Nhiều năm qua, 4 mẹ con chị Trần Thị Hương ở xóm Cốc Cáng, thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng phải sống tạm bợ trong căn nhà gỗ ọp ẹp. Chồng mất sớm, gia đình thuộc diện hộ nghèo, một mình chị lo cho 3 con ăn học nên ước mơ có 1 căn nhà vững chãi là điều quá xa vời. Trước hoàn cảnh gia đình chị Hương, chi bộ trường THPT Trà Lĩnh đã quyết định kêu gọi đóng góp từ cán bộ nhà trường cùng những tấm lòng hảo tâm, hỗ trợ số tiền hơn 44 triệu đồng để giúp chị dựng căn nhà mới.
Chị Hương xúc động khi được nhận món quà ý nghĩa này: "Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện làm nhà, giờ may mắn được nhà trường, thầy cô, địa phương giúp đỡ. Bản thân tôi cũng cố gắng chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập để gom góp làm nhà. Chính quyền, các thầy cô giáo, các cháu học sinh còn đến giúp. Tôi mừng lắm, giờ làm được nhà mới vững chắc, không lo mưa gió nữa rồi".
Từ tháng 11/2021, tỉnh Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là địa phương thí điểm trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm hỗ trợ các hộ gia đình chính sách và hộ nghèo. Đến nay, hơn 6.000 căn nhà tạm và nhà dột nát tại Cao Bằng đã được sửa chữa hoặc xây mới, góp phần không nhỏ cải thiện điều kiện sống của cộng đồng. Riêng trong năm nay, đã có 2.888 hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát (đạt hơn 40% chỉ tiêu), trong đó có hơn 1.700 hộ xây mới, hơn 240 hộ sửa chữa từ 01-02 tiêu chí cứng, hơn 900 hộ sửa chữa 03 tiêu chí cứng. Địa phương này xác định tranh thủ thời tiết thuận lợi những tháng cuối năm và cũng là thời gian thường được lựa chọn để dựng nhà theo phong tục của người dân để đẩy tập trung triển khai hơn 4.000 nhà còn lại. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cấp uỷ, chính quyền các địa phương phải xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác giảm nghèo.
Bà Đàm Mai Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng nói: “Trong quá trình thực hiện, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con thực hiện xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, các hộ gia đình đã có kế hoạch và có địa chỉ từng hộ cụ thể, các cán bộ phụ trách xóm sẽ tiếp tục hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện theo tiêu chí 3 cứng và hỗ trợ bà con những hộ gia đình nào mà đường đi lại khó khăn thì sẽ tuyên truyền, vận động bà con, các hội đoàn thể vào cuộc để giúp vận chuyển vật liệu để thực hiện xây mới, sửa chữa nhà”.
Với nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 7 huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Cao Bằng được bố trí hơn 380 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2021-2025. Cao Bằng phấn đấu hoàn thành chương trình này ngay trong năm 2024. Ngoài nguồn ngân sách, các địa phương đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Trong đó, huyện Hoà An đã xã hội hóa trên 3,9 tỷ đồng; huyện Bảo Lâm là địa phương khó khăn nhất tỉnh nhưng cũng đã huy động xã hội hoá được gần 700 triệu đồng,… Đồng thời, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, người dân quyết tâm hơn trong việc ổn định cuộc sống, phần lớn người dân tự bố trí thêm vốn để căn nhà khang trang, vững chãi hơn.
Ông Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Cao Bằng cho biết: “Chúng tôi yêu cầu, các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp tập trung chỉ đạo, làm sao phát huy cao độ vai trò người đứng đầu cấp huyện, cấp xã để huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, để chương trình lan tỏa hơn và tham gia tốt hơn nữa của cộng đồng dân cư với chương trình”.
Sau 3 năm, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát đã lan tỏa rộng khắp, mang lại diện mạo mới cho công cuộc phát triển kinh tế tại các bản làng vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Cao Bằng. Mỗi căn nhà mới được hoàn thành đồng nghĩa với việc sẽ có thêm một hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từ đó yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.