Chủ động các giải pháp “hạ nhiệt” dịch sởi

Chu Thúy Ngà/VOV1 | 30/03/2025, 15:35

Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, số ca mắc và ca nặng còn cao, chiều tối qua, Bộ Y tế đã có công văn hoả tốc yêu cầu các cơ sở y tế sẵn sàng tình huống bệnh nhân sởi, ca nặng gia tăng.

Có thể thấy trong giai đoạn hiện nay, dịch bệnh sởi chỉ có thể “hạ nhiệt” khi giảm được số ca nặng và số ca mắc trong cả nước.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương  đã tiếp nhận gần 3.000 bệnh nhân mắc sởi và nghi sởi điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện, trong đó có hàng chục trường hợp biến chứng nặng, phải thở máy. Để phòng tránh lây nhiễm chéo cũng như gia tăng ca sởi nặng, mới đây, bệnh viện đã có công văn gửi các cơ sở y tế về việc tiếp nhận, phân loại bệnh nhân mắc sởi từ các cơ sở y tế tuyến dưới trước khi chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương. Theo đó, người bệnh sởi đến khám tại bệnh viện được chỉ định theo dõi, điều trị tại nhà nếu đáp ứng các tiêu chuẩn như Sởi chưa có biến chứng, sốt mức độ vừa, đáp ứng với thuốc hạ sốt, toàn trạng tốt, tri giác tỉnh táo. 

Các bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi Trung ương nếu gặp tổn thương phổi kèm biểu hiện suy hô hấp hoặc có tổn thương nặng; Dấu hiệu toàn thân nặng như không uống được, bỏ bú, rối loạn ý thức, co giật, li bì; Sốt cao liên tục khó hạ kèm tăng đáp ứng viêm hoặc có biểu hiện nhiễm khuẩn toàn thân nặng; Dấu hiệu nặng lên của bệnh nền (hô hấp, tuần hoàn, ung thư, huyết học, gan, thận...hoặc biến chứng nặng của sởi như viêm não không đáp ứng điều trị, viêm cơ tim, viêm loét giác mạc, viêm tụy cấp…Đặc biệt, người thân không đi thăm khi bệnh nhi mắc bệnh sởi điều trị tại bệnh viện để hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng. TS.BS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện công tác điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn cho bệnh nhi mắc sởi đã được đảm bảo ở mức cao.

"Chúng ta phải tuân thủ các nguyên tắc phòng ngừa chuẩn của Bộ Y tế trong bệnh viện, bao gồm nhân viên y tế phải tuân thủ nguyên tắc thế nào, nhân viên y tế phải mũ khẩu trang, tiếp xúc bệnh nhân thông qua quy trình sát khuẩn tay như thế nào,, sát khuẩn bề mặt trong bệnh phòng như thế nào. Vấn đề thứ hai là thông khí, bệnh viện quy định phải thông khí phòng, mở cửa sổ hoặc quy định giờ mở cửa để thông khí ra ngoài. Tất cả các phòng  quản lý bệnh nhân phởi nhiễm hoặc bệnh nhi sởi đều có người đi giám sát"- TS.BS Cao Việt Tùng nói.

Tại khu vực phía Nam, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.500 ca sởi điều trị, không có ca tử vong, trong đó gần 70% ca bệnh từ các tỉnh chuyển đến. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện phải phân tuyến tốt hơn vì chỉ khoảng 20-30% số ca mắc sởi trong tổng số bệnh nhi cần nhập viện, còn lại có thể điều trị ngay tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Một trong những điều được các bậc cha mẹ quan tâm là làm sao nhận biết những dấu hiệu trở nặng hay những biến chứng của sởi để kịp thời đưa con đến cơ sở y tế?

TS.BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP. HCM chia sẻ: "Bệnh sởi có thể điều trị tại nhà nhưng phải theo dõi sát. Đầu tiên phải biết trẻ bị sởi, chúng ta cho uống vitamin A và theo dõi sát. Nếu đứa trẻ chích ngừa rồi, hoặc chích chưa đủ phải  qua nhiều ngày phát ban, còn đứa trẻ chưa chích ngừa hoặc chưa chích đủ có thể sốt rất cao, việc chính phải hạ sốt, ho rất nhiều giảm ho. Cái quan trọng phải chăm cho bé ăn, vì bênh sởi biếng ăn giữ lắm, đặc biệt khi thấy đứa nhỏ li bì hoặc thở nhanh, thở rút gọn, co giật là phải đưa đi bệnh viện ngay vì khả năng là biến chứng viêm phổi hay là viêm não rồi".

Theo Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 52.000 ca sởi, nhiều nhất là các tỉnh phía Nam. Sau kỳ nghỉ Tết, dịch sởi lan rộng ở miền Bắc, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Sau công điện 116/CĐ-TTg của Thủ tướng vào tháng 11/2024 về tăng cường phòng chống dịch sởi, nhiều địa phương đăng ký vaccxin nhưng còn hạn chế, các tỉnh còn chủ quan tiêm vaccine chậm. Thêm nữa, việc tổ chức tiêm chủng gần như chỉ có ngành Y tế vào cuộc, các ngành khác không tham gia nhiều, không huy động được người dân đến tiêm chủng.

Theo TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh, hiện còn một số địa phương có sự chậm trễ trong quản lý dẫn đến chậm trễ trong công tác chống dịch.

"Cái này liên quan chủ yếu đến công tác tổ chức tiêm, tức là phê duyệt kế hoach, bố trí ngân sách, mua sắm vật tư tiêu hao, vaccine Bộ Y tế đã mua tập trung và xin tập trung, tuy nhiên khi triển khai vướng là bố trí ngân sách tổ chức tiêm theo chiến dịch, rồi tổ chức tiêm phải tập huấn, vì thế nên chậm lại. Hiện nay một số mắc tăng lên là do tốc độ tiêm chậm hơn tốc độ lây lan của bệnh sởi này"- TS.BS Hoàng Minh Đức nói.

Đại diện Viện Pasteur cũng khẳng định nơi nào có sự vào cuộc của chính quyền địa phương thì công tác phòng chống dịch sởi ở nơi đó sẽ tốt vì rà soát được trẻ, tránh bỏ sót. Thông thường, sau tiêm chủng 2 tuần sẽ đạt được miễn dịch, nếu sau ngày 31/3, tỉnh nào để xảy ra số ca mắc cao là những địa phương tiêm chủng không tốt. Bộ Y tế đề nghị sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trách nhiệm của các địa phương này.

Trong tình hình dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, cha mẹ cần đưa trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vaccine sởi đi tiêm phòng. Trường hợp cha mẹ không nhớ rõ đã tiêm chủng cho trẻ đầy đủ hay chưa thì nên tiêm bổ sung bởi vaccine sởi không gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Thông tin từ các cơ sở y tế cho thấy, nhóm trẻ từ 9 tháng đến dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ mắc sởi cao nhất chiếm 73% số ca mắc. Trẻ dưới 6 tháng tuổi và từ 6 tháng đến 9 tháng tuổi mắc sởi chiếm 15%. Đặc biệt, hơn 90% trong tổng số ca mắc chưa được tiêm vaccine, 5% không rõ tiền sử tiêm chủng, và chỉ 4% trong tổng số ca mắc sởi đã được tiêm phòng.

Bài liên quan
Các bệnh viện sẵn sàng tình huống bệnh nhân sởi, ca nặng gia tăng
Chiều tối 29/3, Bộ Y tế có công văn hoả tốc chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường phân luồng, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong bối cảnh số bệnh nhân tăng cao từ đầu năm đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sỹ đi cứu hộ tại Myanmar
Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lưu ý, hiện nay tình hình an ninh chính trị tại Myanmar đang rất phức tạp, hậu quả động đất rất nặng nề sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng cứu hộ, trong đó có lực lượng của QĐND Việt Nam.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp