PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường cho biết: Bệnh nhân nam 51 tuổi, có tiền sử đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khi nhập viện đã có biểu hiện viêm phổi, suy hô hấp phải can thiệp đặt ống nội khí quản, thở máy và lọc máu. Sau 2 tuần điều trị bệnh nhân đã không qua khỏi.

Một bệnh nhân nữ khác 50 tuổi có bệnh lý nền là u lympho mắc sởi cũng đang phải thở máy và lọc máu, tình trạng cũng đang rất nguy kịch. Tại Việt Nam, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn, nhóm đối tượng có bệnh nền hoặc miễn dịch suy giảm sẽ nguy cơ diễn biến nặng.
Trung bình mỗi ngày Viện Y học nhiệt đới có 10-20 ca bệnh sởi người lớn đến khám và điều trị. Đáng nói, phần lớn những ca bệnh nặng đều chưa được tiêm phòng hoặc trước có tiêm phòng sởi nhưng không tiêm nhắc lại.
“Các bệnh nhân nặng thường có biến chứng như viêm phổi, viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy, tăng men gan, suy gan, suy đa phủ tạng phải lọc máu, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản,… Những trường hợp có bệnh nền như ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch có nguy cơ diễn tiến nặng.”, PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường cảnh báo.
Theo các chuyên gia, bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, dễ bùng phát trong cộng đồng nếu không được kiểm soát. 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trung bình 1 người mắc sởi có thể lây cho 12 đến 18 người khác.

Bệnh sởi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể điều trị triệu chứng phối hợp điều trị kháng sinh. Tuy nhiên bệnh có thể phòng chống được bằng việc tiêm phòng vaccine sởi. Đây là loại vaccine có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm cho trẻ từ 9 tháng, sau đó được tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi hoặc 2 tuổi. Đối với người lớn, khi hệ miễn dịch giảm thì cũng cần được tiêm phòng sởi nhắc lại. Nếu chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng, cần tiêm nhắc lại vaccine sởi-quai bị-rubella (MMR). Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên tiêm phòng những bệnh khác như cúm, viêm gan, phòng chống lao,...
“Vaccine sởi là một loại vaccine rất an toàn và hiệu quả, đã được Bộ Y tế khuyến cáo tất cả trẻ em đều cần được tiêm và tiêm nhắc lại. Việc tiêm vaccine đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn giúp kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng”, PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.
Nhiều người chủ quan cho rằng sởi chỉ là bệnh nhẹ, chỉ là sốt thông thường và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Họ nghĩ rằng người lớn sẽ không bị nhiễm vì trước đó đã mắc bệnh sởi rồi, hoặc hồi nhỏ đã tiêm rồi nên không cần tiêm phòng nữa. Sởi không đơn giản như nhiều người lầm tưởng.
PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, thời tiết thay đổi bất thường như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan của các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là bệnh sởi. Với người cao tuổi có bệnh nền, suy giảm miễn dịch khi nhiễm sởi rất dễ nhiễm vi khuẩn đa kháng, sẽ làm tình trạng bệnh nặng lên.
Vì vậy, hãy chủ động phòng ngừa trước khi quá muộn. Khi có triệu chứng sốt, phát ban, ho kéo dài, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.