Chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần mở ra truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam

Công Luận/VOV-Đông Bắc | 15/12/2024, 09:47

VOVLIVE - Ngay sau khi ra đời, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã có những trận thắng đầu tiên mà nổi tiếng là các trận Phai Khắt, Nà Ngần tạo niềm tin cho chiến sĩ, nức lòng nhân dân.

Dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã thảo luận kỹ lưỡng cho trận đánh đầu tiên với nhiều nội dung như, đánh vào đâu, đánh như thế nào, làm sao để một đội quân nhỏ nhưng có thể giành được thắng lợi to lớn mang cả ý nghĩa quân sự lẫn chính trị. Mục tiêu được Đội lựa chọn trong trận ra quân là đồn Phai Khắt. Đây là một đồn nhỏ có khoảng 20 binh lính do một sỹ quan người Pháp chỉ huy, nằm ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, cách rừng Trần Hưng Đạo khoảng 7Km.

Với sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, Đội đã nghiên cứu kỹ địa hình cũng như hoạt động của địch. 17h ngày 25/12/1944, 2 tiểu đội đánh đồn Phai Khắt dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, lực lượng tham gia trận đánh cải trang tiến vào Đồn khiến địch trở tay không kịp. Toàn bộ 17 lính trấn thủ đồn Phai Khắt nhanh chóng đầu hàng, viên sĩ quan chỉ huy bị tiêu diệt. Quân ta thu nhiều vũ khí, quân trang và một số đạn dược.

Ngay sau chiến thắng này, toàn bộ lực lượng tiếp tục cơ động đến khu vực đồn Nà Ngần, cách Phai Khắt chừng 15km. Đồn có hơn 20 lính khố đỏ dưới sự chỉ huy của 2 viên sĩ quan người Pháp. Sáng 26/12, các chiến sỹ tiếp tục cải trang thành lính dõng, lính tập áp giải tù binh vào Đồn... sau đó bất ngờ, nhanh chóng tiếp cận, khống chế các khu vực theo kế hoạch đề ra. Chỉ sau ít phút, ta đã tiêu diệt 5 lính, bắt sống những tên còn lại, thu nhiều vũ khí, đạn dược và chỉ có một chiến sỹ bị thương nhẹ.

Nhớ lại lời kể của cha năm xưa, ông Tô Vũ Công (con trai cụ Tô Vũ Dâu, bí danh Thịnh Nguyên - người trực tiếp tham gia đánh đồn Nà Ngần) nói: "Bố tôi kể, ông rất tự hào, ông nói phải xác định đi là không ngại hy sinh, gian khổ. Ông được phân vào tiểu đội xung kích, nghĩa là tiểu đội này là lực lượng xung kích khi mà đánh đồn giặc phải đi hàng đầu rồi. Ông kể như đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần ông đều là thành phần xung kích. Đặc biệt, đánh đồn Nà Ngần, dù giặc có súng, còn ông khi đó mới 20 tuổi nhưng đã dám vào, bí mật, bất ngờ lao lên vật lộn với tên lính gác, ông vẫn kể cùng một người gọi là đồng chí Đắc, tiêu diệt tên lính gác trước".

Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã thực hiện đúng chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đó là: "Trận đầu nhất định phải thắng lợi". Đội đã sử dụng lối đánh hóa trang, tập kích tốn ít súng đạn, thương vong, song hiệu quả chiến đấu vô cùng cao. Hai trận đánh đầu tiên, ngoài việc tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân quan của địch, Đội còn thu được nhiều vũ khí, quân trang.

Tiến sĩ Lịch sử Dương Thị Huyền, Trường Đại học Khoa học- Đại học Thái Nguyên nhận định, chiến thắng không phải quá lớn so với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng với Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến công này đã mở ra truyền thống của quân đội ta và cổ vũ niềm tin cho phong trào cách mạng ta lúc bấy giờ.

"Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã để lại những những bài học quý về nghệ thuật quân sự. Đó là đã xây dựng được ý chí quyết tâm chiến đấu, chiến thắng ngay trong lần ra quân đầu tiên và đây là bài học quan trọng bởi ý chí quyết tâm chiến đấu là sức mạnh to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thứ hai là chọn mục tiêu tấn công phù hợp và chuẩn bị tác chiến chu đáo. Thứ ba là vận dụng cách đánh mưu trí sáng tạo, hành động mau lẹ, bất ngờ để giành chiến thắng nhanh gọn. Do đó, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sử dụng và pháp huy những bài học quý đó để tạo nên chiến thắng lừng lẫy của quân đội Việt Nam trong thế kỷ XX"

Sau chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã có những bước trưởng thành vượt bậc; Đội tiếp tục tiến đánh đồn Đồng Mu, góp phần giải phóng Ân Quang, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Sau khi giành chính quyền về tay nhân dân, quân đội tiếp tục là lực lượng nòng cốt bảo vệ thành quả cách mạng. Hàng loạt những chiến công oai hùng tiếp tục được viết nên, như: kìm chân địch suốt 2 tháng tại Hà Nội để Trung ương Đảng, Chỉnh phủ và các cơ quan Trung ương sơ tán an toàn; Đập tan cuộc tấn công chiến lược của quân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc năm 1947;...

Ngay tại mảnh đất Cao Bằng, tháng 9/1950, quân ta tấn công cứ điểm Đồn Đông Khê trên đường số 4, mở màn thắng lợi cho chiến dịch Biên giới Thu - Đông, năm 1950, đây cũng là lần đầu tiên quân ta sử dụng chiến thuật "đánh điểm, diệt viện". Chiến dịch thắng lợi đã khai thông tuyến biên giới Việt - Trung, tạo bước ngoặt lớn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cựu chiến binh, Trung tá Nguyễn Quân, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường Đảng Tổng cục Hậu Cần cho rằng, dù thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ đều là những đội quân có sức mạnh vượt trội, nhưng quân đội ta đã chiến thắng bởi luôn biết phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng, những chiến thắng bằng ý chí, tinh thần dân tộc và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

"Đó gọi là đánh thắng trận đầu, quan trọng lắm. Chiến thắng trận đầu để tạo khí thế, động viên tinh thần tư tưởng quyết chiến, quyết thắng của bộ đội, điều này rất quan trọng. Các chiến dịch sau này cũng thế thôi, đánh Mỹ cũng vậy. Mỹ vào miền Nam là 50 vạn quân, rồi cả chư hầu là 70 vạn, trang bị vũ khi hiện đại, nhưng tại sao xác định ta có thể đánh Mỹ được. Bởi vì phải nói là ở trận Vạn Tường, ta đã đánh thắng Mỹ và ta đã đánh thắng trận đầu nên khẳng định ta có thể đánh thắng Mỹ", Trung tá Nguyễn Quân nói.

Di tích Đồn Phai Khắt - Nà Ngần vẫn còn đó là minh chứng cho chiến công đầu của đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra; đồng thời cũng là "địa chỉ đỏ" giáo dục cho thế hệ bây giờ về truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước của dân tộc ta.

Cựu chiến binh Hà Vũ Thụ, ở xóm Bình Long, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng nói: "Chúng tôi là những người lính của Bác Hồ, Bác Giáp, những cựu chiến binh mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục phát huy tinh thần quê hương, không ngại gian khó, không ngại hy sinh, học tập noi gương tinh thần của 34 chiến sỹ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân".

Chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần như những ngôi sao dẫn lối, mở ra truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng để lại bài học vô giá cho thế hệ sau về ý chí quyết thắng, tinh thần không ngại hy sinh, gian khổ cũng như bài học về sự sáng tạo, mưu trí và bản lĩnh trước mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước trong mọi tình huống.

Bài liên quan
Khánh thành 13 nhà tái định cư cho các hộ dân vùng thiên tai ở Cao Bằng
Sáng 29/12, UBND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng tổ chức khánh thành Khu tái định cư xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc. Đây là những nơi chịu thiệt hại nặng nề về người trong cơn bão số 3 (YAGI).

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn cảnh Lễ đón Thủ tướng Nga thăm chính thức Việt Nam
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sang thăm chính thức Việt Nam.
  • TP.HCM xếp thứ hai thế giới về ô nhiễm không khí
    Sáng sớm 14/1, TP.HCM tiếp tục xuất hiện sương mù dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, có lúc ở vị trí thứ 2 thế giới.
  • Chế độ nghỉ hưu trước tuổi từ 1/1/2025
    Điều 2 Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 quy định cụ thể chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng như sau.
  • Thông tư mới về dạy thêm học thêm: "Quản chứ không cấm"
    Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp