thể được chăm sóc riêng hoặc cách ly…Tôi nghĩ là chúng ta cần phải tích hợp mạnh mẽ hơn nữa về việc giáo dục cho trẻ em trong nhà trường về các bệnh truyền nhiễm. Và tôi cũng hy vọng là các bác sĩ sẽ dành được nhiều thời gian hơn để có thể chia sẻ cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo cũng như các nhà trường về việc phòng chống các dịch bệnh này” – TS.BS Vũ Quốc Đạt nói.

Bài liên quan
Nhiều ca sởi ở người lớn biến chứng nặng phải điều trị tại Viện Y học Nhiệt đới
Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 10-20 ca mắc sởi ở người lớn, trong đó nhiều bệnh nhân biến chứng nặng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp...

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư: Hội nghị Trung ương 11 sẽ bàn sắp xếp đơn vị hành chính
VOVLIVE - Liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Tổng Bí thư Tô Lâm thông tin, tới đây Hội nghị Trung ương 11 sẽ họp bàn về sắp xếp các đơn vị hành chính, cân nhắc điều chỉnh địa giới hành chính gắn với điều chỉnh không gian kinh tế.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp