Chủ tịch Quốc hội: Tăng cường phân cấp, phân quyền trong phòng chống ma túy

Lê Tuyết/VOV | 03/11/2024, 15:00

Sáng 3/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; cho ý kiến dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, về thời gian thực hiện chương trình 5 năm từ năm 2025 đến hết năm 2030.

Mục tiêu cụ thể giảm cung, triệt xoá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy; giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Nguồn vốn dành cho chương trình là hơn 22.000 tỷ đồng.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030 với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã nêu tại tờ trình của Chính phủ và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình. Hồ sơ Chương trình được Chính phủ chuẩn bị nghiêm túc, đã tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước, cơ bản đáp ứng quy định của Luật Đầu tư công.

Góp ý vào chương trình, Thượng tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đặt câu hỏi về công tác quản lý nhà nước thời gian qua, khi các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ án liên quan đến ma túy lên đến hàng tấn, thậm chí có những nhà máy sản xuất ma túy ở trong nước.

"Chúng ta có lực lượng điều tra chuyên trách về phòng, chống ma túy của Bộ Công an và lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của biên phòng, rồi hải quan và cảnh sát biển và cả hệ thống chính trị. Nhưng ma túy vẫn vào Việt Nam bằng nhiều cách. Tôi đề nghị Chính phủ phải có những giải pháp bịt kín những sơ hở trong công tác quản lý biên giới, quản lý hải quan, quản lý hàng không. Sau những vụ thu được hàng tấn ma túy, chúng ta rút được kinh nghiệm gì, bây giờ trách nhiệm thuộc về ai, của lực lượng nào", Thượng tướng Lê Tấn Tới đặt vấn đề.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh thì cho rằng, cần đẩy mạnh việc theo dõi phát hiện sớm càng tốt việc sản xuất ma túy: "Đầu tiên là ứng dụng khoa học công nghệ và theo dõi để giám sát, phát hiện việc vận chuyển, tiêu thụ. Nếu phát hiện sớm được cả sản xuất nữa thì càng tốt. Trong việc sản xuất ma túy cũng phải qua những công đoạn như sản xuất ra tiền chất, rồi tổng hợp ra một khối lượng lớn. Nếu có quy trình, điều kiện phương tiện và có lực lượng chuyên nghiệp hơn để tổ chức giám sát ngay từ đầu thì khả năng phát hiện sẽ tốt hơn".

Đồng tình với việc cần thiết ban hành chương trình trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định băn khoăn về nguồn vốn dành cho chương trình còn ít, nên cần chú trọng ưu tiên vào các mục tiêu cần thiết hơn.

"Với hơn 22.000 tỷ đồng là nguồn vốn rất ít, cho nên phải hạn chế dùng nguồn vốn này vào đầu tư xây dựng, phải dành những công việc rất trọng tâm như tâm tuyên truyền, giáo dục ở cơ sở, tất cả 7 nhiệm vụ đề ra tôi thấy đều rất cần. Vốn ít nên việc dành vào đầu tư xây dựng thì hết sức hạn chế. Mua sắm máy móc, thiết bị và đầu tư cho khoa học thì được. Trong năm 2025, phải dành thời gian rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp quy và các văn bản để vừa phòng, vừa chống, vừa giảm cầu, vừa giảm cung, vừa giảm tác hại của ma túy", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là chương trình quan trọng đối với quốc gia. Bởi, hiện nay số lượng người nghiện ma túy ngày càng cao, dẫn đến nhiều dạng tệ nạn xã hội khác. Vì vậy, công tác phòng chống vẫn phải được đặt lên hàng đầu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, vì sao công tác phòng chống ma túy thời gian qua đã quyết liệt nhưng tình trạng buôn bán ma túy vẫn gia tăng, số lượng người sử dụng trái phép ma túy còn nhiều; việc đưa ra mục tiêu đến năm 2030 các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100% liệu có thực hiện được hay không; nguồn vốn bố trí đã hợp lý hay chưa; có cần thiết ban hành cơ chế đặc thù hay không; chương trình có bị trùng lặp với những chương trình mục tiêu quốc gia khác hay không?

"Bài học từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vấn đề cơ chế phối hợp là phân công nhiệm vụ, trách nhiệm các cơ quan trong chương trình; trách nhiệm phối hợp các bộ, ngành liên quan. Chúng ta phải nghiên cứu kỹ để giải quyết vấn đề này làm sao cho thấu đáo, đảm bảo gọn đầu mối, giảm số lượng văn bản hướng dẫn, tăng cường phân cấp, phân quyền", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, việc đầu tiên trong hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội cần phải đánh giá lại việc thực hiện Luật Phòng chống ma túy, đặc biệt là việc ban hành các văn bản quy phạp pháp luật được triển khai như nào trên thực tế. Đồng thời cần bổ sung các tổ chức chính trị, MTTQ, các đoàn thể, nhà trường, xã hội, gia đình để phối hợp thực hiện chương trình.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, không có người bán sẽ không có người sử dụng ma túy, nên cần chú trọng đến công tác ngăn chặn, phòng ngừa và truy quét các đối tượng mua bán, sản xuất ma túy. Nếu được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần sớm chuẩn bị hướng dẫn việc thực hiện hiệu quả, chất lượng.

Làm rõ thêm về nguồn vốn dành cho chương trình còn hạn chế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận con số hơn 22.000 tỷ đồng còn khiêm tốn so với các chương trình khác; đề nghị Quốc hội thông qua và trong quá trình triển khai thực hiện sẽ vừa làm, vừa sơ kết, vừa rút kinh nghiệm để thực hiện.

Giải trình về những băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội cũng như các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo không trùng lặp với chương trình khác và đáp ứng yêu cầu đặt ra. Có những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đề nghị Quốc hội linh hoạt để Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương tiếp thu ý kiến tối đa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp thẩm tra, tiếp tục hoàn thiện chương trình và dự thảo nghị quyết.

Trong đó, quán triệt quan điểm đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước đã nêu tại Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị; tiếp tục rà soát, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, sự tương thích, phù hợp của các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với dự kiến bố trí nguồn lực tương xứng với mục tiêu, tiêu chí, tính chất của chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, rà soát các quy định của pháp luật sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình, tiếp tục quan tâm hợp tác quốc tế các nước trong khu vực, nhất là với Lào, Myanmar, Campuchia để giảm cung.           

Ngăn chặn trục lợi chính sách hoặc để đất hoang hóa

Cũng trong sáng 3/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Nhà ở năm 2023 không quy định điều kiện về loại đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại mà dẫn chiếu sang quy định tại Luật Đất đai. Theo quy định tại Điều 127 của Luật Đất đai năm 2024 việc thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất ở hoặc đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở....

Mặt khác, theo quy định tại Điều 79 Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn

Việc triển khai dự án đầu tư, kinh doanh nhà ở thương mại hiện nay gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ sở pháp lý, điều kiện cho trường hợp nhận quyền sử dụng đất không phải là đất ở hoặc đang có quyền sử dụng đất không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại nên đối với các trường hợp này không được chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện dự án. Từ những lí do trên, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội để “thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất” là cần thiết.

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các ý kiến phát biểu, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ trình Quốc hội quyết định việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất để thể chế hóa chủ trương của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho người dân, đáp ứng yêu cầu về nhà ở.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, bổ sung đánh giá chi tiết về tình hình thực tiễn phát triển nhà thương mại, làm rõ số liệu cụ thể và các dự án còn vướng mắc trong trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2024 có hiệu lực và các dự án còn vướng mắc sau khi Luật Nhà ở năm 2024 có hiệu lực cho đến nay của các địa phương. Làm rõ cơ sở căn cứ về tính cấp thiết, tính hiệu quả, khả thi và sự phù hợp với các kết luận của cấp có thẩm quyền về việc cho thí điểm thực hiện dự án nhà thương mại thông qua thảo luận về nhận quyền sử dụng đất ở hoặc có quyền sử dụng đất ở cho tất cả các loại đất theo quy định ở Luật Đất đai năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.

Chính phủ cần làm rõ thêm đối với các điều kiện, tiêu chí lựa chọn và dự án thí điểm, các tiêu chí cần cụ thể, rõ ràng, minh bạch hơn và có thứ tự ưu tiên để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thực hiện các dự án thí điểm. Việc thực hiện thí điểm phải đảm bảo tuân thủ diện tích trồng lúa, tỷ lệ che phủ rừng, các chỉ tiêu về đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Chính phủ phải dự báo đầy đủ rủi ro, đề xuất đưa vào Nghị quyết Quốc hội các quy định phù hợp hoặc thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền, ngăn chặn tiêu cực, đầu cơ, trục lợi chính sách hoặc để đất hoang hóa, hoặc đầu tư nhà thương mại tràn lan vượt nhu cầu, dẫn đến bỏ không lãng phí hoặc gây các hệ lụy khác cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Bài liên quan
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sáp nhập huyện, xã của Hà Nội và TP.HCM
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của 12 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội và TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét sáp nhập đơn vị hành chính ở 12 tỉnh thành
VOVLIVE - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
  • Việt Nam - Peru ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương
    Trong chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 12 - 14/11/2024 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Peru, hai nhà Lãnh đạo đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam - Peru.
  • Hà Nội dự kiến chi 10.000 tỉ đồng/năm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức
    VOVLIVE - UBND thành phố Hà Nội đang xây dựng dự thảo đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
  • Việt Nam - Ấn Độ coi trọng việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương
    VOVLIVE - "Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm chung về triết lý phát triển, tầm nhìn và định hướng chính sách cũng như chiến lược hành động để phát triển đất nước, nhất là cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là nền tảng để hai nước củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước".
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp