Lá phổi xanh của thành phố như đang bị bức tử mà thủ phạm lại là chính những người được hưởng lợi nhiều nhất từ cây xanh…
Gốc cây xanh bị bổ bê tông gốc để làm nơi bán hàng, kê bàn ghế hay trở thành nơi tập kết rác sinh hoạt. Thân cây xanh bị ghim sâu những chiếc đinh, cọc sắt để treo biển quảng cáo.
Cây xanh trở thành nơi treo đồ dùng sinh hoạt, lắp đèn led hay bị cuốn quanh bởi chẳng chịt dây điện như mạng nhện. Đây là thực trạng đang diễn ra với cây xanh ở Hà Nội. Mỗi ngày, hàng ngàn cây xanh của Hà Nội ngang nhiên bị bức tử mà chẳng mấy ai quan tâm.
“Mấy ngày hôm nay thời tiết bắt đầu nắng nóng cũng làm mình để ý hơn các cây xanh xung quanh mình vì tìm bóng mát lúc đấy mới bị thu hút và chú ý. Cây xanh xung ở HN không hiểu tại sao trông như đang bị bóp nghẹt. Từ đóng đinh, biển quảng cáo, treo hết cái này đến cái khác thay vì treo ở 1 nơi nào đúng quy định hoặc treo vào bức tường”.
Tại 1 số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như Nguyễn Tuân, Ngụy Như Con Tum, Lê Văn Thiêm… hàng cây xanh bị các vòng sắt xiết chặt ngang thân cây từ nhiều năm nay. Vào năm 2017, những chiếc vòng sắt được đeo vào thân cây rồi kết nối với những thanh chống để đảm bảo cho cây xanh phát triển ổn định, không bị gãy đổ khi gặp thời tiết xấu.
Thế nhưng nhiều năm qua, thân cây phát triển, các vòng sắt không được nới lỏng đã tạo thành những nút thắt như muốn bóp nghẹt thân cây. Ngay cả khi được tháo những gông sắt, thì trên thân cây vẫn còn để lại những vết sẹo lồi lõm, gây mất mỹ quan đô thị.
“Những cây cổ thụ nhiều năm nó còn lên các vết sẹo ở cây, bị lồi ra, lõm vào và nhìn cây đã thấy ngột ngạt rồi và việc đấy như 1 sự bức tử với cây”.
“Hàng câu cổ thụ là hình ảnh rất thanh bình và tươi xanh, việc treo đồ và các biển quảng cáo lên sẽ làm mất mỹ quan, tạo ra hình ảnh nhếch nhác, luộm thuộm cho thủ đô, mọi người nên giữ ý thức chung”.
“Nhiệm vụ của vòng sắt là chống đỡ cây, hiện tại rễ cây đã phát triển rồi, rễ đã bám vào đất rồi thì vòng sắt không có tác dụng nhiều cho việc chống đỡ cây cả”
Nhiều ngày qua, câu chuyện hàng cây sao đen nghi bị bức tử trên phố Lò Đúc đã thu hút được nhiều sự chú ý của người dân thủ đô. Đây là hàng cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc, thế nhưng thời gian gần đây xuất hiện một số cây chết, có dấu hiệu héo úa, khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc và đặt nhiều nghi vấn cây bị "bức tử", tương tự vụ việc xảy ra với cây sao đen trước cửa nhà số 71 Lò Đúc vào năm 2019.
Theo thống kê, trong bán kính 100 m trên phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, có bốn cây sao đen bị chết khô trước cửa nhà số 34, 65, 71 và 93. Trong đó ba cây lớn có đường kính từ 60 cm đến 90 cm, một cây có đường kính 25 cm. Cả bốn cây bị chết đều án ngữ mặt tiền ngôi nhà mới sửa hoặc đang xây dựng.
Ngay sau đó, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Công an TP phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội xác minh, làm rõ các thông tin có hay không việc cây sao đen bị bức tử chết khô, báo cáo về UBND TP. Hà Nội. Thế nhưng, ngoài vụ việc về cây sao đen trong thời gian vừa qua, tại Hà Nội còn có hàng ngàn cây xanh cũng đang trong tình trạng tương tự hoặc trong tình trạng chết khô bởi tác động của con người.
Năm 2024, TP. Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 200.000 cây xanh trên các tuyến đường đô thị. Bên cạnh việc trồng thì giám sát, kiểm tra thường xuyên số lượng, chất lượng các loài cây đã được trồng tại tại Hà Nội là điều rất cần thiết. Bởi việc bảo vệ, trồng, chăm sóc cây xanh là một giải pháp quan trọng để phục hồi môi trường của thủ đô sau nhiều ngày liên tục lọt vào bảng xếp hạng đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí.
Cây xanh, đặc biệt là các cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cũng góp phần tạo nên nét đặc trưng, tạo nên vẻ nghiêm trang, cổ kính và dấu ấn đặc sắc của thủ đô. Mong rằng, sau vụ việc này, Hà Nội sẽ thay đổi cách đối xử với cây xanh đô thị, xứng đáng với hình ảnh thủ đô xanh-sạch-đẹp.