Chủ tịch Quốc hội dự IPU-150: Phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam

Lê Tuyết/VOV | 01/04/2025, 07:00

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Phu nhân sẽ tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150) đóng góp vào tăng cường chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đoàn kết quốc tế, phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam.

Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Tulia Ackson và Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Phu nhân sẽ tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Armenia từ ngày 2-5/4/2025.

Việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 150 là một dấu ấn đặc biệt, cho thấy khí thế mới và sự cam kết rất cao của Việt Nam tại diễn đàn nghị viện đa phương quan trọng này, trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay đòi hỏi mỗi quốc gia phải chung tay cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề ra các sáng kiến để giải quyết những thách thức chung.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự IPU-150 là dấu ấn đặc biệt

Kể từ khi trở thành thành viên của IPU từ năm 1979, Quốc hội Việt Nam luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này. Việc tham dự các hoạt động của IPU là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội, nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của Việt Nam, tham khảo quan điểm của các nước về các vấn đề quốc tế, thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu, tiến hành các hoạt động song phương bên lề với các đối tác mà Việt Nam ít có điều kiện triển khai hoạt động song phương chính thức, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh và Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong cho rằng: "Quốc hội Việt Nam đã tham gia đầy đủ và tích cực có trách nhiệm vào tất cả các hoạt động chính của Liên minh Nghị viện thế giới, đặc biệt là các kỳ Đại hội đồng. Tại các kỳ Đại hội đồng này, Việt Nam cũng đã tham gia đóng góp ý kiến đưa ra nhiều sáng kiến trong nỗ lực chung của Liên minh Nghị viện thế giới cũng như nghị viện các nước, đặc biệt là trong việc thúc đẩy hòa bình hợp tác và phát triển, trong đó có việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững".

Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn của IPU, nhiều lần giữ các vị trí lãnh đạo trong các cơ chế của IPU, đặc biệt từng đăng cai tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 (2015) và Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội (2023). Những đóng góp của Quốc hội Việt Nam được Ban thư ký và các thành viên IPU coi trọng, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác nghị viện, thúc đẩy kết nối tại khu vực Châu A - Thái Bình Dương.

Đại hội đồng IPU-150 có chủ đề "Hành động của nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội". Chủ đề và tinh thần hành động này của Đại hội đồng IPU-150 cũng hoàn toàn đồng điệu với tinh thần của Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển xã hội của Liên hợp quốc, sẽ được tổ chức tại Qatar vào tháng 11/2025.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Quốc hội Việt Nam tham dự IPU-150 với vị thế của một đất nước đầy khí thế bước vào kỷ nguyên mới, có nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật, trong đó người dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu, động lực của mọi chính sách phát triển. Với nội lực và khí thế đó, tại diễn đàn IPU-150, Quốc hội Việt Nam sẽ cùng nghị viện các nước trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm phát triển, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương trên các lĩnh vực cùng quan tâm, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước.

"Việc Người đứng đầu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU-150 lần này là minh chứng sống động cho thấy Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, coi trọng vai trò của IPU, cũng như tiếp tục khẳng định Quốc hội Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của IPU; nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam theo tinh thần Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương", bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Phu nhân sẽ tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150) đóng góp vào tăng cường chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đoàn kết quốc tế, phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam; tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ với các nước, các nghị viện thành viên IPU. Đề cao những thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế- xã hội, chính sách luôn lấy người dân làm trung tâm; nhấn mạnh vai trò của Quốc hội Việt Nam trong xây dựng và giám sát thực thi chính sách pháp luật để thúc đẩy sự phát triển bền vững, bảo đảm công bằng xã hội.

Việt Nam - Armenia: Hợp tác giữa Quốc hội hai nước tiếp tục được duy trì

Trên bình diện song phương, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam, cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Quan hệ hữu nghị truyền thông Việt Nam - Armenia tiếp tục phát triển tích cực, hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Về chính trị - ngoại giao, Armenia coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Hai nước duy trì hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp, bao gồm cấp cao.

Hai bên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, khuôn khổ đa phương, trong đó có Liên hợp quốc và Cộng đồng Pháp ngữ. Hợp tác giữa Quốc hội hai nước tiếp tục được duy trì, đặc biệt kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Armenia, trước đó chủ yếu là hoạt động tiếp xúc bên lề các hội nghị và diễn đàn đa phương như IPU, Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF). Quốc hội Armenia đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Armenia - Việt Nam (2021).

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước những năm gần đây được thúc đẩy tích cực sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực vào năm 2016. Kim ngạch thương mại năm 2023 đạt 342 triệu USD, năm 2024 đạt gần 500 triệu USD.

Armenia có một số dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Chu Lai, Quảng Nam với tổng vốn đăng ký đạt 12,9 triệu USD. Hai nước đã thiết lập cơ chế Uy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, họp khóa đầu tiên vào tháng 3/2017 tại Hà Nội.

Chuyến thăm chính thức Armenia của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân mang ý nghĩa chính trị sâu rộng, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống với Armenia và mong muốn củng cố tin cậy chính trị, tạo nền tảng để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Bài liên quan
Ưu tiên trình Quốc hội quyết định các nội dung phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy
VOVLIVE - Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ ưu tiên trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung thực sự cấp thiết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại Kỳ họp thứ 9.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper
VOVLIVE - Chiều 31/3, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Ngài Marc Knapper - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp